Mô hình kinh tế Thanh Hóa Tìm Đầu Ra Cho Nghề Nuôi Động Vật Hoang Dã

Thanh Hóa Tìm Đầu Ra Cho Nghề Nuôi Động Vật Hoang Dã

Ngày đăng 22/04/2014

Thanh Hóa Tìm Đầu Ra Cho Nghề Nuôi Động Vật Hoang Dã

Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, nghề này cũng đang gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là về thị trường tiêu thụ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nghề nuôi ĐVHD phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh từ năm 2008, đến nay toàn tỉnh có 968 hộ nuôi đã được đăng ký, cấp phép với số lượng nuôi là 21.911 cá thể. Trong đó, Quan Hóa là huyện dẫn đầu với 165 hộ chăn nuôi và 1.186 cá thể.

Các loài nuôi hiện nay rất đa dạng gồm có chim trĩ, lợn rừng, cá sấu, rùa, chồn, trăn..., song nhím và rắn hổ mang là hai loài nuôi với số lượng lớn, trong đó rắn hổ mang là 12.727 cá thể, nhím là 5.311 cá thể. Những năm qua, nghề nuôi ĐVHD đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Thao, xã Đông Tiến (Đông Sơn) làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ. Trên diện tích gần 3.000m2, anh xây 6 chuồng nuôi chim trĩ để bán thịt và bán giống cho các cơ sở chăn nuôi, các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Anh Thao cho biết: Chim trĩ là loài động vật dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, một lứa chim trĩ nuôi từ 4 đến 6 tháng, lúc đạt cân nặng 1,2 - 1,7kg là có thể bán với giá 250.000 đồng/1kg chim trĩ đỏ và 800.000 đồng – 1.000.000 đồng/1kg chim trĩ xanh.

Với số lượng lên tới vài ngàn con, hàng năm trừ chi phí gia đình anh thu về từ nuôi chim trĩ gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thao còn nuôi thêm một số loài khác như: vịt trời, gà rừng, công... để nâng cao thu nhập. Đây là những loài vật dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, hơn nữa thị trường hiện nay rất ưa chuộng.

Theo tính toán của nhiều hộ dân, nuôi ĐVHD không mất nhiều thời gian, công sức, các loài động vật này lại ít bị dịch bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay nghề này cũng gặp không ít khó khăn, trong đó thị trường đầu ra là mối quan tâm hàng đầu của người chăn nuôi.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, các loài ĐVHD nuôi đều phát triển tương đối ổn định, một số loài mang lại lợi ích kinh tế cao như nhím, rắn, lợn rừng, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 60 triệu đồng/hộ nuôi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 trở lại đây, giá thị trường của một số loài phổ biến như nhím, rùa, lợn rừng, cá sấu... giảm đáng kể, ảnh hưởng đến việc nhân rộng số lượng, quy mô các hộ nuôi. Các cơ sở nuôi đang có chiều hướng giảm về số hộ nuôi và số lượng cá thể.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Ngọc, ở xã Thành Lộc (Hậu Lộc) là hộ đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình nuôi cá sấu. Năm 2008, anh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư 100 con giống về nuôi. Sau gần 2 năm, đàn cá của anh phát triển tốt, mỗi con đạt từ 20 đến 25 kg, bán ra với giá từ 135.000 đến 150.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá cá sấu giảm và không có thị trường tiêu thụ nên anh đành phải chuyển sang nuôi loài động vật khác. Hay như gia đình anh Lê Quốc Hùng, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa), đầu tư gia trại nuôi lợn rừng sinh sản.

Thời gian đầu, với 22 con lợn bố mẹ không đủ cung cấp cho thị trường, trong khi giá thị trường ổn định từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg, chi phí thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 so với nuôi lợn truyền thống nên trừ mọi chi phí hằng năm anh thu về số tiền gần 100 triệu đồng. Song hiện nay, cũng gặp khó khăn về đầu ra, vì hàng nguyên chủng của anh giá thành cao, khó cạnh tranh được với giá lợn rừng lai nên hiện nay anh cũng chỉ nuôi cầm chừng, không dám mở rộng quy mô.

Nghề nuôi ĐVHD mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần giảm sức ép từ việc săn bắn, bẫy bắt ĐVHD từ tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang có chiều hướng chững lại và đi xuống.

Nguyên nhân là do thị trường có phần bão hòa, các đầu mối chính không nhập hàng dẫn đến giá một số loài chủ chốt giảm mạnh. Một số người nuôi đang có ý định bỏ nghề hoặc chuyển đổi loài nuôi do không đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục duy trì.

Để nghề nuôi ĐVHD phát triển bền vững, ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên trách, thiết nghĩ người chăn nuôi cần tạo được mối liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tránh tình trạng manh mún.


Bầu Đức Mê Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Bầu Đức Mê Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Triển Vọng Nuôi Dê Ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) Triển Vọng Nuôi Dê Ở Chợ Đồn (Bắc…