Mô hình kinh tế Thanh Long Ruột Đỏ Bén Duyên Trên Đất Rừng U Minh

Thanh Long Ruột Đỏ Bén Duyên Trên Đất Rừng U Minh

Ngày đăng 19/06/2014

Thanh Long Ruột Đỏ Bén Duyên Trên Đất Rừng U Minh

Đến tham quan trang trại thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Hữu Phước tại ấp 18, xã Khánh Thuận (Cà Mau), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thành quả mang lại cho chủ nhân nó.

Toàn bộ 5 ha đất rừng trước đây nay thay vào đó là những trụ thanh long xanh mượt chạy dài ngút tầm mắt. Những dây thanh long uốn lượn theo trụ bê- tông vươn lên, đâm chồi kép tán trông rất đẹp mắt. Vì mới cho lứa trái đầu tiên ở những trụ dây phát triển tốt nên trái xuất hiện chưa đều trong vườn nhưng trái nào cũng to, đang chín đỏ mọng.

Ông Nguyễn Hữu Phước (Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) quê ở tỉnh Long An, là chủ nhân của trang trại thanh long, cho biết, để có được trang trại thanh long này, ông và người em (ông Nguyễn Thanh Hùng, giúp phụ trách kỹ thuật) đã trải qua bước “thử nghiệm” ban đầu.

Ông Hùng nói: “Ðặc tính của cây thanh long thích hợp ở vùng đất cao ráo, dễ thoát nước và không bị nhiễm phèn. Ðối với đất U Minh có một lượng phèn tiềm tàng nên phải cải tạo đất thật kỹ, lên liếp cao và tạo độ tơi xốp bằng cách trộn với mụn dừa (phân dừa). Qua thử nghiệm bằng cách này, tôi thấy cây thanh long phát triển rất nhanh và khẳng định nó rất phù hợp với vùng đất ở đây”.

Với diện tích 5 ha, được lên khuôn cao ráo chia từng liếp nhỏ, ông Phước trồng 5.000 trụ thanh long. Giống thanh long được lựa chọn trồng là giống thanh long Long Ðịnh I từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Theo ông Hùng, ưu điểm của giống thanh long này là trái to, bóng đẹp, có khả năng đạt trọng lượng từ 0,8-1,2 kg/trái, ruột đỏ, ngọt thanh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy mới cho trái lứa đầu ở những trụ dây phát triển tốt nhưng ước lượng trên diện tích này sẽ cho thu hoạch hơn 1 tấn trái. Hiện nay giá thanh long bán lẻ tại địa phương dao động 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn thanh long ruột trắng từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Hùng, bắt đầu từ vụ trái sau, trang trại thanh long sẽ đạt năng suất từ 3-5 tấn trái và sản lượng sẽ đạt khoảng 20 tấn/vụ vào năm thứ 5. Nói về đầu ra, ông Nguyễn Hữu Phước rất lạc quan: “Chúng tôi đã liên hệ với các thương lái ở tỉnh Long An, họ hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của trang trại. Sắp tới, chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp xuất khẩu này để tạo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm”.

Khi yên tâm đầu ra thì ông Phước lại băn khoăn ở khâu vận chuyển. Do trang trại được xây dựng ở giữa rừng U Minh, vận chuyển bằng đường thuỷ, kinh rạch nhỏ lại chằng chịt đập nên khâu vận chuyển sản phẩm mỗi khi vào cao điểm thu hoạch thanh long đang là bài toán nan giải cho ông Phước. Ông Phước lo lắng: “Trái thanh long trải qua nhiều công đoạn vận chuyển sẽ có nguy cơ giảm chất lượng về mặt mẫu mã. Bên cạnh đó, giá thành vận chuyển sẽ đội lên do đó lợi nhuận sẽ giảm”.

Hiện nay, mỗi ngày trang trại thanh long của ông Phước có từ 10-20 người đến phụ việc như làm cỏ, bón phân, xịt thuốc, tưới nước; đặc biệt, vào những ngày thu hoạch sẽ có 30 lao động đến hái trái. Bình quân tiền nhân công từ 100.000-120.0000 đồng/lao động/ngày, đã giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho người dân địa phương..

Thành công của mô hình trang trại thanh long của ông Nguyễn Hữu Phước một lần nữa cho thấy sự phong phú của tiềm năng đất rừng U Minh và sự đột phá quyết tâm cải tạo đất rừng của những người dân, góp phần làm phong phú thêm các mô hình sản xuất ở địa phương.


Quảng Nguyên, Chú Trọng Phát Triển Đàn Gia Súc Theo Hướng Hàng Hóa Quảng Nguyên, Chú Trọng Phát Triển Đàn Gia… Hướng Làm Ăn Mới Hướng Làm Ăn Mới