Mô hình kinh tế Thanh Long Ruột Đỏ Cây Trồng Mới Của Nông Dân Hưng Yên

Thanh Long Ruột Đỏ Cây Trồng Mới Của Nông Dân Hưng Yên

Ngày đăng 08/09/2014

Thanh Long Ruột Đỏ Cây Trồng Mới Của Nông Dân Hưng Yên

Vững tâm, không dao động bởi lời “nói vào – nói ra” của những người xung quanh, họ quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên những thửa vườn cây ăn trái đang ở giai đoạn cho thu hoạch tốt. Sau những tháng ngày chăm sóc, hiệu quả bước đầu về kinh tế, môi trường từ loài cây ăn quả mới đã đến với những chủ vườn dám nghĩ, dám làm trên đất Hưng Yên.

“Mê” thanh long, phá cả nhãn, cam để trồng

Hơn hai mươi năm trước, anh Nguyễn Văn Khởi, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) đã “mê” cây thanh long. Khi ấy, ở miền Bắc, cây thanh long hiếm, anh xin một cành thanh long ruột trắng về trồng làm cảnh, có quả chỉ để ngắm, không nỡ ăn.

Làm công tác thú y, thường xuyên qua lại nhiều xã trong khu vực thấy nhân dân ào ào trồng nhãn trong vườn, trên đất chuyển đổi, anh sợ đến ngày nào đó thu nhập từ nhãn sẽ kém đi. Sẵn tình yêu với cây thanh long, thêm suy nghĩ quả thanh long chuyển từ Bình Thuận ra Hà Nội, vòng về Hưng Yên, đến chợ Ba Hàng quê anh phải mất rất nhiều “cầu”.

Đó là chưa kể để chuyển hàng ra tới ngoài Bắc, người ta trẩy quả khi chưa chín, dùng hóa chất ủ, ướp bảo quản, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

“Thanh long ruột đỏ chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người, dễ trồng, dễ chăm sóc. Sản phẩm của mình không sử dụng thuốc bảo quản, chỉ cần bán với giá gần bằng giá thanh long từ miền Nam chuyển ra là mình đã thắng rồi. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi quyết định phá hơn hai sào nhãn đang ở độ tuổi cho thu hoạch quả tốt nhất để trồng 110 gốc thanh long ruột đỏ” – anh Khởi kể.

Trồng nhãn phải chăm sóc vất vả, kỹ thuật cầu kỳ mới mong năm nào nhãn cũng ra hoa, đậu quả. Để cam đường canh năm nào cũng có thu thì còn khó hơn, cầu kỳ hơn nhiều. Đổi lại cho sự vất vả, cầu kỳ ấy là thu nhập từ trồng nhãn, cam đường canh thật đáng nể, bình quân mỗi sào cũng thu 5 – 15 triệu đồng/năm.

Thế nhưng sức hút của cây thanh long ruột đỏ không chỉ làm vợ chồng anh Khởi “mê mẩn” để phá bỏ vườn nhãn mà còn khiến vợ chồng ông Đào Minh Bát, xã Đại Hưng (Khoái Châu) phá bỏ cả vườn cam đường canh 7 sào đang cho thu 50 – 70 triệu đồng/năm, mở rộng thêm diện tích để trồng 1 mẫu thanh long ruột đỏ.

Ông Bát nói: “Trồng cam đường canh để có lãi phải chăm sóc vất vả, không những thế còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính người chăm sóc cam. Cây cam sẽ già cỗi dần theo năm tháng, năng suất và chất lượng quả cũng giảm dần theo”.

Thấm cái vất vả của người “nuôi tằm ăn cơm đứng”, ngay khi tiếp cận mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên vùng đất bãi ven sông Hồng của một số chủ vườn ở huyện Ba Vì (Hà Nội), ở tỉnh Vĩnh Phúc, vợ chồng chị Dương Thị Thoa, xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) quyết tâm lên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội mua giống cây thanh ruột đỏ về trồng thí điểm 60 trụ ngay tại vườn nhà, thay thế vườn đu đủ đang thì sai quả.

Chị Thoa cho biết: “Thấy cây thanh long ruột đỏ thực sự phù hợp với đất bãi ven sông Hồng, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc nên vợ chồng tôi mạnh dạn làm thử. Có cùng thổ nhưỡng, chúng tôi tin sẽ thành công. Khi đó, đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của không chỉ riêng gia đình tôi ở vùng đất này”.

Hiệu quả tốt nhưng không nên phát triển ồ ạt

Cuối năm 2011, anh Khởi bàn với vợ chặt bỏ toàn bộ vườn nhãn để trồng thanh long ruột đỏ. Nay bước sang năm thứ hai có thu hoạch, từ đầu năm mỗi trụ thanh long đã cho thu bình quân trên 5kg quả, nhiều trụ cho thu trên 20 kg quả.

Anh Khởi hồ hởi: “Từ đầu năm đến nay, có 2 sào thanh long gia đình tôi đã thu trên 30 triệu đồng, cả năm ước thu khoảng 50 triệu đồng, cao gấp gần chục lần thu nhập từ vườn nhãn trước đây. Dự kiến sang năm mỗi trụ sẽ cho thu bình quân khoảng 30kg quả và dần ổn định năng suất”.

Điều tâm đắc nhất ở cây thanh long ruột đỏ mà vợ chồng chị Dương Thị Thoa đang theo đuổi đó là cây trồng một lần nhưng có thể thu hoạch tới 20 - 30 năm mà không phải trồng lại, chất lượng lại ngon, vị ngọt đậm.

Nếu như cây thanh long ở miền Nam có thể cho thu cả năm thì ở miền Bắc còn có mùa đông giá rét song thời gian thu quả cũng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, với giá bán hiện nay trên 35 nghìn đồng/kg quả, chị Thoa cho rằng không có cây trồng nào ở vùng đất bãi quê chị có hiệu quả kinh tế bằng.

Với vợ chồng ông Đào Minh Bát, sau ba năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ đã thốt lên: “Không những thu nhập ổn định mà sướng nhất là hầu như chúng tôi không phải phun thuốc trừ sâu bệnh bởi thanh long ruột đỏ rất ít sâu, bệnh. Đây thực sự là nông sản sạch cho người tiêu dùng”.

Là cây trồng mới, dễ chăm sóc, bảo vệ nhưng theo các chủ vườn thì không hẳn cứ trồng là thành công. Thời gian đầu, gia đình ông Đào Minh Bát chưa nắm được kỹ thuật canh tác nên toàn bộ cây thanh long trồng thử nghiệm bị chết.

Anh Nguyễn Văn Khởi lặn lội tìm mua cây giống tốt nhất từ miền Nam chuyển ra nhưng rồi lại phải tìm tòi, tự chiết ghép, điều chỉnh lại để có được những trụ giống thanh long ruột đỏ cho chất lượng, màu sắc quả như ý muốn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Anh Khởi chia sẻ: “Có khi chỉ đơn giản là trồng gốc cây thanh long hơi sâu dưới đất một chút cũng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển, khả năng ra hoa, đậu quả”.

Từ hiệu quả kinh tế, môi trường bước đầu mà cây thanh long ruột đỏ đem lại, hiện nay một bộ phận nhân dân ở các địa phương trong tỉnh tìm hiểu và chuyển dịch một phần diện tích vườn, trang trại sang trồng loại cây ăn quả mới này. Những hộ đi đầu trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên đất Hưng Yên cũng đang tiến thêm một bước: sản xuất, bán cây giống thanh long ruột đỏ.

Thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Hưng Yên, cây thanh long ruột đỏ góp phần làm đa dạng thêm cơ cấu các loại cây ăn quả được trồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho rằng nông dân không nên thấy những hiệu quả bước đầu của cây trồng này mà đua nhau trồng một cách ồ ạt, cần phải tìm hiểu kỹ cả về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thị trường.

Khi trồng, các hộ nên trồng tập trung theo nhóm hộ để vừa thuận cho việc trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, vừa thuận cho việc tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng trồng rải rác dễ bị tư thương ép giá. Để trồng thanh long ruột đỏ đạt hiệu quả cao, ông Kiên cũng khuyến cáo nông dân cần chọn giống thanh long ruột đỏ ở những địa chỉ cung cấp giống uy tín, có địa chỉ rõ ràng.

Nơi trồng thanh long cần ở vị trí cao, thoát nước tốt, chủ động được nguồn nước tưới. “Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang có kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ để làm nơi cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm khi áp dụng vào sản xuất, giúp nông dân thu được năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt hơn” – ông Kiên cho biết.


Tìm Đường “Xuất Ngoại” Cho Thịt Lợn Tìm Đường “Xuất Ngoại” Cho Thịt Lợn Nhà Vườn Trồng Thanh Long Đang Cần Hỗ Trợ Nhà Vườn Trồng Thanh Long Đang Cần Hỗ…