Tin nông nghiệp Tháo gỡ nhiều điểm nóng nông nghiệp

Tháo gỡ nhiều điểm nóng nông nghiệp

Tác giả Ngọc Lê, ngày đăng 20/06/2016

Tháo gỡ nhiều điểm nóng nông nghiệp

Lãnh đạo Trung tâm đã đánh giá cao kết quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí, nhất là báo NTNN/Dân Việt trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện nhiều tuyến bài có hiệu quả cao về hoạt động của ngành khuyến nông nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung.

Nông nghiệp đối mặt hàng loạt khó khăn

Theo TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động khuyến nông triển khai trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại đầu năm ở các tỉnh miền Bắc đầu năm 2016, hạn hán tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh vùng ĐBSCL; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình thu ngân sách giảm, khả năng đầu tư công của Chính phủ cũng hạn chế.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng cho biết, hiện tổ chức hệ thống khuyến nông, nhất là khuyến nông cấp cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương không bố trí kinh phí cho hoạt động này. Trong khi đó, khuyến nông có vai trò rất lớn trong việc chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Thông, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoạt động khuyến nông trung ương 6 tháng đầu năm đã được triển khai đúng kế hoạch, nội dung và đảm bảo tiến độ. Nhiều nội dung đã hoàn thành khoảng 70% kế hoạch.

Cụ thể, năm 2016, Trung tâm đã chủ trì triển khai 20 dự án khuyến nông, quản lý và chỉ đạo thực hiện 9 dự án do các đơn vị ngoài bộ thực hiện. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, các dự án đều tập trung theo hướng ưu tiên phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Kết quả, nhiều dự án đã có ảnh hưởng và tác động tích cực đến quá trình sản xuất, nâng cao ý thức cộng đồng, mang lại hiệu quả cao. Các dự án đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt quy mô, số hộ, thực hiện đầy quy trình để đảm bảo năng suất, chất lượng theo yêu cầu.

Qua 6 tháng triển khai, nhiều mô hình, dự án khuyến nông đã trở thành các điểm trình diễn, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân như: Dự án phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống sản xuất trong nước: năm 2016 tổ chức sản xuất 1.080ha tại 11 tỉnh; Dự án nhân dòng giống lúa bố, mẹ để phục vụ sản xuất các tổ hợp lai chất lượng cao phổ biến trong sản xuất  6 tháng đầu năm 2016, xây dựng 12 mô hình, quy mô 364ha; các dự án về sản xuất lúa thuần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất gồm 4 dự án là áp dụng 3 giảm 3 tăng và SRI trong sản xuất lúa; giảm hạt giống gieo sạ, thâm canh tổng hợp tăng năng suất lúa, liên kết trong sản xuất giống lúa xác nhận, quy mô 1.290ha, 3.174hộ...

“Nhìn chung, các dự án đều có hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Với việc áp dụng các quy phạm VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giảm lượng phân bón, giảm lượng giống…  đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững”- ông Thông đánh giá.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức 13 sự kiện trong đó: 11 diễn đàn và 2 hội chợ. Các Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với các chủ đề "nóng" từ sản xuất đã thu hút với 3.270 đại biểu, trong đó có 2.182 nông dân và có 363 câu hỏi được tư vấn, giải đáp. Các diễn đàn đã góp phần tư vấn, giải đáp và định hướng thông tin các vấn đề "nóng" của sản xuất như sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi; vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn...

Báo chí đã tuyên truyền tốt về hoạt động của ngành

Về công tác tuyên truyền hoạt động khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Đỗ Phan Tuấn- Trưởng phòng Thông tin- Huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, đã tuyên truyền 1.179 chuyên trang, chuyên mục với  5.730 tin, bài, ảnh; 2.817 tin, bài, ảnh trên các báo viết trong đó có báo NTNN, đã góp phần đưa thông tin khoa học kỹ thuật đến với bà con người dân tộc”.

Theo ông Tuấn, báo chí đã tuyên truyền kịp thời các vấn đề của ngành. Như trên báo NTNN trong thời gian từ ngày 7-14.3 đã tuyên truyền các loạt bài: "Tây Nguyên quay quắt trong nắng hạn"; "Sẽ không chỉ ngồi chờ 4 quốc gia sông Mekong xả nước"; "Bất lực nhìn lúa rau chết khô"; "Công bố các giải pháp cấp bách"; "Nước ngọt khan hiếm, giá tới 100.000 đồng/m3"; "Trâu bò uống nước cầm cự qua ngày"; "Các địa phương đề nghị T.Ư cứu"; "Vét giếng, thuê ghe chở nước ngọt ra đảo"…

Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền này, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ 13 tỉnh thành ĐBSCL mỗi tỉnh 50 tỷ đồng (tổng cộng 650 tỷ). Ngày 10.3, Thủ tướng  đồng ý tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương; BIDV hỗ tợ 23 tỷ đồng cho 16 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất.

Để thực hiện tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền về ngành, TS Phan Huy Thông đề nghị, trong thời gian tới, báo chí cần tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Bộ NNPTNT như tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa...


Nông nghiệp tìm kế vượt khó Nông nghiệp tìm kế vượt khó Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy…