Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và nông dân sản xuất kinh doanh cây cà phê
Doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với việc thu mua, chế biến cà phê vì đang thiếu vốn để đầu tư khiến việc kinh doanh, sản xuất cây cà phê gặp không ít khó khăn.
Vụ cà phê này gia đình ông Lê Công Trí, ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong đầu tư trồng hơn 3 ha cà phê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Năm nay, cà phê chín sớm nhưng gia đình ông vẫn chưa vội thu hoạch bởi giá thu mua quá thấp, tính sơ bộ không đủ bù chi phí thuê người hái và phân bón đầu tư trồng.
Rất nhiều hộ nông dân khác ở Hướng Hóa đầu tư lớn trồng cà phê nay lâm cảnh “dở khóc dở cười”, không thu hoạch thì tiếc mà bỏ tiền thuê nhân công thì lỗ.
Vụ cà phê năm nay được mùa nhưng giá bán thấp Theo điều tra của Hiệp hội cà phê Khe Sanh, chất lượng cà phê thu đầu vụ có tỷ lệ nhân xô chỉ đạt 40 - 50%.
Việc nông dân vẫn giữ thói quen trồng cà phê theo lối quảng canh, không tưới mà chỉ trông chờ nước trời, do đó không chủ động trong các thời gian bón phân, chăm sóc dẫn đến cà phê ra hoa và chín không tập trung, nhân nhỏ.
Ngoài ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê diễn ra trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân khiến người dân nôn nóng thu hoạch cà phê.
Chất lượng cà phê không đạt chuẩn khiến giá cả xuất khẩu sản phẩm cà phê Khe Sanh thấp, do đó doanh nghiệp và các cơ sở chế biến vẫn thờ ơ với việc thu mua.
Hiện trên địa bàn mới chỉ có 1, 2 công ty tổ chức thu mua cà phê trong tổng số 14 doanh nghiệp và 5 cơ sở thu mua, chế biến hoạt động trên địa bàn.
Những doanh nghiệp lớn trực tiếp xuất khẩu cà phê như Công ty cổ phần Thái Hòa, Công ty Đại Lộc đã lâm vào cảnh nợ xấu.
Gần như toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp và bán nợ cho Công ty quản lý tài sản nên không thể tiếp tục được vay vốn để thu mua cũng như xuất khẩu cà phê.
Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hòa cho biết:
“Nông dân thường chỉ bán nhỏ lẻ, chất lượng cà phê thấp, giá cả bấp bênh, chưa năm nào công ty thu mua đạt sản lượng, do vậy các hợp đồng lớn không ký được.
Hiện Công ty cổ phần Thái Hòa đang nợ 3 tổ chức tín dụng mà chưa có khả năng trả.
Chúng tôi mong muốn được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.
Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn để sản xuất cây cà phê.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình dư nợ tại các ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực cà phê đã rất lớn mà chưa có khả năng thu hồi vốn.
Tại Ngân hàng NN - PTNT chi nhánh Hướng Hóa, dư nợ trồng và chăm sóc cà phê hộ gia đình đã lên 57 tỷ đồng, dư nợ của các doanh nghiệp gần 46 tỷ đồng, khả năng thu hồi vốn vay cực kỳ khó khăn.
Giải pháp tháo gỡ trước mắt cho niên vụ cà phê này các doanh nghiệp kinh doanh tham gia Hiệp hội cà phê Khe Sanh phải cam kết chỉ thu mua cà phê với tỷ lệ hơn 95% quả chín chắc, giúp người nông dân thay đổi tập quán thu hái, đồng thời cũng giúp nông dân nâng cao giá bán, doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình chế biến.
Tiếp tục thực hiện hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để người dân được hưởng lợi về giá thu mua, được hỗ trợ tiền vận chuyển cà phê ra nhà máy, được cung ứng phân bón với giá cả hợp lý như các mô hình đã thực hiện trong năm 2014.
Các ngân hàng thương mại tìm cách tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay vốn thu mua, chế biến cà phê cũng như các hộ dân có vốn tái canh cây cà phê.
Về lâu dài cần có những chiến lược cụ thể để phát triển cây cà phê bền vững, hiệu quả.
Cần có sự vào cuộc tích cực của Sở Nông nghiệp & PTNT và các ban, ngành liên quan để tăng cường tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người trồng cà phê, xây dựng mô hình ứng dụng các hệ thống tưới tiết kiệm cho cây cà phê nhằm chủ động trong bón phân, chăm sóc đúng quy trình, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây cà phê.
Xúc tiến, xây dựng các vùng sản xuất cà phê có chứng nhận đạt các tiêu chuẩn chất lượng (4C, UTZ, Raiforest...) để nâng cao chất lượng và giá bán.
Ngoài ra, phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn Hướng Hoá cũng là giải pháp cấp bách, bởi phần lớn diện tích cà phê được quy hoạch trồng lại từ năm 1994, do đó đến nay có trên 50% diện tích cà phê có tuổi trên 18 năm, quá già cỗi và năng suất thấp.
Đối với vùng trồng cà phê Hướng Hóa, các ngân hàng đầu tư cho vay lĩnh vực này cũng mong muốn thời gian tới Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh giống cà phê chè được vay vốn với thời hạn kéo dài và lãi suất ưu đãi hơn để thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ