Tin nông nghiệp Tháo nút thắt cho cánh đồng lớn

Tháo nút thắt cho cánh đồng lớn

Tác giả HỮU PHƯỚC, ngày đăng 21/07/2016

Tháo nút thắt cho cánh đồng lớn

Mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa bước đầu đã phát huy những hiệu quả nhưng vẫn cần có nhiều chính sách để mang tính bền vững.

Với diện tích gieo trồng hàng năm chiếm 52%, đóng góp đến 56% tổng sản lượng và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước; ĐBSCL được xem là vựa lương thực quan trọng nhất của cả nước. Tuy nhiên, quá trình canh tác lúa của vùng vẫn còn manh mún, từng nông dân tự quyết định giống lúa sẽ trồng và kỹ thuật áp dụng, dẫn đến chất lượng kém, không đồng nhất, giá bán thấp. Hầu như không ai chịu trách nhiệm một cách chắc chắn rằng hạt lúa của nông dân làm ra sẽ được tiêu thụ với giá cả hợp lý.

Còn những nghịch lý

Vì vậy, tại Hội thảo “Đối thoại chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiếp cận tín dụng ngành hàng lúa gạo, xây dựng CĐL”, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực trong vùng như Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Gentraco, DNTN Công Bình… đã chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện cánh đồng liên kết. Trong đó, chủ yếu gặp nhiều khó khăn do vẫn có khoảng 20% nông dân chưa thực hiện đầy đủ hợp đồng bao tiêu, nhiều nơi chính quyền còn thờ ơ (nhất là ở cấp huyện trở xuống) khi tham gia vào quá trình xây dựng CĐL.

Ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam, cho biết: “Kinh phí đầu tư đầu vào các CĐL của doanh nghiệp không phải là nhỏ, mà còn phải lo ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Thế nhưng, khi có tác động về giá lúa tăng so với hợp đồng thì họ lại bán cho thương lái bên ngoài nên rất khó thu hồi vốn. Ngoài ra, việc nhiều vùng sản xuất cơ sở hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, khi vận chuyển phải qua nhiều khâu làm giá thành đội lên 200-300 đồng/kg lúa. Đây là những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình cùng nông dân liên kết xây dựng CĐL, gắn với tiêu thụ nông sản”.

Để giải quyết căn cơ việc phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp như trong thời gian qua, ông Trượng đề xuất tới đây các doanh nghiệp nên ký hợp đồng thông qua các tổ chức mà điển hình là hợp tác xã và tổ hợp tác. Một nghịch lý khác mà doanh nghiệp đang gặp phải là cần đất để xây dựng các nhà máy ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa để chế biến lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, chủ trương của Nhà nước là đất lúa không cho chuyển mục đích sang đất xây dựng công nghiệp, cho nên cần xem xét ban hành chủ trương hài hòa để giải quyết mâu thuẫn này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất sạch đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), thông tin: Gần đây có một số công ty đã dần hình thành các CĐL tương đối tập trung, ít phân tán trong vùng nguyên liệu cho chính đơn vị mình quản lý. Nên chăng, Nhà nước cần có chủ trương hỗ trợ một phần để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở những CĐL này để người dân sản xuất thuận lợi, còn doanh nghiệp cũng kinh doanh đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa có thương hiệu thì phải chịu thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) 5%, trong khi các nhà phân phối bán gạo lẻ thì không phải chịu thuế. Đây là một thực trạng bất bình đẳng.

Do đó, ông Dũng cho rằng Nhà nước nên xem xét bãi bỏ tất cả thuế trong kinh doanh gạo nội địa, hoặc là đánh thuế VAT trên bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào kinh doanh gạo nội địa để tạo sự công bằng trong kinh doanh. Một khía cạnh khác khiến các doanh nghiệp còn e dè, gặp khó khi tham gia vào quá trình xây dựng CĐL hiện nay là dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, mà chủ yếu do vướng thủ tục hành chính.

Tập trung tháo gỡ

Từ những vướng mắc đặt ra, các cơ quan chức năng đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người nông dân hiểu và thấy được quyền lợi, lợi ích từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về mô hình cánh đồng liên kết, CĐL để họ tự nguyện tham gia. Ngoài ra đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật; tăng cường công tác huấn luyện để nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh, cũng như kiến thức về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người lao động, đặc biệt là nông dân, chủ trang trại.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT, cho rằng: Các hợp tác xã và tổ hợp tác chính là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Cho nên cần phải củng cố và phát triển các tổ chức này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đủ sức đảm đương vai trò của mình để góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Muốn vậy, cần quan tâm hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa phục vụ cho việc đưa sản phẩm tham gia vào các kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại cho hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Qua những khó khăn mà doanh nghiệp đặt ra, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ sửa đổi bổ sung chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kiến nghị ngành ngân hàng có hướng hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về vốn đầu tư sản xuất. Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp tham gia thực hiện CĐL theo kiểu hình thức.

Ngoài ra, triển khai xây dựng hệ thống thông tin và dự báo về sản xuất và thị trường, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân định hướng sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; cũng như tiếp tục tham mưu, đề xuất về các nội dung quản lý nhà nước có liên quan trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tiêu chí CĐL để từng bước hoàn thiện và phát triển bền vững.

“Có thể nói, mô hình CĐL là một chủ trương lớn của Nhà nước. Chủ trương này cần phải được tiếp tục theo đuổi và hoàn thiện để nền nông nghiệp nước ta có điều kiện tiến lên hiện đại, sản xuất ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng cao và ổn định để cạnh tranh thắng lợi trong quá trình toàn cầu hóa. Do đó, các ngành có liên quan cần nghiên cứu kỹ những khó khăn thách thức trong quá trình xây dựng CĐL để giải quyết, đưa nền nông nghiệp tiến lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.


Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi năm Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ… Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành cá đồng Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành…