Thấp Thỏm Với Việc Bùng Phát Dịch Cúm Gia Cầm
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã bùng phát tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao. Do đó, ngành chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến của loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Người dân còn “lơ là” với dịch cúm gia cầm
Ngày 24/02, UBND tỉnh công bố dịch CGC A/H5N1 trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, trước tình hình dịch CGC đang bùng phát tại 03 huyện (Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè), ngành Thú y Trà Vinh đã tiến hành khoanh vùng, tiêu độc sát trùng, tiêu hủy gia cầm kịp thời tại 03 huyện nêu trên và chỉ đạo ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường kiểm dịch động vật nghiêm ngặt, nhất là việc vận chuyển gia súc, gia cầm xuất, nhập tỉnh.
Tuy nhiên hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông - xuân 2013 - 2014, vịt chạy đồng ở các tỉnh lận cận sẽ vào các đồng lúa của tỉnh, cộng với thời tiết trở lạnh đột ngột vào ban đêm là điều kiện để vi rút CGC lưu hành và bùng phát, nguy cơ lây lan dịch cúm trên diện rộng là không nhỏ, nếu công tác quản lý và phòng chống dịch bệnh không nghiêm ngặt.
Theo Thạc sĩ Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, khi nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm càng lớn thì sức đề kháng của gia cầm càng yếu, nguy cơ phát sinh dịch bệnh càng cao.
Trên cơ sở theo dõi, giám sát của ngành, dịch CGC thường xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, do người nuôi chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Điều đáng lo ngại hiện nay là việc bày bán gia cầm sống ở một số chợ, nhất là các chợ nông thôn chưa được ngành chức năng kiểm soát triệt để.
Mặt khác, việc thả nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở các hộ chưa được tiêm phòng theo quy định, nhiều người dân còn chủ quan, lơ là với loại dịch cúm nguy hiểm có thể gây chết người này. Theo khảo sát của chúng tôi trong ngày 24/02, tình trạng buôn bán, giết mổ trái phép gia cầm sống vẫn diễn ra tại một số huyện trong tỉnh, nhất là các chợ huyện ở nông thôn và điều đáng lo ngại là khi khách hàng có nhu cầu thì lập tức người bán sẽ giết mổ gia cầm ngay tại chỗ.
Vụ lúa đông - xuân 2013 - 2014, vịt chạy đồng từ nơi khác đến huyện Càng Long là một trong những mối đe dọa lây lan dịch CGC.
Tại chợ bán gia cầm Bạch Đằng thành phố Trà Vinh có khoảng 08 điểm giết mổ gia cầm, những người làm nghề giết mổ không có bảo hộ lao động, sau khi làm gia cầm xong đem giao cho các đại lý hoặc hộ tiểu thương mà không có cán bộ thú y kiểm tra, kiểm dịch. Ngoài ra, thịt gia cầm được bày bán tại chợ Bạch đằng đa số không có đóng dấu kiểm dịch của ngành chuyên môn.
Tương tự tại Quốc lộ 54, đoạn từ huyện Châu Thành đến huyện Trà Cú, hàng ngày đang diễn ra việc mua bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch. Tuy nhiên, khi được hỏi về dịch CGC, nhiều người lại trả lời vô tư rằng “Dịch cúm xảy ra ở các tỉnh chứ Trà Vinh đâu có dịch đâu mà sợ”.
Tại chợ Châu Thành, huyện Châu Thành dù tình hình dịch CGC đã được cảnh báo, nhưng tình trạng bày bán gà, vịt sống chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra. Không chỉ gà, vịt được bày bán công khai mà người bán còn giết mổ gia cầm ngay tại chợ không có bảo hộ lao động, không qua kiểm dịch. Ông Lễ chuyên làm mướn gà, vịt sống tại chợ Châu Thành nói rằng, không quan tâm lắm đến dịch CGC, mặc dù hiện nay dịch CGC đang xảy ra tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, địa bàn cận kề của huyện.
Giá thịt gia cầm làm sẵn bán tại các điểm chợ nông thôn từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước tết Giáp Ngọ 2014. Chị Dương Thị Hồng Thảo, ở khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành cho biết: Chúng tôi là dân lao động, thấy thịt giá rẻ thì mua về ăn cho tiết kiệm.
Mặc dù, những ngày qua nghe tin tức ti vi nói gà, vịt đang phát dịch cũng sợ. Tuy nhiên, đứng trước quầy bán thịt gà, thịt vịt làm sẵn, thấy nhiều người vẫn mua, hơn nữa, người bán nói do gà, vịt ở nhà nuôi vì sợ dịch bệnh mới bán giá rẻ. Vì thế, người tiêu dùng cũng không biết đâu mà tránh dịch...
Tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh
Trước diễn biến của tình hình dịch CGC bùng phát mạnh tại các huyện trong tỉnh, đặc biệt là phát sinh nhiều loại dịch cúm được ghi nhận là có thể truyền từ người sang người nên các ngành hữu quan của tỉnh, trước hết là ngành Thú y, ngành Y tế đang triển khai nhiều biện pháp để dập dịch và phòng chống dịch bệnh.
Trong đó, có công tác quản lý tổng đàn, quản lý chặt địa bàn, nhất là các địa bàn dịch bệnh dễ phát sinh, tiêm phòng vắc - xin, giám sát dịch bệnh, tiêu độc sát trùng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y...
Ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thý y cho biết: Ngành đã chỉ đạo phối hợp ngành hữu quan tăng cường dập dịch ở các huyện nêu trên và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đặt ra là sản phẩm gia cầm khi đưa ra ngoài thị trường phải đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật, đặc biệt là kiểm dịch vận chuyển để có thể ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm từ nơi khác đến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển từ ngoài vào.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh cây trồng vật nuôi và động vật thủy sản của tỉnh, ngành Y tế đã có kế hoạch triển khai phòng, chống dịch gồm cúm A/H5N1, A/H7N9 và phổ biến rộng rãi đến các địa phương.
Cùng với đó là đã chuẩn bị sẵn tư thế phòng, chống dịch bằng cách chủ động chuẩn bị trang phục, hóa chất, thuốc, phòng cách ly phục vụ công tác điều trị dịch cúm tại các bệnh viện. Cũng như tiến hành phân công cho các tổ, đội phòng chống dịch của ngành sẵn sàng phối hợp với lực lượng thú y khẩn trương dập dịch, tránh không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, chỉ đạo ngành Thú y cùng với ngành Y tế cần giám sát chặt chẽ và thông tin cho nhau khi có dịch.
Vì khi phát hiện bệnh sớm, ngành Y tế mới có thể triển khai các biện pháp theo dõi, quản lý kịp thời những người tiếp xúc với mầm bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch cúm có nguy cơ lây sang người do tiếp xúc trực tiếp đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu nhất là phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn toàn tỉnh, ngành hữu quan, ngành chuyên môn nếu phát hiện đàn gia cầm ở các địa phương trong tỉnh bị chết, nghi ngờ nhiễm bệnh thì không cần phải lấy mẫu xét nghiệm mà tiến hành ngay các thủ tục thiêu hủy gia cầm theo quy trình dịch bệnh.
Đối với các Sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; trước mắt là chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành, quản lý thị trường phối hợp với cảnh sát giao thông lập các chốt chặn, chốt kiểm soát dịch, trực 24/24 giờ tại các tuyến đường giao thông (thủy, bộ) vào ổ dịch; đồng thời quản lý chặt chẽ các đàn vịt chạy đồng; phương tiện vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc (không có giấy kiểm dịch) vào buôn bán khu vực chợ, khu đông dân cư; nếu phát hiện vi phạm phải lập biên bản và thiêu hủy; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết không để dịch bệnh lây sang người.
Đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng; thiêu hủy gia cầm bệnh vùng ổ dịch cần được trang bị đầy đủ vật tư bảo hộ để phòng bệnh lây sang người.
Tổng đàn gia cầm của tỉnh hàng năm có khoảng 05 triệu con, trong năm 2013, ngành Thú y tỉnh chỉ tiêm phòng dịch cúm gia cầm trên đàn gà được 60,47% và 98% trên đàn vịt. Trước nguy cơ bùng phát dịch CGC, người chăn nuôi, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, bằng cách hãy nói không với gia cầm được bày bán trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, người dân nên mua gia súc, gia cầm tại các điểm có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng.
Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 24/02, cả nước có 20 tỉnh có dịch CGC, gồm Đắc Lắc, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Định và Trà Vinh. Ngoài ra, một số địa phương khác, như Kiên Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang … có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ, nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ