Mô hình kinh tế Thêm Mùa Bưởi Ngọt Trên Đất Cù Lao

Thêm Mùa Bưởi Ngọt Trên Đất Cù Lao

Ngày đăng 28/02/2015

Thêm Mùa Bưởi Ngọt Trên Đất Cù Lao

Đến xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi rất phấn khởi về sự đổi thay và cuộc sống khấm khá của nông dân trong xã. Kể với chúng tôi, nhiều người dân cho biết, năm nay họ tiếp tục trúng mùa bưởi tết.

Nông dân liên tục trúng mùa bưởi tết

Con đường dẫn vào Cù lao Bạch Đằng, một xã nông thôn mới của tỉnh Bình Dương nằm giữa sông Đồng Nai nối với bến bờ TX.Tân Uyên bằng cây cầu bê tông dịp tết này vui như hội. Trên con đường nhựa chạy vòng quanh xã cù lao với bốn bề sông nước bao bọc, đập vào mắt chúng tôi nào là điện, đường, trường, trạm…; đó đây nhà xây, nhà tường đỏ au mái ngói mọc lên ngày càng nhiều.

Đến thăm nhà ông Ngô Minh Hùng ở ấp Tân Trạch, nghe kể chuyện về trồng bưởi làm chúng tôi như vui lây với niềm vui của người nông dân được mùa. Theo ông Ngô Minh Hùng, mùa bưởi tết này ông thu hoạch 7 - 8 tấn bưởi đường lá cam, với giá bán 700 - 800 ngàn đồng/chục (12 trái) đã cho ông thu nhập khấm khá.

Ông Ngô Minh Hùng chia sẻ, là nông dân gắn bó với cây bưởi gần 20 năm kể từ khi cây mía trên đất cù lao “hết thời”, gia đình ông đã chuyển đổi hết 2 ha đất sang trồng bưởi. Mấy năm gần đây cây bưởi đường lá cam là đặc sản của địa phương đã cho thu nhập rất ổn. “Trồng bưởi không vất vả như nhiều cây trồng khác và hiện nay trên đất Cù lao Bạch Đằng, không có cây trồng gì xứng tầm là “đối thủ” về tính hiệu quả kinh tế so với cây bưởi”, ông Hùng cho biết.

Nói về mùa bưởi tết 2015, anh Nguyễn Hữu Tâm tại ấp Điều Hòa cũng phấn khởi khi thu hoạch khá. Là Tổ trưởng VietGAP thuộc Tổ hợp tác người trồng bưởi xã Bạch Đằng để chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi cho nông dân, chỉ với 4.000m2 trồng bưởi đường lá cam của mình mà hàng năm anh Tâm thu nhập hơn 300 triệu đồng từ bưởi. Theo anh Tâm, tính riêng mùa tết này vườn bưởi đường lá cam đã cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Nông thôn mới thật sự đổi mới

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng cho biết: Là một xã thuần nông với cây trồng truyền thống đặc sản là cây bưởi đường lá cam, tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã không nhiều chỉ với 600 ha; trong đó có 386 ha đất chuyên canh cây bưởi với 630 hộ tham gia trồng bưởi; tính bình quân mỗi hộ chỉ 6.000m2 nhưng nhờ giá bưởi cao và ổn định nên nhiều năm qua thu nhập của nông dân của xã rất tốt, đời sống khấm khá hẳn lên. Chỉ tay về phía những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ au, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng nói rằng, là nhờ thu nhập từ trồng bưởi.

Theo ông Ngô Văn Hải, nhờ nắm bắt kỹ thuật, nông dân trồng bưởi Bạch Đằng có thể cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm theo ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao, nhất là các dịp lễ và tết. Nhờ đó người trồng bưởi tại xã có thể thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy nhiều hộ nông dân có diện tích nhỏ 2.000 - 3.000m2 khi trồng bưởi cũng sống tốt với thu nhập mỗi năm gần vài trăm triệu đồng.

Thực tế, cây bưởi Bạch Đằng đang dần trở lại vị thế như độc canh trên vùng đất cù lao với sản phẩm ngày càng đi xa như hôm nay có thể nói là nhờ chính sách đi vào thực tiễn. Bằng chính sách hỗ trợ, giữ gìn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, trong 4 năm từ 2013 - 2016 tỉnh đã hỗ trợ cụ thể cho những hộ trồng bưởi ở xã Bạch Đằng.

Theo đó với quy mô từ 500m2 trở lên được hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp và 5 triệu đồng/ha cho việc trồng mới. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha/năm hoặc bằng tiền, tương đương 300kg gạo/ha/năm cho công việc chăm sóc nhằm khuyến khích người dân phát triển cây bưởi.

Kết hợp với chính sách trên, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ nông dân Bạch Đằng trồng bưởi theo hướng VietGAP, hỗ trợ cho xã xây dựng thành công Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”.

Từ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và hình thành Tổ hợp tác trồng bưởi ở địa phương đã giúp liên kết những nhà vườn lại với nhau, tạo ra số lượng đủ lớn để có thể đáp ứng cho các đơn hàng của khách hàng ở xa. Nhờ vậy đến nay, ngoài các tỉnh miền Nam, hiện bưởi Bạch Đằng đã có mặt ở các tỉnh miền Trung, thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Cũng chính từ đó mà diện tích trồng bưởi đường lá cam ở Bạch Đằng liên tục được mở rộng và thị trường đầu ra ngày càng ổn định hơn. Để hôm nay, với ưu thế đặc sản bưởi đường lá cam có vị hơi chua thanh, ngon ngọt chỉ có ở vùng đất cù lao, bưởi Bạch Đằng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường và giúp nông dân liên tục “hốt bạc” trong dịp tết và không rơi vào tình cảnh như các loại cây trồng khác là “được mùa rớt giá”.

Nói về hiệu quả của cây bưởi, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Phạm Văn Hoàng cho biết: Cây bưởi trên đất cù lao đã thật sự trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập khá và ổn định cho người nông dân của xã. Nhờ cây bưởi mà đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Bạch Đằng đã đạt gần 32 triệu đồng/năm; toàn xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.


Xã Yên Ninh (Thanh Hóa) Trồng Bưởi Diễn Cho Thu Nhập Cao Xã Yên Ninh (Thanh Hóa) Trồng Bưởi Diễn… Rau Má Không Tiêu Thụ Được, Nông Dân Thất Thu Hàng Trăm Triệu Đồng Rau Má Không Tiêu Thụ Được, Nông Dân…