Tin nông nghiệp Thị trường lúa gạo - Diễn biến không theo thông lệ

Thị trường lúa gạo - Diễn biến không theo thông lệ

Tác giả Nguyễn Huyền, ngày đăng 09/03/2021

Thị trường lúa gạo - Diễn biến không theo thông lệ

Hàng năm vào thời điểm này các hợp đồng Chính phủ đã có nhiều nhưng năm nay hợp đồng Chính phủ vẫn chưa có, chỉ có các hợp đồng thương mại, có doanh nghiệp ký được nhiều, có doanh nghiệp ký được ít.   

Bán lúa Đông Xuân - Ảnh Nguyễn Huyền

Sau Tết, giá lúa giảm từ 300 - 500 đ/kg. Nguyên do là khi quay lại kinh doanh, các kho cần tham khảo giá thị trường và chuẩn bị các bước tài chính để mua vào, nên hoạt động thu mua lúa có chững lại. Đến nay, có nhiều kho lớn đã mở mua lại, nhờ vậy ngăn được đà giảm giá lúa gạo trên thị trường. 

Mua sớm, giá cao nhưng được gạo đẹp

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, tuần lễ đầu tháng 3/2021 giá gạo xuống khoảng 100 đ/kg nhưng giảm như vậy là không đáng kể, và chỉ có 2 loại gạo sụt giá là DT8 và OM 5451, còn gạo IR 50404 và một số loại gạo khác vẫn giữ giá. Cụ thể gạo OM 5451 đang dao dịch từ 10.000 - 10.200 đ/kg, tùy theo chất lượng. Gạo DT8 có giá từ 10.300 - 10.400 đ/kg.

Hiện nay là lúc lúa Đông Xuân vào chính vụ và theo thông lệ, bên mua chờ đến khi thu hoạch rộ nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường dồi dào, giá sụt mới chịu mua vào nhưng năm nay dự báo thị trường lúa gạo sẽ không theo thông lệ cũ nên có nhiều kho cân nhắc mua mở cửa vào mà không chờ đợi nữa, vì vậy tuần sau giá lúa gạo sẽ ổn định trở lại.

“Khi đến đỉnh cao thu hoạch một số đơn vị có điều kiện sẽ tiến hành mua dự trữ, nhưng đối với mặt hàng gạo không phải nói muốn mua dự trữ là mua đủ số lượng ngay, vì các công ty lớn mua tối đa chỉ được trên dưới 1.000 tấn gạo/ngày, và phải mua liên tục hơn 1 tháng mới đủ khối lượng gạo dự trữ. Do vậy, thời gian mua sẽ kéo dài và các doanh nghiệp có thể mua cao hơn giá thị trường một chút để đủ nhập kho nguyên liệu”, ông Thành chia sẻ.

Do tình hình khô hạn và phải né mặn nên vụ lúa Đông Xuân năm nay có 3 đợt xuống giống, vì thế thu hoạch cũng chia thành 3 đợt. 

Đợt 1 có khoảng 30% diện tích lúa Đông Xuân sớm thu hoạch từ 25 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng năm sau. Đến ngày 25 tháng Giêng là vô thu hoạch lúa Đông Xuân chính vụ, đợt thu hoạch này chiếm khoảng 40% - 50% tổng diện tích xuống giống sẽ kéo dài 2 tuần (khoảng giữa tháng 3/2021 kết thúc). Phần diện tích lúa Đông Xuân muộn còn lại sẽ kéo dài đến tháng 4 thậm chí tháng 5. 

Theo ông Thành, lúa Đông Xuân muộn thường cho chất lượng gạo không đẹp bằng Đông Xuân chính vụ, vì vậy các doanh nghiệp, các nhà máy muốn dự trữ đủ số lượng cần phải đẩy mạnh mua vào khi lúa Đông Xuân chính vụ đang thu hoạch. Hiện công ty Phước Thành IV cũng như hầu hết các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo, các nhà máy xay xát đều triển khai mua dự trữ, để có đủ lượng gạo công ty dự kiến xuất khẩu và dành một lượng gạo đẹp nhất định để đấu trộn với gạo Hè Thu, vì thu hoạch lúa Hè Thu rơi vào mùa mưa nên chất lượng gạo không đẹp như Đông Xuân phải đấu trộn để nâng chất lượng lên. 

“Kho công ty đã tập trung mua từ hơn tuần nay, mua sớm giá có hơi cao nhưng bù lại chất lượng gạo đẹp và đảm bảo mua đủ số lượng”, ông Thành cho biết. 

Khách ngoại "lừng chừng" chờ giá thấp

Theo một chuyên gia trong ngành gạo, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên 2 năm qua nhu cầu gạo nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng, đẩy giá lúa gạo tăng bình quân 15% so với khi chưa có dịch, và luôn duy trì ở mức cao do Chính phủ các nước tăng dự trữ gạo.

Đến nay tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và tâm lý Chính phủ các nước vẫn muốn đảm bảo an ninh lương thực bằng cách tăng mua dự trữ Quốc gia vì vậy nhu cầu gạo sẽ vẫn còn tốt trong năm 2021.

Hàng năm vào thời điểm này các hợp đồng Chính phủ đã có nhiều nhưng năm nay hợp đồng Chính phủ vẫn chưa có, chỉ có các hợp đồng thương mại nhưng hợp đồng thương mại thì có doanh nghiệp ký được nhiều, có doanh nghiệp ký được ít.   

Nguyên nhân các hợp đồng thương mại không nhiều là do các nhà nhập khẩu như Philippines mặc dù rất cần mua gạo nhưng họ vẫn chưa mua vội, và cố gắng chờ thị trường trong tháng 3, nếu đến cuối tháng 3 giá lúa gạo vẫn không có biến động nhiều Philippines cũng phải mua vào, và khi họ mua lại thì giá lúa gạo trên thị trường sẽ bật lên.

Đại diện Intimex Group cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay Intimex vẫn ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, tuy nhiên mức độ này so với khả năng tham gia thị trường của công ty vẫn chưa tương xứng, do các thương nhân Philippines mua rồi nhưng chưa chịu nhận hàng vì còn chờ hạn ngạch của Chính phủ Philippines, còn xuất khẩu đi Trung Quốc thì hạn ngạch nước này dành cho Việt Nam không nhiều. 

Trong 2 tháng đầu năm 2021, Intimex đã xuất hơn 50.000 tấn gạo, tháng 3/2021, dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn. Như vậy, Quý I/2021, công ty sẽ xuất khẩu được 90.000 tấn gạo. Hiện nay công ty vẫn đang mua vào bình thường, trung bình mỗi ngày mua vào vài ngàn tấn gạo.  

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262 ngàn tấn, tương đương khoảng 142,50 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD. So với tháng 2/2020 giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch. 


Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021 Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn… Trung Quốc tăng giá thu mua ngũ cốc, hỗ trợ ngành chăn nuôi Trung Quốc tăng giá thu mua ngũ cốc,…