Thị Trường Lúa Giống Vào Mùa
Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu mua lúa giống chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Theo một số cơ sở bán lúa giống cho biết, tuy giá lúa giống đã giảm so với cùng kỳ nhưng sức mua của người dân trong những ngày qua vẫn thưa thớt.
Giá lúa giống giảm, sức mua yếu
Do tình hình mưa bão cộng với triều cường còn ở mức cao nên người dân sẽ không xuống giống kịp theo lịch thời vụ đợt 1 mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra là từ ngày 9 đến 15-11. Theo đó, nhiều khả năng bà con sẽ xuống giống tập trung ở đợt 2 từ 25-11 đến 1-12 và đợt 3 từ 12 đến 18-12. Thời điểm này, nông dân cũng đã bắt đầu mua lúa giống để chuẩn bị gieo sạ cho vụ lúa chính trong năm. Hiện các giống lúa xác nhận như: OM 5451, OM 4900,OM 4218, IR 50404,… được cơ sở, đại lý bán dao động từ 11.000-11.500 đồng/kg, giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do giá lúa hàng hóa trong vụ Thu đông vừa qua luôn ở mức thấp nên giá lúa giống từ đó cũng giảm theo. Mặc dù giá đã giảm, nhưng sức mua của người dân không mấy khả quan trong những ngày qua.
Theo các cơ sở bán lúa giống, tuy giá đã giảm nhưng sức mua của người dân hiện đang thưa thớt, trong khi mùa sản xuất mới sắp bắt đầu.
Ông Ngô Hồng Nguyên (Măng), Chủ cơ sở bán lúa giống ở ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tình hình tiêu thụ lúa giống năm nay tại các cơ sở, đại lý khá chậm và không tập trung như những năm trước đó. Nếu như mọi năm, người dân thường đổ xô mua trong vòng khoảng 1 tháng là dứt điểm, riêng vụ này bà con chỉ mua rải rác”. Vào thời điểm này của các năm về trước, cơ sở ông Nguyên đã bán gần hết hàng trăm tấn lúa giống cấp xác nhận 1 cho nông dân, còn năm nay chỉ mới bán được hơn phân nửa, với tình hình này, ông Nguyên dự đoán có thể kéo dài đến đầu tháng 12 mới bán xong lượng lúa giống đã nhập về.
Qua tìm hiểu của chúng tôi (PV), do nhiều hộ dân không có điều kiện để mua lúa giống chất lượng gieo sạ, bà con đành chọn theo cách truyền thống là tự trao đổi lúa hàng hóa lẫn nhau, ai thích giống gì thì chọn giống đó để trồng. Hệ lụy của cách làm này là, bà con sẽ tốn nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc lúa sau này, do lúa lẫn nhiều tạp chất và khả năng dịch bệnh sẽ lây lan từ vụ trước. Từ đó, kéo theo phẩm chất gạo giảm và điều tất yếu là giá bán sẽ thấp hơn so với những hộ trồng lúa xác nhận.
Ông Mai Văn Thơm, nông dân ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Dù biết rằng đây là vụ lúa chính trong năm, thu nhập của nông dân cao hay thấp đều phụ thuộc vào vụ này. Chính vì vậy, tâm lý bà con ai nấy đều muốn canh tác những giống lúa chất lượng (giống xác nhận, nguyên chủng) để đạt năng suất cao. Tuy nhiên, do 2 vụ lúa Hè thu và Thu đông vừa qua, giá lúa hàng hóa luôn ở mức thấp, trong khi ngành chức năng vẫn chưa có động thái tích cực, từ đó người dân không đạt lợi nhuận nhiều nên vụ này không mấy người có tiền mua lúa giống chất lượng cao để gieo trồng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn”.
Lo chất lượng giống
Hiện nay, mỗi khi bắt đầu vào vụ sản xuất, nhu cầu về nguồn giống chất lượng để gieo sạ của nông dân ngày càng nhiều, tuy nhiên, hiện các địa chỉ sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh, như: HTX, CLB hay cơ quan trọng tâm, địa chỉ đáng tin cậy nhất của người dân là Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh chỉ có khả năng đáp ứng một số lượng rất hạn chế.
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm Giống, cho hay: Kế hoạch chuẩn bị lúa giống cho vụ lúa Đông xuân này của trung tâm khoảng 130 tấn, trong đó có 30 tấn nguyên chủng, chủ yếu là các giống OM 5451, OM 6976,… Để có được lượng giống này, trung tâm phải liên kết với mạng lưới bên ngoài để sản xuất, do quỹ đất hiện có của trung tâm rất ít, chỉ 4ha, mỗi vụ sản xuất được khoảng 20 tấn lúa nguyên chủng đã là nhiều. Vì vậy, nguồn lúa giống phục vụ sản xuất do nông dân phải tự chuẩn bị lấy hoặc mua ở các cơ sở, đại lý trên địa bàn tỉnh hay lân cận là chính.
Nắm được tình hình trên, hiện trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều điểm bán lúa giống mọc lên, đây không phải là điều bận tâm của người dân mà cái lo lắng chính của bà con là chất lượng lúa giống tại những nơi do dân tự phát, không đăng ký giấy phép, không có quy trình,… sẽ ra sao ?
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lê Văn Đời cho biết: Thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc để đảm bảo trong khâu cung cấp các loại lúa giống đạt tiêu chuẩn, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cho nông dân. Trước khi có lịch xuống giống vào đầu mỗi vụ sản xuất, Sở NN&PTNT chỉ đạo các ngành chuyên môn liên quan luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng, tăng giá, bán hàng không đúng chất lượng, kém phẩm chất. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác này, đồng thời tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Cũng theo ông Đời, do có sự chuẩn bị ngay từ đầu nên lượng lúa giống năm nay cơ bản đảm bảo đủ phục vụ cho người dân trong lần xuống giống đầu tiên. Riêng trường hợp bà con gieo sạ gặp ngay lúc mưa bão thì phải cần đến nguồn lúa giống từ bên ngoài. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh luôn dự phòng từ 20-30 tấn lúa giống để sẵn sàng chi viện cho người dân khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ