Thị trường thủy sản 16/5: Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác hải sản
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT), tổng sản lượng thủy sản khai thác quý I năm 2020 đạt 841 nghìn tấn, (tăng 1,9% so với cùng kỳ), trong đó khai thác hải sản đạt 806 nghìn tấn (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng khai thác cá nổi nhỏ (cá trích, cá cơm, cá nục…) tăng khá, chủ yếu xuất hiện nhiều ở ven biển Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Sản lượng cá ngừ đại dương trong quý I năm 2020 đạt 25.160 tấn, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành nông nghiệp, trong đó có ngành thủy sản, NN và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, kịp thời điều chỉnh mùa vụ, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác. Đồng thời, NN và PTNT đã đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi hết dịch.
Việc xuất khẩu thủy sản tiếp tục bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh tại các thị trường nhập khẩu, để giải quyết vấn đề hải sản khai thác giảm giá do tiêu thụ chậm, chưa xuất khẩu được, NN và PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương: khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá…). Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Để việc khai thác hải sản của ngư dân có hiệu quả, thời gian tới Tổng cục Thủy sản sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường khai thác để các địa phương nắm tình hình, triển khai đến ngư dân nhằm mục đích khai thác có hiệu quả.
Các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; tổng kết hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến thủy sản; triển khai ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản; đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ công tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác…
Cũng trong thời gian này Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2020. Tại hội nghị này, các đại biểu đã phân tích, đánh giá và đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác hải sản.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tổng sản lượng khai thác cá vụ Bắc năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 16.565 tấn (bằng 103,2% so với cùng kỳ), trong đó khai thác biển khoảng 16.305 tấn và khai thác nội địa khoảng 260 tấn. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nên sản phẩm thủy hải sản không xuất khẩu được, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ hoạt động cầm chừng, mua hải sản với số lượng ít và giá thấp để đáp ứng tiêu thụ nội địa. Hiện các doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh còn tồn kho hàng nghìn tấn chưa xuất khẩu được, trong khi đó chi phí mỗi ngày lưu kho khoảng 15.000 đồng/tấn nên tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng, nhất là nhóm các loài hải sản tầng đáy. Tuy nhiên, vụ cá Bắc năm 2019-2020, các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường thuộc các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2019-2020 ở nước ta đạt hơn 1,63 triệu tấn (tăng 3,4% so với vụ trước cùng kỳ); tính riêng 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng khoảng 1,18 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ).
“Hiện nay, ngư dân cả nước đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Thị trường tiêu thụ hải sản bị gián đoạn do chưa xuất khẩu được, kéo theo giá hải sản khai thác bị giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, cường lực khai thác đã vượt quá khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản đã ảnh hưởng đến hoạt động bám biển của ngư dân”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến ngành Thủy sản, tuy nhiên trong hoạt động khai thác hải sản vẫn đạt kế hoạch, sản lượng trong 4 tháng đầu năm 2020 gần 1,2 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu thủy sản thời gian qua gặp một số khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay vẫn đạt khoảng 2,2 tỉ USD. Thời gian tới, tiềm năng khai thác thủy sản của Việt Nam là khá cao. Để mang lại hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động khai thác ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và bảo quản sản phẩm sau khai thác đạt chất lượng. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến đồ hộp… và nên chuẩn bị kho lạnh mua dự trữ nguyên liệu để sau dịch bệnh COVID-19 có thể xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; tổng kết hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến thủy sản…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ