Tin thủy sản Thị trường tốt, cá thát lát cườm được giá

Thị trường tốt, cá thát lát cườm được giá

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 10/12/2018

Thị trường tốt, cá thát lát cườm được giá

Nhu cầu thị trường tăng mạnh nên giá cá thát lát cườm ở Hậu Giang luôn ở mức cao, người dân địa phương rất phấn khởi. Hiện người dân tập trung mở rộng diện tích thả nuôi để nắm bắt cơ hội vụ nuôi này.

Giá cá thát lát hiện tại đã tăng 15.000 đồng/kg so với cách nay 2 tháng 

Người nuôi phấn khởi

Anh Bùi Văn Học, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp niềm nở cho biết: “Năm nay giá cá thát lát thương phẩm rất cao nên hầu hết những diện tích thu hoạch cá từ đầu năm đến giờ đều có lợi nhuận cao, đặc biệt là từ tháng 8 đến nay. Hiện, bà con đang tích cực chăm sóc và bảo vệ đàn cá đang nuôi trước diễn biến lũ ngày càng lớn để có thu hoạch và hy vọng giá cá sẽ còn giữ ở mức cao trong dịp cuối năm”.

Cũng theo anh Học, giá cá thát lát hiện tại đã tăng 15.000 đồng/kg so với cách nay 2 tháng và gấp đôi so cùng kỳ. Cá thát lát cườm là một đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Do nhu cầu thị trường đang tăng mạnh nên giá cá còn có thể tăng thêm. Hiện, giá cá thát lát cườm được thương lái thu mua ở mức 93.000 - 95.000 đồng/kg nhưng hầu như có rất ít người nuôi còn cá để bán, trong khi năm ngoái, giá cá bình quân chỉ được 43.000 - 46.000 đồng/kg, còn thời điểm cao nhất cũng chỉ 58.000 - 60.000 đồng/kg.

Ở xã Thạnh Hòa hiện có 8 hộ nuôi cá thát lát cườm với tổng diện tích 7,5 ha, hộ nuôi nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Phụng ở ấp Tầm Vu II với diện tích 3,5 ha. Những năm trước, anh Phụng chỉ nuôi 1,75 ha, nhưng năm nay giá cá ổn định và có chiều hướng tăng mạnh nên anh mạnh dạn nuôi thêm 1,8 ha.

Tiềm năng

Nghề nuôi cá thát lát cườm phát triển mạnh ở Hậu Giang những năm gần đây nhờ điều kiện nuôi phù hợp và lợi nhuận cao. Từ đầu năm đến nay, nông dân Hậu Giang thả nuôi khoảng 50 ha, tập trung nhiều nhất ở Phụng Hiệp với khoảng 20 ha, số còn lại rải rác tại huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ. Theo những hộ nuôi cá ở Long Mỹ, khoảng 3 tháng nay, giá cá thát lát cườm luôn giữ ở mức cao và hiện trên 95.000 đồng/kg, tăng hơn 50.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; với mức giá này người nuôi lời hơn 50.000 đồng/kg. Khi giá cá tăng cao và kéo dài, người nuôi xuất bán ồ ạt nên hiện nguồn cung còn rất ít, khiến nhiều cơ sở chế biến chả cá thát lát thiếu hụt nguyên liệu.

Tuy cơn sốt giá vẫn chưa dứt và người dân đang mở rộng diện tích nuôi nhưng giá cá thát lát cườm giống hầu như không tăng, dù đang khan hiếm. Ngay như ở xã Thạnh Hòa, dù có đến 22 cơ sở sản xuất cá thát lát cườm giống, nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Anh Phạm Công Lịnh, chuyên viên Chi cục Thủy sản Hậu Giang cho biết: “So năm trước giá cá giống hiện tại cũng không cao, dao động trong khoảng 2.500 - 3.000 đồng/con, nhưng do nhu cầu thả nuôi năm nay lớn nên bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm con giống”.

Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh Hậu Giang thả nuôi 70 ha cá thát lát cườm và đến hiện đạt 50 ha. Với mật độ khoảng 20 - 40 con/m2, nhu cầu con giống trong thời gian tới ước khoảng 6 triệu con trở lên. Đó là chưa kể một số hộ nuôi nhỏ lẻ trong vèo lưới, mỗi vèo vài trăm con nhằm tận dụng nguồn thức ăn từ cá tạp, cua, ốc mùa nước nổi. Tuy nhiên, nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại phải đến cuối quý I/2019 mới có thu hoạch, nên một số hộ dè dặt, chỉ thả nuôi với mật độ thưa, nhằm tránh rủi ro.

Sản phẩm cá thát lát cườm Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ độc quyền từ hơn năm nay, nhưng việc phát triển đối tượng nuôi này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là do nghề nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái nên thường bấp bênh. Vì vậy mới đây, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tổ chức cuộc họp giữa doanh nghiệp và hộ nuôi cá trong tỉnh, nhằm tìm phương án liên kết sản xuất chuỗi hiệu quả nhất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thát lát cườm của địa phương. 


Lãi cao nhờ đổi phương pháp nuôi lươn Lãi cao nhờ đổi phương pháp nuôi lươn Tôm Việt Nam rộng cửa vào thị trường Canada Tôm Việt Nam rộng cửa vào thị trường…