Tin nông nghiệp Thị trường xuất khẩu nông sản 2016 mỹ khả quan, Nga tiềm năng lớn

Thị trường xuất khẩu nông sản 2016 mỹ khả quan, Nga tiềm năng lớn

Author Hà Khương, publish date Monday. February 22nd, 2016

Thị trường xuất khẩu nông sản 2016 mỹ khả quan, Nga tiềm năng lớn

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng đưa ra nhận định một số thuận lợi, khó khăn tại 6 thị trường chính.

Thị trường Mỹ- lợi thế từ TPP

Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nền kinh tế Mỹ có dự báo khả quan nhất cho năm 2016. Nhu cầu của thị trường nội địa Mỹ sẽ tăng mạnh và dự báo tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam; là thị trường không quá khó tính và chưa yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và chất lượng. Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Ngoài ra, Mỹ thường là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của ta như: Hạt điều, hạt tiêu, cà phê và sản phẩm mây, tre, cói thảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn cao su, chè và rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia – là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: Thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3.2016.

Các thị trường khác- thuận lợi song hành khó khăn

Dự báo cầu nhập khẩu chung cho cả thị trường châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% trong 2 năm tới. Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.

Những mặt hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU là cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cao su và sản phẩm mây, tre, cói thảm Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Một số ngành hàng như: Chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

Với thị trường ASEAN, là năm ASEAN sẽ tiến tới một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực với mức thuế bằng 0. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn khiến cho hàng hóa của các nước trong khu vực dễ xâm nhập thị trường của nhau. Một số mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này là: Thủy sản, rau quả, chè, gạo, gỗ, cao su. Mặc dù vậy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào ASEAN cũng gặp nhiều thách thức do cạnh tranh trên thị trường hàng chế biến sẽ rất mạnh mẽ không chỉ trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN mà ngay tại chính thị trường nội địa.

Thị trường Mỹ không quá khó tính và chưa yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và chất lượng. Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững do tác động của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh vấn đề Biển Đông.

Về khó khăn, bất lợi của hầu hết nông sản Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn khi xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2015, trừ các mặt hàng rau quả, gỗ, hạt điều và sắn đều có sự tăng trưởng dương so với năm 2014, các mặt hàng khác đều suy giảm giá trị xuất khẩu như: Thủy sản (giảm 3,22%), gạo (giảm 3,56%), cà phê (giảm 15,78%), chè (giảm 32,45%).

Với thị trường Nga và các nước Đông Âu, Nga là thị trường nhập khẩu với tiềm năng lớn, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam. Việc Nga cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, quả, thủy sản từ EU, Mỹ và một số nước láng giềng Đông Âu sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng này. Các mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường này là cà phê, chè và rau quả. Về khó khăn, vấn đề rủi ro tỷ giá do các điều kiện bất ổn của nền kinh tế Nga và quan hệ của Nga với Mỹ và EU là một trong những rào cản lớn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Tại thị trường châu Phi, nông sản Việt Nam đã bước đầu có chỗ đứng tại thị trường và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng châu Phi. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính sang khu vực thị trường này là: Gạo, gỗ và cà phê. Về khó khăn, năng lực tài chính của các nước châu Phi còn yếu, phương thức thanh toán thường là trả chậm gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài khi muốn hợp tác kinh doanh với châu Phi.


Dùng phân bón Văn Điển hạn chế sâu bệnh Dùng phân bón Văn Điển hạn chế sâu… Cần Thơ phát hiện hàng trăm tấn phân bón không rõ nguồn gốc, hết hạn Cần Thơ phát hiện hàng trăm tấn phân…