Tin nông nghiệp Thiết lập chỉ tiêu dưỡng chất và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi

Thiết lập chỉ tiêu dưỡng chất và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi

Tác giả Dương Duy Đồng, Kim So Phe, Nguyễn Hiếu Phương - CP Việt Nam, ngày đăng 07/06/2018

Thiết lập chỉ tiêu dưỡng chất và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi

Để xây dựng một công thức thức ăn chăn nuôi có chất lượng tốt, bước đầu tiên và mang tính quyết định, là xác định các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp cho vật nuôi sẽ sử dụng thức ăn đó. Tuy nhiên, vật nuôi sản xuất thực phẩm cho con người, nên không chỉ có tiêu chuẩn về dưỡng chất là đủ, mà còn có các tiêu chuẩn về cảm quan và thành phần công thức thức ăn, phục vụ nhu cầu dinh dưỡng vật nuôi; thỏa mãn được các mong muốn của người chăn nuôi và người tiêu dùng (trứng, thịt, sữa).

1/ Các chỉ tiêu về dưỡng chất

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1547-2007 thì các chỉ tiêu dinh dưỡng trong một công thức thức ăn cho lợn cần có các mục và giá trị tương ứng như sau: (xem bảng).

Tên tiêu chí Mức
Lợn con tập ăn và sau cai sữa (Pre-Starter) Lợn thịt Lợn sinh sản
Giai đoạn khởi động (Starter) Giai đoạn lớn choai (Grower) Giai đoạn vỗ béo (Finisher) Lợn nái chữa (Gestarting sow) Lợn nái nuôi (Lactating sow) Đực giống làm việc (Boar)
1/ Độ ẩm tính theo % khối lượng 14.0
2/ Năng lượn trao đổi tính theo Kcal/kg không nhỏ hơn 3.200 3.100 2.900 2.900 2.800 3.000 2.900
3 Hàm lượn protein thô, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 18.0 16.0 14.0 12.0 13.0 15.0 15.0
4/ Hàm lượn lysin tổng số, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 1.10 1.00 0.80 0.60 0.50 0.80 0.80
5/ Hàm lượn metionin, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 0.30 0.25 0.20 0.15 0.13 0.20 0.20
6/ Hàm lượn metionin + xystin, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 0.60 0.50 0.40 0.30 0.35 0.40 0.40
7/ Hàm lượng canxi, tính theo % khối lượng 0.80-1.10 0.60-0.96 0.50-0.90 0.50-0.90 0.75-1.05 0.75-1.05 0.75-1.00
8/ Hàm lượng Photpho tổng số, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 0.65 0.60 0.50 0.40 0.60 0.60 0.60
9/ Hàm lượng natri clorua, tính theo % khối lượng, không lớn hơn 0.50 0.50 1.00 1.00 1.00 1.00 0.50
10/ Hàm lượng tro không tan trong bột clohydric, tính theo % khối lượng, không lớn hơn 2.0

 

Lưu ý là ở đây chỉ mới nêu các chỉ tiêu về dưỡng chất, còn nếu theo Quy chuẩn quốc gia lĩnh vực TĂCN được ban hành theo Thông tư 27/2016/TT-BNNPTNT thì TĂCN phải quan tâm đến các giới hạn về độc tố nấm mốc aflatoxin; các kim loại nặng độc hại arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb), thủy ngân (Hg); các vi sinh vật có hại gồm nhóm Coliforms, E. coli, Salmonella, Staphylococcus aureus, và Clostridium perfringens.

Về pháp lý, các cơ sở sản xuất TĂCN sẽ cần phải chấp hành các yêu cầu này ít nhất là ở 10 chỉ tiêu đã được nêu, còn các giá trị tương ứng thì tùy theo cơ sở có thể tự công bố trong Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của cơ sở đăng ký với cơ quan quản lý và công bố trên nhãn sản phẩm sản xuất ra. Tuy nhiên, khoa học dinh dưỡng vật nuôi trong thời gian gần đây đã cho thấy khi xét đến nhu cầu acid amin thì nếu chỉ xác định nhu cầu về lysin và methionin, kể cả methionin + cystin là không đầy đủ, mà cần quan tâm đến cả nhu cầu về threonin và tryptophan. Thậm chí gần đây nhiều tài liệu khoa học như trong tài liệu Nutrient Requirement of Swine của NRC (National Research Council – Viện Hàn Lâm Khoa Học), Mỹ cho thấy cần nên quan tâm thêm đến chỉ tiêu về valin, leucin, và iso-leucin. Ba loại acid amin mới vừa được lưu ý thêm này cũng đã được sản xuất và mua bán trên nhiều thị trường thế giới, kể cả ở Việt Nam.

Mặt khác, nếu tham khảo một vài công thức TĂCN trong thực tế sản xuất tại những đơn vị sản xuất quy mô lớn ngay ở Việt Nam, và tương tự ở các nước chăn nuôi phát triển, có thể thấy khá nhiều các chỉ tiêu dinh dưỡng khác, so với 10 chỉ tiêu cơ bản nêu ở bảng trên, đã được quan tâm đưa vào công thức như:

– Giá trị năng lượng thuần (NE – net energy) được tính toán kèm theo với giá trị năng lượng trao đổi (ME – metabolisable) trong công thức TĂCN cho lợn.

– Đoạn trên đã nhắc đến một số acid amin cần quan tâm như là những chỉ tiêu dinh dưỡng thiết yếu trong công thức. Cần lưu ý là hiện tại thì các chỉ tiêu về acid amin tổng số (hàm lượng có thể phân tích được) chỉ còn có ý nghĩa tham khảo hoặc khi cần kiểm tra các sản phẩm thức ăn. Còn nếu quan tâm đến các acid amin theo hướng là nhu cầu thật sự của vật nuôi thì cần thể hiện và tính toán theo giá trị acid amin tiêu hóa (amino acid digestible), thậm chí là theo khái niệm tiêu hóa hồi tràng chuẩn (SID = standard ileal digestible) để đạt được mức độ chính xác gần nhất với thực tế trong cơ thể vật nuôi.

– Acid linoleic, một loại acid béo thiết yếu, được quan tâm kèm theo chỉ tiêu chất béo thô (EE – ether extract) như thông lệ.

– Xơ trung tính (NDF – neutral detergent fiber), xơ acid (ADF – acid detergent fiber), và có thể cả hàm lượng lignin cũng được lưu ý thay vì chỉ xét đến hàm lượng chất xơ thô (CF – crude fiber).

– Với phospho thì tuy các dữ liệu phân tích nguyên liệu thức ăn vẫn đề cập đến khái niệm phospho tổng số (total phosphorus) nhưng khi xét đến nhu cầu dinh dưỡng thì chỉ tiêu được quan tâm hiện nay phải là phospho hữu dụng (available phosphorus) hoặc cập nhật hơn nữa là phospho tiêu hóa (digestible phosphorus).

– Cân bằng chất điện giải (dEB – dissolve electrolytes balance) là một chỉ tiêu thể hiện mối quan hệ giữa ba nguyên tố khoáng là natri –kali – chlor, bên cạnh chỉ tiêu NaCl như thường lệ. Cũng nên lưu ý là các tài liệu về dinh dưỡng khoáng hiện tại thường thể hiện hoặc tính toán nhu cầu Natri (Na) và nhu cầu Chlor (Cl) riêng biệt chứ không gộp chung vào làm một (NaCl) như thông lệ. Lý do của việc xác định/tính toán riêng biệt Na so với Cl là vì hai nguyên tố này có khối lượng nguyên tử khác nhau (Na = 23; Cl = 35,5) nên nếu tính chung NaCl, thí dụ nói nhu cầu NaCl = 0,3% thì người đọc dễ nhầm lẫn là Na = 0,15% và Cl = 0,15% trong khi thực tế thì nhu cầu Na ở gà, lợn thường là 0,17 – 0,20% và nhu cầu Cl ở gà, lợn thường chỉ cần khoảng 0,15% mà thôi. Đồng thời nếu chỉ quan tâm đến Na và/hoặc Cl mà không xét đến cân bằng chất điện giải, có bao gồm phần đóng góp của kali, thì sẽ không đảm bảo được tính acid/kiềm trong máu vật nuôi và dẫn đến phần nào mất cân bằng về hấp thu, trao đổi chất trong mô bào ở cơ thể vật nuôi.

2/ Các chỉ tiêu liên quan đến cảm quan

Các yếu tố cảm quan liên quan đến sản phẩm TĂCN (phần lớn ở dạng viên) chủ yếu là hình dạng, màu, mùi, độ cứng, độ bền và độ nổi trong nước (thủy sản). Một vài chỉ tiêu như độ cứng, độ bền trong nước có thể được đo lường trên thành phẩm, nhưng cũng có thể ước lượng ngay từ khi lập công thức thức ăn bằng cách gán cho các nguyên liệu thức ăn các thông số định lượng về độ kết dính, độ bụi, độ choán, khối lượng riêng và cả quy định về độ nghiền mịn các nguyên liệu trước khi trộn và ép viên.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu cảm quan khác như màu sắc, mùi thì hiện tại vẫn hoàn toàn là các chỉ tiêu định tính mà chưa có giải pháp đo lường cụ thể để ước lượng được từ trước khi ép viên. Tuy vậy, có thể giữ tương đối ổn định màu sắc và mùi của sản phẩm thức ăn (viên) bằng cách duy trì tương đối ổn định tỷ lệ sử dụng từng loại nguyên liệu TĂCN trong mỗi công thức thức ăn cụ thể. Rất tiếc là áp lực về giá cả sẽ làm cho nhà máy khó duy trì từng công thức ổn định trong thời gian dài.

3/ Các xu hướng/nhu cầu xã hội

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của con người về lương thực, thực phẩm sẽ ngày càng dịch chuyển theo hướng từ “ăn no” sang “ăn ngon” và hiện đang dịch chuyển theo hướng “vừa ngon và phải vừa an toàn”. Yêu cầu về “thực phẩm an toàn” ở đây không thuần túy là an toàn cho người tiêu thụ mà còn phải an toàn cho vật nuôi (liên quan đến vấn đề “phúc lợi động vật” – “animal welfare”, và an toàn cho môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội.

Để thỏa mãn các yêu cầu trên thì xuất phát từ khâu lập công thức thức ăn chăn nuôi cũng phải có những hiểu biết và điều chỉnh thích hợp. Thí dụ:

– Hạn chế hàm lượng phospho tổng số và ni-tơ (dưới dạng protein thô) trong thức ăn ở mức thấp nhất sao cho không ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi nhưng đảm bảo không dư thừa để vật nuôi bài thải ra nhiều, gây hại cho môi trường đất, nước, không khí.

– Không được nuôi nhốt thú với mật độ quá cao, thậm chí heo nái ở các nước châu Âu nay không được phép nuôi trong chuồng cũi chật chội nữa, dẫn đến phải có đánh giá lại hàng loạt các chỉ tiêu dưỡng chất cho phù hợp trong điều kiện vật nuôi sẽ vận động nhiều hơn, tiêu hao năng lượng và các dưỡng chất khác nhiều hơn.

– Đặc biệt vấn đề tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống con người, nên đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới đưa vào diện hạn chế dần hoặc cấm hẳn sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (như ở các nước khối Cộng đồng chung châu Âu – EU). Để giải quyết việc hạn chế hoặc cấm sử dụng này, người lập công thức thức ăn sẽ cần có các hiểu biết tường tận về đặc điểm của các nguyên liệu thức ăn có thể sử dụng, để phối hợp thành sản phẩm vừa có cân bằng dinh dưỡng phù hợp cho vật nuôi, nhưng vừa giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn có hại từ các dưỡng chất dư thừa hoặc khó tiêu hóa trong nguyên liệu.

Một giải pháp khác cũng cần có đặc biệt quan tâm (và thực tế đã được quan tâm nhiều cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới) là cần có sự hiểu biết sâu sắc về các nhóm sản phẩm chất phụ gia (feed additives) có nguồn gốc tự nhiên để sử dụng thay thế hoàn toàn kháng sinh trong TĂCN. Các nhóm sản phẩm này có thể kể đến như các sản phẩm acid hữu cơ, các probiotics (lợi khuẩn, nấm men sống), các chất chiết xuất thực vật (phytogenics) bao gồm cả các tinh dầu thiết yếu (essential oils), hoặc các prebiotics như các loại đường mạch ngắn (oligosaccharides), các chiết xuất từ vách tế bào nấm men. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các sản phẩm enzyme (bao gồm NSP enzymes, enzyme phytase, protease) và các sản phẩm chất nhũ hóa (emulsifiers) cũng cần được phối hợp vận dụng linh hoạt để tạo ra một công thức thức ăn thật “chất lượng” theo nhiều yêu cầu từ vật nuôi cũng như từ người tiêu dùng và các yêu cầu chung từ xã hội.

Như vậy, xác định được tiêu chuẩn TĂCN cho phù hợp với đối tượng vật nuôi là yêu cầu tiên quyết của việc lập công thức TĂCN nhưng phải phụ thuộc: Các cơ sở khoa học cùng với giá thị trường và chính sách nội bộ của đơn vị sản xuất; Các nhu cầu từ phía người chăn nuôi, và các cấp trung gian trong hệ thống phân phối; Các nhu cầu từ người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Mỗi đơn vị sản xuất TĂCN cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn, để có thể xác định riêng cho mình các tiêu chuẩn thức ăn phù hợp, nhất, là các giải pháp cụ thể cho những vấn đề thời sự như việc không sử dụng kháng sinh trong TĂCN hiện nay tại Việt Nam


Nông dân Lâm Đồng trồng Magic-S thu lời 3 triệu một cây Nông dân Lâm Đồng trồng Magic-S thu lời… Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp trên trâu, bò và cách phòng trị Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp…