Mô hình kinh tế Thịt bẩn từ lò mổ lậu

Thịt bẩn từ lò mổ lậu

Ngày đăng 16/09/2015

Thịt bẩn từ lò mổ lậu

Lò mổ Đoàn Thu ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) có giấy phép nhưng giết mổ trong tình trạng nhếch nhác, dơ bẩn như thế này.

Heo không rõ nguồn gốc được giết mổ ngay dưới sàn nhà, thịt rửa bằng chân, không có dấu của thú y..., sau đó loại thịt bẩn này chuyển ra các chợ lẻ, vào bếp ăn công nghiệp. Đây là thực tế của rất nhiều lò mổ lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương cung ứng thịt heo chủ yếu cho TP.HCM.

Trong khi đó các cơ sở giết mổ gia súc hiện đại lại đang hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

Rửa thịt bằng chân

Rạng sáng 10-9, chúng tôi tiếp cận lò mổ Đoàn Thu ở xã Bầu Trâm, thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Đây là lò mổ lẽ ra đã phải di dời từ hai năm trước do không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn được 
phép tồn tại.

Bên trong khu giết mổ của cơ sở này rất nhếch nhác, dơ bẩn. Trên diện tích khoảng 1.000m2 có 10 người đàn ông đang giết mổ heo và sơ chế nội tạng. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục con heo được giết mổ ngay dưới sàn nhà dơ bẩn gồm hỗn hợp của huyết, lòng và thịt heo vung vãi khắp nơi.

Nhiều thợ giết mổ tại đây mình trần, chân đất, rửa thịt bằng cách phun nước vào rồi dùng chân đạp, chà lên liên tục nhiều lần. Kết thúc khâu rửa thịt bằng chân dưới nền nhà, một người đàn ông mình trần huyết heo bám dính đầy người tiếp tục dùng chân đạp và quăng những mớ thịt qua chỗ khác.

Mặc dù theo quy định, việc giết mổ phải theo quy trình treo nhưng thực tế tại cơ sở Đoàn Thu, tất cả được làm dưới nền dơ bẩn và dùng chân đạp qua lại. Một người đàn ông làm trong cơ sở Đoàn Thu cho biết mỗi đêm cơ sở giết mổ từ 
50-60 con heo.

Rời Long Khánh, chúng tôi thâm nhập cơ sở giết mổ của bà K. (phía sau chợ Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất). Tại đây lại là những người đàn ông mình trần, dùng kẹp sắt kẹp vào chuồng có những con heo đang nằm rồi nhấn điện. Heo ré lên, giật giật trong vài chục giây rồi nằm bất động.

Ngay sau đó, những con heo này được kéo dưới sàn ra gần chảo nước nóng để chọc lấy huyết. Với cách làm này, một phần huyết heo được đựng trong những cái thau, phần còn lại vung vãi khắp sàn nhà.

Heo sau khi lấy huyết xong tiếp tục được những người đàn ông này kéo qua kéo lại dưới sàn nhà để cạo lông. Và khi mổ xong, cũng như nhiều cơ sở mổ lậu khác, những thợ giết mổ tại đây lại dùng chân đạp, chà lên thịt để rửa. Sau đó thịt được chuyển ra bán cho một số tiểu thương ở chợ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Thống Nhất.

Một tiểu thương cho hay cơ sở bà K. hoạt động từ nhiều năm nay, mỗi đêm giết mổ trung bình 10 con heo. Theo ghi nhận, thời điểm hoạt động ở cơ sở bà K. thường từ 23g hôm trước đến 3g hôm sau.

Cơ sở giết mổ của bà K. là nơi giết mổ lậu nên khi cho ra thành phẩm thì không có dấu mộc chứng nhận kiểm dịch của trạm thú y huyện. Tuy nhiên, hằng đêm các tiểu thương vẫn tấp nập ra vào lấy thịt từ cơ sở bà K. đi bán khắp nơi.

Nói về các cơ sở giết mổ heo lậu trên, đại diện công an các xã Gia Tân 2 và Gia Tân 3 xác nhận: “Giết mổ lậu vẫn còn hoạt động rầm rộ trên địa bàn. Lâu lâu chúng tôi cũng có phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành nhưng một mình lực lượng công an thì 
không thể xử lý”.

Lò mổ Đoàn Thu ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai giết mổ trong tình trạng nhếch nhác, heo được mổ ngay dưới nền nhà lẫn với nhiều chất bẩn

Vào chợ lẻ, bếp công nghiệp...

Tại các lò mổ lậu ở huyện Thống Nhất, hằng đêm tiểu thương buôn bán ở các chợ trong vùng như chợ Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3), chợ Dốc Mơ (xã Gia Tân 1), chợ Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2), chợ Võ Dõng (xã Gia Kiệm)... sẽ đến mua trực tiếp từ chủ lò rồi bán lại. Ngoài ra, một số tiểu thương địa phương khác cũng đến đây mua, phục vụ những bếp ăn công nghiệp.

Còn đối với các lò mổ lậu gần trung tâm như tại TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, các tiểu thương cũng đến mua trực tiếp với chủ lò mổ, sau đó chia thành nhiều nhánh để né tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, đem bán tại các chợ gần những khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn tập thể, chợ nhỏ lẻ ở các vỉa hè... trên địa bàn TP.HCM, 
Bình Dương.

Trong nhiều ngày theo dõi những lò giết mổ heo lậu, chúng tôi gặp được Hùng - một người chuyên giết mổ heo thuê cho các lò. Theo Hùng, chỉ riêng một lò mổ làm thuê ở P.Tân Vạn (TP Biên Hòa) có đêm anh và bạn mổ mổ vài chục con để đưa về các lò quay heo và cung cấp thịt theo đơn đặt hàng cho nhiều tiểu thương ở TP Biên Hòa, tỉnh Bình 
Dương và TP.HCM.

Tình trạng giết mổ lậu phổ biến nhất tại Đồng Nai là khu vực P.Long Bình, TP Biên Hòa. Đây là địa bàn “nổi tiếng” giết mổ lậu trong nhiều năm. Rất nhiều cơ sở từng bị lực lượng thú y phối hợp với các ngành kiểm tra, xử lý nhưng sau đó vẫn lén lút hoạt động trở lại.

Theo bà C. - chủ cơ sở giết mổ ở khu vực Gia Tân (Thống Nhất), khi cơ quan chức năng xử phạt thì các lò mổ trên tạm lắng một thời gian rồi hoạt động tiếp. Để đối phó với các cơ quan chức năng, họ thường mổ heo về khuya, lúc trời hừng sáng cũng là thời điểm các cơ sở đó đã dọn dẹp và đóng cửa kín mít nên không phát hiện được.

Bà C. còn cho biết cơ sở giết mổ của bà sắp hết hạn hoạt động nhưng không cần thiết phải đăng ký vào nơi giết mổ tập trung. “Để cho người ta đăng ký nhiều vào, đến lúc đó hết đất đăng ký thì mình tiếp tục hoạt động tại đây để khỏi tốn kém” - bà C. giải thích.

Trên 60 lò giết mổ lậu

Ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay chỉ riêng giết mổ lậu và không đạt tiêu chuẩn vệ sinh đã xử lý 57 trường hợp. Những địa bàn mà PV Tuổi Trẻ ghi nhận thú y từng kiểm tra xử lý hoặc chuyển cho phòng cảnh sát môi trường xử lý theo thẩm quyền.

Ông Quang cũng khẳng định hiện nay ước trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 100 lò mổ gia cầm, gia súc lậu và “nóng” nhất đang diễn ra ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, TP Biên Hòa. Trong đó riêng địa bàn P.Long Bình, TP Biên Hòa ước có 
60 lò giết mổ lậu!

Theo cơ quan thú y Đồng Nai, các lò mổ lậu thường nằm ngay trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện giết mổ và không theo quy trình đảm bảo vệ sinh. Heo được giết mổ ngay dưới sàn đất lẫn lộn với nước rửa, huyết và phân động vật rất dễ bị nhiễm vi sinh.

Các lò mổ lậu thường tiếp nhận heo từ các thương lái hoặc đầu nậu nhỏ, đa số là heo không rõ nguồn gốc. Sau khi giết mổ cũng không có dấu kiểm dịch của thú y mà được vận chuyển trực tiếp đến các chợ hoặc đầu mối tiêu thụ mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.

Theo ông Quang, chỉ một mình thú y không thể nào kiểm soát được lò mổ lậu. Trong quy hoạch chăn nuôi, UBND tỉnh đã giao rất rõ việc kiểm tra kiểm soát là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Có thể vì lý do này lý do khác địa phương chưa làm rốt ráo nên đã ảnh hưởng việc sắp xếp các lò giết mổ. “Bởi khi sắp xếp lò mổ theo quy hoạch ở từng địa bàn để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dây chuyền giết mổ an toàn thì họ e ngại lò mổ lậu còn tồn tại nên họ bung ra” - ông Quang giải thích.

Ý kiến chuyên gia

Ông Phạm Minh Đạo (giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai): Sẽ có biện pháp mạnh

Hiện tỉnh thấy việc này nên đã điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại lò mổ ở từng địa phương, nỗ lực xử lý lò mổ trái phép để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.

Sắp tới các ngành sẽ có biện pháp mạnh về nguồn gốc thịt giết mổ. Chúng tôi phải làm việc ở các địa bàn có lò mổ lậu, hỏi hết các lý do để lò mổ lậu kéo dài. Khi đánh giá đầy đủ, chúng tôi sẽ phối hợp và có cách xử lý dứt điểm.

Dứt khoát thịt ra thị trường phải có dấu thú y và phải xác định lại nguồn gốc thịt giết mổ ở cơ sở nào và được chăn nuôi ở nông hộ nào để bảo vệ những cơ sở làm ăn đàng hoàng. Chúng tôi phối hợp với các ngành các cấp nhưng trên hết là đạo đức của cán bộ thực thi nhiệm vụ được giao. Làm công tâm, làm đúng chức trách để sản phẩm phải chất lượng khi đến tay người dân.

Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai): Ngành chăn nuôi đang bị cắt khúc nhiều phần

Liên tục trong thời gian qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin về heo dùng chất tạo nạc, heo không rõ nguồn gốc, heo giết trong các lò mổ lậu bẩn thỉu được đưa ra thị trường là những bằng chứng cho thấy cả một chuỗi giá trị của ngành thịt Việt Nam đang có vấn đề, mà vấn đề ngay từ gốc, từ khâu nguyên liệu

Nó cũng cho thấy ngành chăn nuôi đang bị cắt khúc nhiều phần dẫn tới giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao mà người dân được hưởng lợi không tương xứng. Chưa có những doanh nghiệp đủ mạnh để triển khai các chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn như các cơ quan chức năng kêu gọi trong thời gian qua.

Thời điểm hội nhập sâu như TPP đã đến rất gần mà ngay cả những điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tối thiểu cũng chưa đảm bảo thì Việt Nam lấy gì để cạnh tranh với thịt nhập khẩu? Các cường quốc chăn nuôi trên thế giới không những vượt trội Việt Nam về chất lượng con giống, trình độ chăn nuôi và giá thành thấp mà còn hơn hẳn Việt Nam về quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các chuyên gia cho rằng thói quen tiêu dùng thịt nóng sẽ là lợi thế của ngành chăn nuôi trong nước để cạnh tranh với thịt đông lạnh nhập khẩu. Nhưng với tình trạng mất an toàn trầm trọng như thời gian qua, người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen nếu có lợi cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

Và thực tế nhiều người tiêu dùng ngày nay đã bắt đầu có thói quen mua thịt đông lạnh hoặc mua thịt trong siêu thị về để trong tủ lạnh ăn dần.

Do đó, nếu không sớm tạo ra một “hình ảnh đẹp” cho thịt heo Việt Nam thì khi thịt heo nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ đưa vào Việt Nam, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng thịt nhập khẩu cho an toàn. Trần Mạnh


Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất… Dừa Bến Tre tăng giá gấp đôi Dừa Bến Tre tăng giá gấp đôi