Mô hình kinh tế Thịt sạch chưa được nhận diện

Thịt sạch chưa được nhận diện

Ngày đăng 16/04/2015

Thịt sạch chưa được nhận diện

Nhưng trong thực tế, chỉ có người chăn nuôi biết đâu là thịt sạch vì mặt hàng này vẫn chưa có thị trường tiêu thụ riêng, và vẫn được bán cào bằng như hàng thường.

Vướng mắc khâu thị trường cũng là khó khăn chung của các trang trại, hộ chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAP của Đồng Nai.

* Nhiều vùng sản xuất thịt sạch

Theo Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thiết lập được 3 vùng GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất, TX.Long Khánh. 3 vùng GAHP nói trên có 52 nhóm với 1.047 hộ chăn nuôi tham gia áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Dự án cũng đã hỗ trợ lắp đặt được 610 hầm biogas, giúp giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Các nhóm GAHP đều được hỗ trợ hệ thống trộn thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm chi phí đầu tư.

Tỷ lệ hộ, trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 279 hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP. 263/2.600 trang trại chăn nuôi heo, gà được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Những hộ, trang trại chăn nuôi trên đều phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, như: phải có sổ sách ghi nhật ký hoạt động của chuồng, trại; không dùng chất tăng trưởng; thực hiện nghiêm ngặt công tác tiêm phòng…

Với mục tiêu thực hiện kết nối chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ đến chợ thực phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, các khâu giết mổ, hệ thống chợ cũng được dự án Lifsap quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 23 cơ sở giết mổ tập trung và các điểm giết mổ vệ tinh ở vùng sâu, vùng xa đã được dự án Lifsap hỗ trợ nâng cấp. 31 chợ Lisap đã được đầu tư, nâng cấp.

* Chỉ có người nuôi biết

Với những nỗ lực trên, Đồng Nai đã hình thành được những vùng chăn nuôi với sản phẩm an toàn; hình thành hệ thống lò mổ, chợ đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thịt heo sạch khi ra đến thị trường thì vẫn rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”, thậm chí thịt heo không nguồn gốc vẫn được bày bán trong chợ Lifsap do những bất cập trong khâu quản lý.

Ông Phạm Như Hi, nhóm trưởng nhóm GAHP tại ấp Nam Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi không bán được tại địa phương vì thương lái chỉ quan tâm đến giá rẻ. Một số nơi thu mua trả cao hơn 1 - 2 giá cũng vì heo đẹp, chất lượng đồng đều chứ không phải vì là sản phẩm sạch. Sản phẩm sạch chỉ có người nuôi biết vì khi ra đến chợ chẳng có dấu hiệu gì cho người tiêu dùng nhận diện. Mong muốn xây dựng được thương hiệu thịt sạch của vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước này vẫn là hy vọng xa vời”.

Với những chủ trang trại tự bỏ chi phí làm VietGAP với mong muốn có thị trường tốt hơn cũng đang gặp khó khăn không nhỏ về đầu ra. Bà Trần Thị Thu Trang, chủ trang trại heo, gà Thu Trang (huyện Thống Nhất), cho biết: “Trang trại chúng tôi được công nhận VietGAP được 4 năm nhưng đến nay sản phẩm sạch chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường. Ngay cả một số công ty lớn về đặt vấn đề thu mua, nhưng mức giá cũng không cao hơn và khi sản phẩm ra thị trường chẳng ai biết đây là sản phẩm sạch xuất xứ tại Đồng Nai. Chúng tôi cũng rất quan tâm việc làm nhãn hàng sản phẩm sạch của trang trại, nhưng đó là điều không dễ”.

Đồng Nai là tỉnh duy nhất trong cả nước được dự án chọn thực hiện thí điểm vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung. Để có dấu hiệu nhận diện sản phẩm sạch, dự án Lifsap đã thực hiện thí điểm việc bấm thẻ trên tai heo của các hộ tham gia nhóm GAHP. Tính đến nay, gần 27,7 ngàn thẻ đã được bấm để tạo căn cứ xác định sản phẩm chăn nuôi an toàn.


Người thuần hóa vịt trời Người thuần hóa vịt trời Chăn nuôi theo chuỗi giá trị hướng đi bền vững cho nông dân Chăn nuôi theo chuỗi giá trị hướng đi…