Tin nông nghiệp Thợ sửa xe sáng chế máy se chỉ xơ dừa 8 trục tại Bến Tre

Thợ sửa xe sáng chế máy se chỉ xơ dừa 8 trục tại Bến Tre

Tác giả Huỳnh Phúc Hậu, ngày đăng 29/05/2019

Thợ sửa xe sáng chế máy se chỉ xơ dừa 8 trục tại Bến Tre

Lập nghiệp bằng bộ đồ nghề sửa xe đạp, anh Lê Văn Liêm, Tân Hội, Mỏ Cày Nam, Bến Tre trở thành kỹ sư “miệt vườn” với sáng chế máy se chỉ xơ dừa 8 trục và máy se thừng không nối độc nhất xứ dừa.

Anh Lê Văn liêm với sáng chế máy se chỉ sơ dừa 8 trục và máy xe thừng không nối. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Lập nghiệp bằng bộ đồ nghề sửa xe đạp, trở thành kỹ sư “miệt vườn” với sáng chế máy se chỉ xơ dừa 8 trục và máy se thừng không nối độc nhất ở xứ dừa, anh Lê Văn Liêm, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) còn là “sư phụ” truyền nghề miễn phí của nhiều thanh niên nghèo trong xã. 

Lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em nên việc học của anh Liêm dừng lại ở lớp 9 để lo mưu sinh. 

Năm 21 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Liêm trở về quê Tân Hội học nghề và mở cửa hàng sửa xe máy, đồng thời học thêm nghề hàn tiện để sửa các loại dụng cụ thô sơ của người dân. 

Khi đó ở dưới quê người dân se chỉ sơ dừa bằng máy quay tay, bà con ở xóm lại mang cái quay tay chỉ xơ dừa cho anh sửa. 

Một câu nói của người dân “Liêm ơi, làm sao chế tạo ra cái máy mà bỏ chỉ rối vô, rồi tự nó chạy ra chỉ thì đỡ bà con biết mấy” đã làm anh Liêm trăn trở rất nhiều. 

Anh Liêm chia sẻ, quyết định táo bạo nhất trong đời anh là việc đóng cửa tiệm sửa xe để nghiên cứu chế tạo máy se chỉ xơ dừa. 

Hầu hết các đồ dùng có giá trị trong gia đình đều “đội nón” ra đi để mang về các thiết bị phục vụ nghiên cứu. 

Mọi người trong gia đình kể cả vợ anh Liêm cũng can ngăn, cho rằng anh bị “khùng.” Sau 5 năm mày mò nghiên cứu, anh Liêm đã thu quả ngọt cho sáng tạo của mình với chiếc máy se chỉ xơ dừa 8 trục. 

Theo anh Liêm, máy se chỉ xơ dừa 8 trục giúp tăng năng suất lao động cho nghề se chỉ lên 24 lần so với cách làm thủ công truyền thống. 

Thị trường tiêu thụ máy se chỉ tự động của anh Liêm không chỉ ở Bến Tre mà còn ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Vĩnh Long. Đến nay anh đã bán ra thị trường hơn 400 máy. 

Sau khi chế tạo máy thành công, anh Liêm mở tiệm để sản xuất máy cung cấp ra thị trường. Tiếng lành đồn xa về anh kỹ sư “miệt vườn,” nhiều gia đình ở địa phương tìm đến anh Liêm để gửi con học nghề. 

Em Nguyễn Thanh Vũ (sinh năm 1996), xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam đã theo “sư phụ” Liêm học nghề được 3 năm. Hiện nay, Vũ đã thành thạo nghề và được anh Liêm trả lương 5 triệu đồng/tháng. 

Khi phỏng vấn nhận học trò miễn phí, tiêu chí “sư phụ” Liêm chỉ là “đam mê nghề cơ khí” là được. 

Trong 8 học trò hiện tại, mỗi em đều có hoàn cảnh riêng, hầu hết là có gia cảnh khó khăn. Phương châm của anh Liêm là chỉ dẫn tận tình để các em nhanh biết việc, mau giúp mình, trong xưởng thầy trò luôn đoàn kết, người đi trước chỉ người đi sau. 

Hơn 10 năm qua, anh Liêm đã dạy nghề miễn phí gần 50 học trò. Các em được thầy Liêm đào tạo “3 trong 1” gồm thợ hàn, thợ nguội và thợ tiện. Tuy không có bằng cấp nhưng sau khi được học nghề các thanh niên đã có các cơ sở sản xuất, công ty tư nhân thuê. 

Bên cạnh đó anh đã dạy nghề miễn phí cho 6 thanh niên nghèo đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. 

Không những dạy nghề miễn phí cho thanh niên, đối với những gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, anh Liêm cũng sẵn sàng hướng dẫn nghề cấp tốc đủ kỹ năng rồi ứng trước tiền cho mượn để về nhà sản xuất các phụ tùng trong bộ phận máy bán lại cho anh.

Vì vậy, hiện tại có gần 20 gia đình ở các xã trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam thuộc nhóm gia công sản xuất phụ tùng cho cơ sở anh Liêm. 

Ông Võ Văn Khắc Điệp - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, xã Tân Hội cho biết, việc hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí để giải quyết việc làm thanh niên địa phương của anh Lê Văn Liêm thời gian qua mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. 

Việc xưởng cơ khí của anh Liêm chuyển đổi lên công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ góp phần hun đúc tin thần khởi nghiệp của thanh niên. Xã cùng với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp của anh Liêm phát triển bền vững.


Quy trình kỹ thuật trồng lạc đen Quy trình kỹ thuật trồng lạc đen Nông dân Tương Dương thu nhập khá từ khoai lang đỏ Nông dân Tương Dương thu nhập khá từ…