Tin nông nghiệp Thoát nghèo nhờ nuôi dê
Tin nông nghiệp Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Tác giả Thiện Hải, ngày đăng 25/09/2019

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn tỉnh không hiếm. Tuy nhiên, với những hộ không có đất sản xuất, chỉ đi làm thuê ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) thì đây là mô hình mới, đem hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị Lâm Thị Hà chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình nhờ nuôi dê. Ảnh: Thiện Hải

Hơn 3 năm trước, để có tiền trang trải trong sinh hoạt gia đình, chị Lâm Thị Hà, ở ấp Hội Trung phải đi làm thuê vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày. Đến khi được vay vốn, chị Hà mua 2 con dê về nuôi. Sau thời gian đàn dê phát triển, đến nay chị Hà đã bán được 4 đợt dê đem về 40 triệu đồng, kinh tế gia đình chị cũng được cải thiện hơn. Chị Hà chia sẻ: “Hiện tại, bầy dê của tôi còn 10 con lớn, nhỏ, tùy theo thời điểm mà giá bán khác nhau, nếu như mấy năm trước dê thịt chỉ có 60.000 đồng/kg thì hiện nay đã lên đến 120.000 đồng/kg, còn dê giống thì 140.000 đồng/kg. Nuôi dê giúp cuộc sống gia đình có thêm thu nhập hơn nên tôi đang mong muốn vay thêm vốn để sửa lại chuồng, phát triển thêm nghề nuôi dê”.

Ở ấp Hội Trung, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang đem lại hiệu quả cho cả gia đình chị Hà và nhiều chị em phụ nữ khác. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này và để tạo thêm điều kiện cho chị em hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi, Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng đã xin ý kiến của Đảng ủy, UBND thị trấn thành lập Tổ hợp tác Nuôi dê với 9 thành viên tham gia. Đến nay, mô hình này đã giúp cho mỗi thành viên của tổ hợp tác có lợi nhuận hơn 14 triệu đồng/năm, nhờ được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật nên nhiều hội viên thuận lợi trong việc chăn nuôi. Từ lúc chỉ có 24 con dê ban đầu, thì nay tổ hợp tác nuôi dê đã có trên 80 con. Theo nhiều chị em nuôi dê chia sẻ, so với các loài vật khác thì nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn của dê là cỏ, lá cây các loại và phụ phẩm nông nghiệp nên dễ tìm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên. Bà Lý Thu Vân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hội Trung cho biết: “So với nuôi bò thì nuôi dê dễ hơn do nguồn thức ăn cho vật nuôi này đa dạng, dễ tìm và dê cũng ít bị bệnh. Ngoài ra, chị em hội viên trong tổ hợp tác chúng tôi cũng được vay vốn để đầu tư ban đầu. Hiện nay, nhiều hội viên đã trả nợ xong”.

Hiện nay, đầu ra mô hình nuôi dê của các thành viên trong tổ hợp tác khá ổn định do nhu cầu của thị trường khá nhiều, nhờ vậy thu nhập gia đình của nhiều hội viên được nâng cao hơn. Để có được những thành công bước đầu này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các thành viên còn có sự hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật của các ngành, các cấp, nhất là với sự hỗ trợ của Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng, nhiều hội viên đã tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng và quỹ tín dụng. Từ đó, tạo điều kiện cho chị em có công việc ổn định hơn.

Chị Thạch Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng cho biết: “Mô hình nuôi dê đã giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ của ấp phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, tổ hợp tác có 4 hộ nghèo và cận nghèo, đến nay đã có 2 hộ thoát nghèo. Nhiều chị phải đi làm thuê, làm ăn xa thì nay nhờ chăn nuôi dê mà chị em có điều kiện thuận lợi hơn để ở nhà chăm lo cho gia đình và phát triển kinh tế. Để phát triển mô hình này, theo nhu cầu của chị em, hội cũng tranh thủ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội để đề nghị hỗ trợ cho chị em hội viên vay vốn phát triển thêm con giống và sửa chữa chuồng trại”.

Với sự hỗ trợ vốn vay kịp thời, các cấp hội phụ nữ ở huyện Trần Đề đã tạo động lực để hội viên phụ nữ khó khăn có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.


Nông dân An Giang trồng rau thuỷ canh theo công nghệ Israel Nông dân An Giang trồng rau thuỷ canh… Hạt mắc ca, sản vật của cao nguyên Lâm Đồng Hạt mắc ca, sản vật của cao nguyên…