Thới Bình (Cà Mau) Nuôi Tôm Càng Xanh Trên Ruộng Lúa Tìm Hướng Đi Bền Vững
Mấy năm gần đây, cứ vào độ cuối tháng 6 âm lịch, người dân huyện Thới Bình (Cà Mau) lại bắt tay vào vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa. Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, tính đến thời điểm này toàn huyện đã xuống giống tôm càng xanh được hơn 1.500 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2013. Đây là năm có diện tích tăng nhiều nhất trong những năm qua.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thới Bình được thực hiện vào năm 2012. Hiện nay, mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Biển Bạch Ðông, Tân Bằng, Trí Lực.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, chia sẻ: “Năm vừa rồi người dân trong xã thả nuôi với diện tích chỉ 50 ha nhưng năng suất đạt khá cao, bình quân 120-200 kg/ha với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta lợi nhuận mà người dân thu về từ 12-15 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm nay bà con tiếp tục thả nuôi với diện tích tăng khá bất ngờ, tính tới thời điểm này toàn xã thả nuôi với diện tích khoảng 620 ha”.
Với diện tích 4 ha, năm 2013 anh Nguyễn Văn Toàn, ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Ðông thả nuôi hơn 6.000 con giống, thu về lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Năm nay gia đình thả 20.000 con giống, hiện tôm được 30 ngày tuổi, đang phát triển tốt.
Ðể bắt tay vào vụ nuôi mới, bà con cẩn thận chuẩn bị từ khâu diệt cá tạp trên ruộng để tránh hao hụt lượng tôm giống, rồi tận dụng những đợt mưa vừa qua để rửa mặn, sao cho độ mặn giảm còn khoảng 5%o để tôm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Thông thường trước khi thả tôm giống, bà con vèo tôm trên ruộng từ 5-7 ngày, cho ăn bằng cá bột xay nhuyễn, sau đó bắt đầu bung ra ruộng.
1 tháng sau khi thả tôm, với những đám mạ đã được gieo sẵn trên sân, người dân bắt đầu cấy lúa xuống ruộng, rút nước ra và rửa mặn thêm một lần nữa. Giống lúa được người dân lựa chọn chủ yếu là giống Một bụi đỏ bởi nó có đặc tính, khả năng thích nghi trong điều kiện phèn và mặn.
Ông Phong cho biết, sự kết hợp tôm càng xanh trên ruộng lúa không chỉ mang lại thức ăn tự nhiên, tốt cho con tôm bằng những lá lúa, rễ lúa mà còn bổ trợ cho cây lúa ít bệnh hơn, tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa sạch. Bởi nuôi tôm càng xanh bắt buộc người dân không được sử dụng thuốc trừ sâu vì sẽ làm chết tôm. Không chỉ vậy, chính sự xen canh trên cùng diện tích giúp hạn chế được vấn đề dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh về diện tích, vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng cần phải tính đến. Bởi, đặc thù con tôm càng xanh phải thu hoạch đồng loạt do nhiều yếu tố thời tiết, điều kiện tự nhiên chuyển mặn, nên cùng lúc sẽ có một lượng lớn tôm càng xanh cung cấp cho thị trường nên không tránh khỏi việc bị thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, vấn đề con giống cũng không kém phần lo ngại. Thực tế, con giống người nuôi tôm đang sử dụng chỉ là những giống trôi nổi trên thị trường, khả năng rủi ro cao. Ngoài ra, trong việc phân biệt tôm giống đực hay cái, người dân vẫn còn mập mờ nên dễ bị mua nhầm tôm càng đực làm ảnh hưởng đến hiệu quả, lợi nhuận.
Ðể vụ mùa tôm càng xanh trên ruộng lúa thắng lợi, ngoài sự chuẩn bị chu đáo trong các khâu xuống giống và chăm sóc của người dân còn cần có sự định hướng sớm từ ngành chức năng để tránh việc đầu ra cho tôm càng xanh ứ đọng, giảm thu nhập của bà con.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ