Thời Doanh Nghiệp Đổ Xô Vào Nông Nghiệp
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), chia sẻ với NNVN, cho rằng, đây là “thời” của các DN đầu tư vào nông nghiệp, vì lợi thế cạnh tranh của ngành này đang lớn.
Và, nhiều DN sừng sỏ đã đầu tư vào nông nghiệp cũng đang có “thế” rất vững chãi.
Khởi đầu cho xu hướng TPP
Thưa ông, việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), TH True milk hay SSI (Cty CP Chứng khoán Sài Gòn) đầu tư mạnh vào nông nghiệp thời gian gần đây chứng tỏ nông nghiệp đang là mảnh đất màu mỡ để đầu tư. Ông nghĩ sao?
Việc các “đại gia” trong nước và quốc tế chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn thật ra không phải là một hiện tượng mới hoặc lạ. Ở góc độ kinh tế học, khi thấy có lợi, ắt người đầu tư sẽ tìm cách nhảy vào cuộc chơi.
Bên cạnh đó, nếu cái lợi đó gặp được thời cơ “chín muồi” thì nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh hành động nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt thời gian. Việt Nam đang hội tụ cả hai yếu tố “lợi ích” và “thời cơ” ở ngành nông nghiệp trong mắt các DN, đặc biệt là các DN lớn.
Lợi ích là bởi thế mạnh nông nghiệp, bao gồm khí hậu, đất đai thuận lợi và con người hay nguồn lao động dồi dào, ôn hoà, chịu khó.
Điển hình như trong ngành lúa gạo, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vai trò á quân, thậm chí lên ngôi quán quân về sản lượng XK, được ví như “chén cơm châu Á”. Giai đoạn 2012 - 2013, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế và quy trình, chất lượng SX nhưng gạo Việt Nam vẫn đến với mâm cơm của người dân thế giới với mức 6 - 7 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, chất lượng, thương hiệu và giá cả vẫn là ba điểm yếu chưa khắc phục của gạo Việt. Ngành cà phê, cao su cũng gặp tình trạng tương tự khi “hồn Việt Nam, da quốc tế” do thiếu năng lực SX.
Đây cũng chính là “ngách” mà các DN lớn, với lợi thế vốn và công nghệ cũng như quy trình SX hiện đại, đang tập trung khai thác.
Theo ông, họ sẽ khai thác những “ngách” này thế nào?
Khi Việt Nam mở rộng cửa, tham gia mạnh vào nền kinh tế thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA). Điển hình là “hiệp định thế kỷ” TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ đẩy mạnh trong vài năm gần đây; hoặc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU hiện vẫn đang còn trên bàn đàm phán với nhiều hứa hẹn sớm thành công trong năm 2014.
Khi Việt Nam mở cửa với sân chơi FTA, thuế quan và các rào cản thuế quan sẽ được hạ, lợi thế XK nông sản sẽ tăng lên.
Đặc biệt, nhiều nước không có thế mạnh về nông nghiệp như Nhật Bản, ngay từ hai ba năm trước đã lục tục sang Việt Nam để khảo sát, đầu tư theo mô hình “thuê ngoài” (out-source) nhằm khoả lấp lỗ trống về an ninh lương thực của nước này khi TPP thành công.
Như vậy, hiện việc các “đại gia” như Hoàng Anh Gia Lai, SSI… như NNVN phản ánh chỉ là khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào nông nghiệp khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA.
Không dễ
Như NNVN đã phản ánh, việc các “đại gia” đang đổ xô nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp đã tạo cho ngành những lợi thế nhất định trong quá trình tái cơ cấu. Theo ông, đây có phải tín hiệu vui?
Rất vui chứ! Xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của DN sẽ mang lại không ít sự phấn khởi và niềm vui cho nông nghiệp Việt Nam.
Phấn khởi vì các điểm yếu về chất lượng, thương hiệu, quy trình cung ứng nông sản của Việt Nam xưa nay vẫn bị than phiền, nay có dịp được khắc phục bằng công nghệ Nhật, Israel, Mỹ, Úc... vốn rất hiện đại, hiệu quả.
Người dân còn vui khi nông sản của họ sẽ được lăng-xê thương hiệu với chất lượng cao, sẽ thu về cho họ nhiều tiền hơn, thoát khỏi cơn ác mộng về ngành nông nghiệp giá rẻ.
Rõ ràng, những gì mà DN mang lại sẽ tạo ra “khoảnh khắc hội nhập”, đưa nông sản Việt đến gần hơn với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng quốc tế, và mức sống của nông dân Việt cũng vì thế mà cao hơn đáng kể.
Nhưng có ý kiến cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp hiện nay “không dễ xơi”, thưa ông?
Tháng 12/2013, Chính phủ ra Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở ra cơ hội cho nền nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (theo hình thức liên doanh). Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp còn khiêm tốn, và chủ yếu từ các đối tác châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc…
Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi vốn tín dụng, đất đai, phát triển vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực… sẽ là những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với nông nghiệp Việt Nam.
Rõ ràng, với suất đầu tư cao, lợi nhuận thấp, cộng với rủi ro về yếu tố thời tiết, giá cả thị trường… thì nông nghiệp cũng không phải là ngành dễ xơi, nếu làm khơi khơi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì sẽ thất bại.
DN đầu tư phải làm một cách bài bản, thật sự tâm huyết, chú trọng công nghệ cao tăng giá trị sản phẩm thì mới có sự bền vững.
Như TH True Milk, trước khi quyết định đầu tư sang một ngành mới là nuôi bò sữa, đã phải tìm nguồn nhân lực có kiến thức về nông nghiệp, chú trọng công nghệ SX, chế biến hiện đại.
Chọn ngành hàng lợi thế
Nếu nhìn vào nhóm hàng mà các DN đầu tư, thấy các đại gia đều chọn lợi thế đầu ra như sữa, thịt bò, mía đường… Ông nhận xét thế nào?
Nói thêm một chút về HAGL để minh chứng, DN này chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp từ lâu và xác định đây là một trong hai ngành kinh doanh chính.
HAGL bắt đầu trồng cao su từ năm 2007 với những biện pháp khoa học kỹ thuật mới, giống mới được nhập từ các nước có ngành cao su tiên tiến như Malaysia và Thái Lan, cho nên đến giữa năm 2012 lứa cây cao su đầu tiên đã bắt đầu cho sản phẩm.
Khi hoàn thành chương trình trồng và đưa vào khai thác 51.000 ha cao su, HAGL có thể thu hoạch được khoảng 127.500 tấn mủ cao su quy khô để XK.
Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp với phương châm không có gì bỏ phí đã giúp DN khai thác hết giá trị sản phẩm vừa bảo vệ môi trường.
Như bã mía đã tạo ra điện phục vụ cho chính nhà máy đường của DN, sử dụng không hết bán cho Lào, tro còn đem làm phân và SX ethanol. Chỉ tính ba sản phẩm phụ này đã giúp giảm giá thành SX. Vì vậy, giá đường của HAGL chỉ khoảng 4.500 đồng/kg trong khi tại Việt Nam 12.000-13.000 đồng/kg.
Như vậy để thấy rằng, DN luôn biết đầu tư vào nhóm hàng nào là phù hợp, bởi họ nắm được thị trường, nắm được công nghệ và quan trọng là họ biết, nếu chọn sai sẽ chắc chắn gặp rủi ro, bất trắc.
Đơn cử như gạo, thủy sản với năng suất cao, vùng nguyên liệu lớn, thị trường rộng, giá lại cạnh tranh sẽ luôn có nhiều lợi thế.
Vậy theo ông, Nhà nước cần ưu đãi gì để khuyến khích các DN khác tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp?
Nông nghiệp từ trước đến nay vẫn được cho là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều ngành hàng nông nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, lại thiếu sự quan tâm đúng mức.
Chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi hơn đối với lĩnh vực này, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích DN tăng đầu tư.
Cần phát triển mạnh ngành công nghiệp dịch vụ như chú trọng logistics, khơi thông vấn đề tài chính, thanh toán quốc tế… để phục vụ tốt cho SX, XK. Việc này không chỉ Bộ NN-PTNT làm được, mà cần sự vào cuộc của liên bộ như Tài chính, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư…
Xin cảm ơn ông!
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/thoi-doanh-nghiep-do-xo-vao-nong-nghiep-post135970.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ