Mô hình kinh tế Thời Nuôi Cá Tiêu Thụ Nội Địa

Thời Nuôi Cá Tiêu Thụ Nội Địa

Ngày đăng 05/08/2013

Thời Nuôi Cá Tiêu Thụ Nội Địa

Trong khi người nuôi cá để chế biến xuất khẩu (cá tra) đang ngày một chán nản, lỗ lã liên tục xảy ra trong hơn 2 năm qua, thì nông dân nuôi cá để tiêu thụ nội địa (cá điêu hồng, cá lóc…) đang rất phấn khởi vì lãi to.

Trong khi nông dân nuôi cá tra xuất khẩu đang lỗ nặng, thì các loại cá nuôi để tiêu thụ nội địa lại cho nông dân mức lãi khá. Trong ảnh là nông dân thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang đang cho cá điêu hồng ăn - Ảnh: Trung Chánh.

Cá tiêu thụ nội địa “ăn đứt” cá xuất khẩu

Trái ngược với không khí ảm đạm của hoạt động nuôi cá tra - loại cá chủ yếu để chế biến xuất khẩu, bà con nông dân nuôi cá tiêu thụ nội địa đang đẩy mạnh phát triển vì lợi nhuận thu được khá cao.

“Sau một thời gian cá điêu hồng vướng tin đồn ăn bị ung thư (năm 2012), giá bán xuống rất thấp (khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kí lô gam), phải bỏ nghề, thì hiện chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển, những bè cá bị “treo” trước đây cũng đã thả nuôi lại, thậm chí có hộ đang mở rộng quy mô nuôi thêm nữa”, ông Nguyễn Hữu Đạt, hộ nuôi cá điêu hồng (nuôi bè) tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết

Theo ông Nguyễn Minh Thiện, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, hiện cá điêu hồng thương phẩm được thương nhân trực tiếp bắt tại bè với giá 41.000 – 45.000 đồng/kí lô gam, tăng gấp 3 lần so với mức giá giữa năm 2012.

Riêng đối với giá cá điêu hồng giống, hiện dao động quanh mức giá 28.000 – 35.000 đồng/kí lô gam, loại 35 - 40 con/kí lô gam. “Giá cá thịt như hiện nay (41.000 – 45.000 đồng/kí lô gam), đúng ra giá cá giống phải tăng cao lắm, chứ không phải chỉ 28.000 – 35.000 đồng/kí lô gam thôi đâu, tuy nhiên, năm nay tình hình nuôi cá tra lỗ lã nên nông dân chuyển sang ương cá điêu hồng nhiều, làm nguồn giống dồi dào”, ông Thiện cho biết.

Không chỉ cá điêu hồng, hoạt động nuôi cá lóc ở ĐBSCL cũng phát triển rất nhanh kể từ năm 2012 đến nay. Ngoài An Giang, Trà Vinh - 2 địa phương có diện tích nuôi cá lóc tăng nhanh nhất thời gian gần đây, Kiên Giang cũng là địa phương có truyền thống đối với loại thủy sản này.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang, cho biết toàn xã hiện có gần 500 hộ nuôi cá lóc, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn/năm, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ/năm.

Bà con nuôi cá điêu hồng và cá lóc ở ĐBSCL, cho biết với tình hình như hiện nay, hoạt động nuôi cá tiêu thụ trong nước đã ăn đứt nuôi cá để chế biến xuất khẩu.

Liên kết: khả thi nhưng khó thực hiện

Một câu hỏi được đặt ra làm sao đảm bảo được lợi được nhuận của nông dân nuôi cá bán nội địa trong điều kiện thị trường tiêu thụ có hạn, dễ xảy ra hiện tượng khi thu hoạch ào ạt, cá dội chợ rớt giá thiệt hại cho người nuôi?

Ý kiến của một số nhà chuyên môn, cho biết muốn giải quyết được câu hỏi trên, nhất thiết phải có kế hoạch liên kết và tổ chức sản xuất theo hướng phân chia thời điểm thả nuôi và thu hoạch giữa các địa phương ở ĐBSCL nhằm tránh cung vượt cầu, đảm bảo giá bán luôn ổn định, giúp nông dân có lãi.

Tuy nhiên, theo một số địa phương, rất khó để thực hiện được mục tiêu liên kết như trên. Ông Mai Thành Lộc, Giám đốc Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Tiền Giang cho biết: “Bố trí lịch thả theo hướng địa phương A thả giống và thu hoạch ở tháng này, còn địa phương B ở tháng kia là cách giải quyết hay nhưng khó thực hiện vì bản thân nông dân chỉ muốn tự làm theo ý riêng của họ thôi”.

Theo ông Kiệt, nông dân cần liên kết lại thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, còn đối với những địa phương có hoạt động nuôi cá tiêu thụ nội địa nên ngồi lại và cùng nhau quy định rõ thời điểm thả nuôi và thu hoạch của từng địa phương dựa trên những tổ hợp tác và hợp tác xã đã được liên kết.

Nếu làm được như trên, đồng nghĩa lượng cá ra thị trường sẽ ổn định, cung- cầu cân bằng, đảm bảo nông dân có lãi khi bán cá.


Nhiều Tàu Câu Cá Ngừ Đại Dương Nằm Bờ Nhiều Tàu Câu Cá Ngừ Đại Dương Nằm… Thẻ Chân Trắng Chiếm “Thế Thượng Phong” Thẻ Chân Trắng Chiếm “Thế Thượng Phong”