Mô hình kinh tế Thới Thạnh (Bến Tre) phát triển mạnh phong trào nuôi dê quy mô hộ gia đình

Thới Thạnh (Bến Tre) phát triển mạnh phong trào nuôi dê quy mô hộ gia đình

Ngày đăng 04/06/2015

Thới Thạnh (Bến Tre) phát triển mạnh phong trào nuôi dê quy mô hộ gia đình

Ông Đặng Văn Mỹ, ở ấp Xương Thới I, là người gắn bó lâu dài và có nhiều thành công với nghề nuôi dê hơn 10 năm qua. Trang trại dê của ông Mỹ có trên 40 con dê, trong đó có đến 25 con dê nái, riêng dê đực có nhiều con trị giá vài chục triệu đồng.

Ông cho biết, ban đầu chỉ có 3 con dê nái, sau đó phát triển đàn lên dần. Đến năm 2014, ông mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại hộ gia đình và quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng để mở rộng chuồng trại vì nuôi dê có khả năng xoay vòng vốn nhanh và hiệu quả. Một con dê nái mang thai khoảng 5 tháng, sau khi đẻ 2 tháng có thể bán dê giống, muốn vỗ béo thì tăng thêm thời gian 3 tháng. Chu kỳ sinh sản của dê là 2 năm 3 lứa, trung bình đẻ từ 2 - 3 con/lứa. Giá dao động từ 90 - 120 ngàn đồng/kg. Một con dê nái sẽ cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/năm. Trước đó, ông đã xuất chuồng hàng chục con dê đực lấy thịt, mỗi con từ 30 - 36kg.

Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, theo ông Mỹ, việc lựa chọn dê giống là khâu quan trọng nhất. Vì thế, sau khi tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi dê khác ở trong và ngoài tỉnh, ông chọn giống dê Bo (nguồn gốc từ Châu Phi) để phát triển. Bởi, giống dê này có sức đề kháng mạnh, ăn khỏe, nặng cân, sinh trưởng tốt, đầu ra ổn định với giá cao hơn so với dê địa phương. Hiện trang trại dê của ông phần lớn là giống dê Bo.

Bên cạnh việc chọn giống tốt, xây dựng chuồng trại cũng không kém phần quan trọng. Theo ông, chuồng phải được xây dựng kiên cố, thông thoáng, có ánh nắng, tránh ẩm ướt, cao từ 0,8 - 1m. Nếu nuôi dê nái, diện tích chuồng 4m2/con.

Nhiều năm qua, nghề nuôi dê giúp gia đình ông Mỹ vượt qua khó khăn, ổn định để vươn lên khá giàu với thu nhập mỗi năm lên đến 150 triệu đồng. Ngoài hộ ông Mỹ, còn nhiều hộ khác nuôi dê với số lượng đàn luôn duy trì từ 40 - 50 con ở ấp Xương Thới I, Xương Thạnh A, Xương Thạnh B… Ngoài ra, hộ nuôi từ 20 con trở lên là phổ biến.

Đây là mô hình kinh tế thích hợp cho hộ gia đình ít đất sản xuất, ít vốn đầu tư. Mặt khác, dê còn có ưu điểm là dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít gặp rủi ro. Người nuôi có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tìm thức ăn cho dê như cỏ, nhiều loại lá cây trong vườn, so đũa, chuối cây…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, mô hình nuôi dê thời gian qua phát triển khá nhanh trên toàn địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần vào mục tiêu kéo giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện tổng đàn dê toàn huyện khoảng 9,5 ngàn con, tăng trên 50% so với khoảng 3 năm trước đó.


Quảng Ngãi cần quy hoạch vùng nuôi chim yến Quảng Ngãi cần quy hoạch vùng nuôi chim… Ngành thủy sản cần chính sách phù hợp hơn để hội nhập Ngành thủy sản cần chính sách phù hợp…