Tin nông nghiệp Thổn thức với cao su

Thổn thức với cao su

Tác giả ĐỨC TRUNG, ngày đăng 21/07/2016

Thổn thức với cao su

Phá vườn cây đang tươi tốt

Trung tuần tháng 7, tại ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), tiếng cưa máy nổ vang rền trong vườn cao su 2ha của gia đình anh Vũ Bá Trung. Ban trưa, từng thân cây đường kính 15 - 20cm đổ ào xuống mặt đất. Đứng giữa vườn cao su được 18 năm tuổi, anh Trung không khỏi ứa nước mắt xót xa.

“Đầu năm nay, vườn cao su của tôi được thương lái ngã giá gần 300 triệu đồng, nhưng tôi chưa bán vì hy vọng giá mủ sẽ khôi phục trở lại. Ai dè vào mùa thu hoạch mới, giá cả chẳng ra gì. Lúc này tôi quyết định bán vườn cao su cho những người mua lấy gỗ, thì giá chỉ còn 250 triệu đồng. Thôi đành vậy, có tiền tôi trồng mới điều ghép, chứ còn dính đến cao su thì chẳng biết đi đâu, về đâu nữa”, anh Trung thổ lộ.

Theo ghi nhận, do giá mủ cao su từ đầu năm đến nay vẫn không có chuyển biến tốt (hiện chỉ còn 21.000 đồng/kg quy khô) và tiền bán mủ không đủ bù đắp chi phí khai thác, chăm sóc nên người dân trong vùng tiếp tục thanh lý vườn cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác. Tại tỉnh Bình Phước, trong 6 tháng đầu năm đã có gần 3.000ha bị đốn hạ; còn ở Tây Ninh, các nông hộ cũng chặt bỏ hơn 1.000ha cao su đang thời kỳ kinh doanh; tỉnh Bình Dương cũng ngót nghét 1.000ha…

Khổ vì điệp khúc “chặt - trồng”

Vào thời điểm thu hoạch chính vụ này, đến các tỉnh miền Đông, các nông hộ đều “kêu” vì giá mủ cao su quá “bèo”. Chị Trần Thị Hà, nông dân ở xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cho hay, dù vườn cao su của gia đình đã đến thời điểm cạo mủ nhưng vợ chồng chị không thu hoạch cũng không đầu tư chăm sóc nữa, bởi với giá mủ như lúc này, sau khi trừ công thợ, tiền phân bón… thì không có lời, thậm chí lỗ.

Với những tâm sự như trên của người trồng cao su, rõ ràng nguyên nhân người dân chặt bỏ vườn cây trong mấy năm qua là do giá cao su xuống thấp; trong khi chi phí đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cạo mủ…) luôn cao nên ít có lãi, chưa kể nhiều diện tích cao su được trồng trên những vùng đất không thích hợp nên hiệu quả kinh tế không như mong muốn. Chính thì thế, dẫu có diện tích lớn, chất đất phù hợp, song không nhiều hộ nông dân tại vùng Đông Nam bộ khẳng định dám “gửi mình” với cao su tiểu điền, loại cây từng được ví như “vàng trắng” trong quá khứ.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, từ trước đến nay, tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về diện tích cao su với khoảng 230.000ha. Có những lúc, cao su là cây trồng chủ lực của tỉnh, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Với mức giá không được thuận lợi như hiện nay, nếu không cần thiết thì không cạo mủ để bảo vệ cây và chờ giá tăng trở lại. Nông dân cũng nên thực hiện các mô hình trồng xen nông - lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập, không nên chặt bỏ cây cao su bằng mọi giá trong lúc này.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, ngay cả một số hộ gia đình trước đây chặt bỏ cao su để lấy đất chuyển đổi sang trồng mì, hoa màu nhưng cũng không đạt hiệu quả do giá bán các loại cây trồng này hiện cũng cho thu nhập rất thấp. Riêng cây mì, do người dân trồng quá nhiều (hiện toàn tỉnh có khoảng 60.000ha) và trồng liên tục trên một vùng đất nên phát sinh nhiều bệnh, như bệnh mối ăn củ, thối củ. Hiện tỉnh chưa có giải pháp phòng trừ hiệu quả, cộng với giá bán thấp nên người dân rất lúng túng khi lựa chọn cây trồng khi chuyển đổi.


Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi năm Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ… Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành cá đồng Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành…