Thống Nhất Hỗ Trợ 13,21 Tỷ Đồng Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Mía
Trong thời gian qua, tình trạng mua mía nhỏ giọt diễn ra ở các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi). Những nơi này còn đến hàng chục ngàn tấn mía cây chín rộ nhưng chưa được phát phiếu thu họach. Người trồng mía ở Quảng Ngãi đang hết sức lo lắng vì mía cháy khô ngoài đồng và nhiều đồng mía đã trổ cờ, làm giảm sút năng suất và chất lượng.
Chiều 25/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các sở ngành liên quan; UBND 6 huyện và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi để giải quyết về việc thu mua mía chậm trễ; chặn thu tiền bán mía của dân trong vụ mía 2010-2011.
Theo báo cáo của Nhà máy đường Phổ Phong, sau 4 tháng triển khai vụ ép mía 2010-2011, Nhà máy đã thu mua khoảng 199.000 tấm mía cây. Dự kiến lượng mía trên đồng ruộng hiện còn khoảng 47.000 tấn mía, với việc thu mua nguyên liệu như hiện nay thì khoảng 20-25/5 sẽ thu mua hết lượng mía cho nông dân. Hiện trung bình mỗi ngày nhà máy thu mua và chế biến trên 2.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm này Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã thu mua hết mía trên diện tích hơn 4.563 ha, chiếm 73% diện tích mía trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến độ thu mua như trên là quá chậm so với cùng kỳ mọi năm. Hiện tại vẫn còn 1.600 ha mía (khoảng 77.000 tấn) đã chín rộ cần thu hoạch, trong đó một số diện tích mía đã quá thời điểm thu hoạch từ 2-3 tháng, một số trổ cờ làm giảm sút năng suất và chất lượng. Trong khi đó, Công ty dự kiến đến cuối tháng 5/2011 mới thu mua hết sản lượng mía trên diện tích còn lại.
Những vụ trước đây tại tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhà máy đường là Nhà máy Đường Quảng Phú và Nhà máy Đường Phổ Phong. Công suất của 2 nhà máy là 4.000 tấn mía cây/ngày. Nhưng gần đây, do kinh doanh không hiệu quả, Nhà máy Đường Quảng Phú đã dời địa điểm lên Gia Lai. Nhà máy Đường Phổ Phong phải “cõng” cả vùng nguyên liệu rộng lớn ở Quảng Ngãi. Mặc dù Nhà máy đã đầu tư 17 tỷ đồng để nâng công suất lên từ 1.500-2.000 tấn mía cây/ngày nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải, dẫn đến chậm trễ tiến độ thu mua, không giải quyết kịp thời cho những diện tích mía đến kỳ thu hoạch của bà con nông dân.
Hậu quả của sự chậm trễ thu mua và việc thu hồi kinh phí tạm ứng cho người trồng mía mà Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã thực hiện trong niên vụ mía 2011-2012 là diện tích mía trồng mới và lưu gốc toàn tỉnh đến thời điểm này chỉ mới đạt 69% so với kế hoạch (khoảng 4.200 ha), trong đó phần lớn là diện tích mía lưu gốc (trên 3.400 ha), diện tích mía mở rộng chỉ có 282 ha, diện tích mía phá gốc trồng lại cũng chỉ 572/1.120 ha.
Phải chăng, đây cũng là hệ lụy khi Công ty đường Quảng Ngãi chuyển Nhà máy đường Quảng Phú đi nơi khác mà không tính tới việc nâng công suất Nhà máy đường Phổ Phong cho phù hợp, xứng tầm với vùng nguyên liệu thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi?
Từ ngày 28/2-15/4/2011, UBND tỉnh đã 3 lần ra văn bản gửi Công ty CP Đường Quảng Ngãi, với nội dung yêu cầu công ty này dừng ngay việc chặn thu tiền bán mía của người dân, Công ty Đường vẫn “phớt lờ”.
Giải thích về vấn đề này, ông Trần Văn Lợi, Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết: Trong 3 năm qua (2008 - 2010), nhà máy đã đầu tư cho vùng mía tỉnh Quảng Ngãi trên 106 tỷ đồng, số dư nợ đầu tư mía lũy kế đến cuối năm 2010 trên 54 tỷ đồng. Đến nay, nhà máy đã thu hồi nợ trên 30,7 tỷ đồng. Việc nông dân trả nợ đầu tư là việc làm đúng cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng đầu tư trồng mía giữa nhà máy và người trồng mía. Vì vậy, việc trả nợ được đa số người bán mía đồng tình, nhằm đảm bảo nguồn vốn để đầu tư lại ngay trong vụ trồng mới 2011-2012 là trên 60 tỷ đồng cũng chính cho những hộ nông dân này. Song ý kiến của đại diện các địa phương thì phản ánh ngược lại. Không đồng tình việc thu hồi của Nhà máy. Trong quá trình thu hồi Công ty không tách biệt rõ khoản thu mà nông dân nợ Công ty theo Hợp đồng kinh tế và khoản thu tỉnh nợ Công ty thông qua nông dân nợ trong việc triển khai Quyết định 38 của UBND tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã có 3 văn bản liên tiếp yêu cầu Công ty dừng ngay việc thu hồi nợ (văn bản cuối cùng là ngày 15/4) nhưng đến ngày 21/4 Công ty mới dừng thu hồi nợ.
Đại diện các sở, ban ngành cho rằng, để thu mua hết lượng mía cho nông dân, trước hết Nhà máy phải cam kết hết diện tích mía còn lại và phải ưu tiên cho những vùng mía đang chín rộ. Liên quan đến vấn đề thu hồi nợ, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi cần tách biệt rõ phần nợ hợp đồng kinh tế giữa Công ty và nông dân và nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 38 của UBND tỉnh cho nông dân.
Trước đó, thực hiện Quyết định 38/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ban hành về chính sách hỗ trợ phát triển vùng mía trong tỉnh, Công ty Đường đã tạm ứng trước trên 13 tỉ đồng để hỗ trợ người dân phát triển vùng mía. Qua 4 năm thực hiện nhưng đến nay UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có quyết định xử lý về hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách phát triển vùng mía nguyên liệu giai đoạn 2007-2010, để Sở Tài chính thực hiện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để các địa phương thực hiện. Vì vậy vụ mía năm 2011, trong quá trình thu mua mía, Công ty Đường đã “chặn thu” của để trừ nợ, gây bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình anh ninh trật tự trên địa bàn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho răng: “Vấn đề này không phải UBND tỉnh làm ngơ, nhưng tổ chức triển khai chưa đồng bộ làm thời gian kéo dài”.
Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi chiều ngày 25/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi yêu cầu Công ty rà soát và tập trung thu hoạch mía còn lại trên đồng; điều phối và có kế hoạch, biện pháp thu mua, vận chuyển một cách hợp lý để không gây thiệt hại cho người trồng mía, nhất là diện tích mía quá lứa trên đồng hiện nay. Cần có cơ chế hợp lý để bù mức độ thiệt hại cho người trồng mía do sự chậm trễ trong việc thu mua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết: “Đến ngày 25/4, tập thể UBND tỉnh thống nhất xử lý hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 13 tỷ 210 triệu đồng để chi hỗ trợ cho nông dân và tổ chức có liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu mía của tỉnh”.
Ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi cho rằng, việc UBND tỉnh quyết định thống nhất xử lý hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 13 tỷ 210 triệu đồng để chi hỗ trợ cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh là một quyết định thật sự “giải tỏa” các mối lo ngại của cả nông dân và lãnh đạo Cty đường, làm cho Quyết định 38 của tỉnh thật sự có ý nghĩa, và đây là động lực phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh trong những năm đến.
Cũng tại buổi họp này, để đẩy nhanh việc thu mía còn tồn trên ruộng của dân, UBND tỉnh đã bác bỏ việc xin dừng hoạt động của Nhà máy đường Phổ Phong-Công ty Đường Quảng Ngãi từ ngày 26-30/4/2011, để nạo vét lại hệ thống mương dẫn nước cung cấp cho nhà máy hoạt động, cũng là mương dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa trong vùng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ