Thủy sản Việt trước thềm TPP mừng ít, lo nhiều
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó từ đầu năm tới nay khi giá thành nguyên liệu trong nước tăng cao
Là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, song các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang canh cánh mối lo khó cạnh tranh, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả nội địa do giá thành sản xuất quá cao.
Muốn cạnh tranh, phải nhập khẩu nguyên liệu?
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, cho biết, khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế xuất thủy sản vào Mỹ không hề cao nhưng tới nay hàng của ta vào thị trường này vẫn rất khó khăn. Tính tới thời điểm này, Mỹ đã liên tiếp áp thuế chống phá giá đối với tôm (10 năm) và cá (12 năm).
“Như vậy, đặt giả thiết, khi Việt Nam gia nhập TPP, nếu Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế chống phá giá thì tình hình cũng không thay đổi là bao.
Trong trường hợp không áp thuế chống phá giá thì Mỹ lại đòi hỏi chặt chẽ về xuất xứ của mặt hàng. Đây chính là điều mà DN xuất khẩu thủy sản của Việt đang rất lo ngại”, ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam đều đang cao hơn so với giá chung của thế giới.
Ví như tôm nuôi của Việt Nam giá thành cao hơn của Indonesia và Ấn Độ từ 1,5 - 3 USD/kg tùy theo kích cỡ. Như vậy, để có giá cạnh tranh, bắt buộc DN chế biến Việt Nam phải mua nguyên liệu của Indonesia, Ấn Độ chế biến lại mới xuất được vào Mỹ.
Vậy nếu áp nguyên tắc xuất xứ thì rõ ràng DN Việt sẽ không có lợi.
Đây là một trong những mối lo mà nhiều DN thủy sản Việt Nam đang đối mặt.
Theo đó, vấn đề chính thuộc về sức cạnh tranh của ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản chứ không phải hàng rào thuế quan. Bằng chứng năm 2014, Mỹ áp thuế chống phá giá cao nhưng tôm mất mùa nên Việt Nam vẫn xuất được mặt hàng tôm thu về gần 2 tỷ USD.
Năm nay, dù Mỹ đã hạ mức thuế xuống gần 0% nhưng Việt Nam lại không bán được con tôm nào bởi giá nguyên liệu quá cao.
“Cũng như võ sỹ ra đấu trường, nếu bản thân anh không có đủ sức mạnh ắt sẽ bị đấm vỡ mặt ngay từ đầu, chứ đừng nói tới sức cạnh tranh lâu dài”, ông Lĩnh ví von.
Cá thành phẩm nội đắt gấp 2 - 3 hàng ngoại
Cũng theo ông Lĩnh, lợi ích mà TPP mang lại cho Việt Nam rất lớn, song mặt trái của nó cũng không phải nhỏ
. Khi các nước trong khối TPP mở cửa với Việt Nam thì ngược lại chúng ta cũng phải mở cửa đối với họ.
Minh chứng rõ nhất là giá nhiều loại cá tại Nhật Bản như cá hồi, cá cam... đang thấp hơn giá tại Việt Nam.
Ông Lĩnh dẫn chứng: “Tới mùa thu hoạch, giá cá hồi từ Nhật Bản vào Việt Nam chỉ khoảng 1,5 USD/kg.
Trong khi giá cá cam thô chưa qua chế biến tại thị trường trong nước lên tới 120 nghìn đồng/kg thì cũng loại cá này đã qua chế biến nhập từ Nhật Bản về Đà Nẵng tính cả thuế cũng chỉ 40 - 50 nghìn đồng/kg, nếu được miễn thuế chắc chỉ còn 30 nghìn đồng/kg”.
Lý giải câu chuyện bất cập về giá thành nguyên liệu thủy sản trong nước, ông Lĩnh nhận định, nguyên nhân chính thuộc về điều kiện và quy mô sản xuất chăn nuôi.
Ngoài việc giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi chủ yếu bị lệ thuộc vào các công ty nước ngoài, các đầu vào khác như giá điện, vận tải, lao động... cũng ngày một tăng.
“Một năm qua giá tôm thế giới hạ xuống 20% - 30% nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong khi tại Việt Nam lại khai thác thế mạnh tự nhiên, giao thẳng cho người dân chăn nuôi manh mún, lời thì đua nhau làm, lỗ thì bỏ. Tỷ lệ nuôi tôm thành công trên thế giới lên tới 70% trong khi tỷ lệ này của ta chỉ khoảng 30%...
Thử hỏi với nền chăn nuôi như vậy, sao có giá thành cạnh tranh?”, ông Lĩnh đặt vấn đề.
Tuy nhiên, đứng về phía người chăn nuôi, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam lại cho rằng, giá thành thủy sản cao là do lỗi của cả hai đầu, sản xuất - thu mua.
“Sau 18 tháng, ngành nuôi trồng thủy sản chắc chắn sẽ vẫn còn chật vật, phải nỗ lực chạy đuổi chứ không thể ung dung được nữa.
Chúng ta ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều song so với trình độ những nước đi đầu trong khối TPP, vẫn còn khoảng cách xa quá”, ông Thắng nhận định.
Chính vì vậy, trước thềm TPP, dưới góc độ của DN, ông Lĩnh nhận định: Nỗi mừng ít mà lỗi lo lại nhiều. “Bắt được vàng nhưng không có sức gánh được, để người khác gánh thì cũng vậy thôi!”, ông Lĩnh nói và kiến nghị,
Nhà nước cần là “vị nhạc trưởng” dẫn dắt cộng đồng DN bằng hệ thống chính sách sao cho khuyến khích đầu tư công nghệ, chuỗi liên kết, từ đó nâng cao sức cạnh tranh chung của nền kinh tế.
"Từ bài học WTO, khi gia nhập TPP, người sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng hiện vẫn chưa nhận thức được rõ những khó khăn cũng như cơ hội mà Hiệp định này mang lại.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần làm rõ những lợi ích của TPP trong lĩnh vực chăn nuôi, liệu khi đã gia nhập có còn tái diễn cảnh “được mùa mất giá”? (Ông Nguyễn Việt Thắng)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ