Mô hình kinh tế Thu hàng trăm triệu đồng từ vườn hồng công nghệ cao

Thu hàng trăm triệu đồng từ vườn hồng công nghệ cao

Ngày đăng 19/08/2015

Thu hàng trăm triệu đồng từ vườn hồng công nghệ cao

Hơn 3 năm về trước gia đình ông Păng Ting Sin (người dân tộc K’Ho, ngụ tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng) chỉ quen với các loại cây trồng như lúa, khoai, bắp. Thấy một số nông dân người Kinh trong vùng trồng những vườn rau xanh tốt, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng theo. Nhưng do thiếu kinh nghiệm sản xuất lại thêm sâu bệnh, mất mùa, rớt giá… khiến cho thu nhập từ vườn rau của gia đình ông không khá hơn trước là mấy.

Không cam chịu với thất bại, một lần nữa ông Sin lại cặm cụi đi tìm hiểu những người địa phương về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sau đó, ông vun vén hết tiền bạc trong nhà và mượn thêm họ hàng để đầu tư 2 sào nhà kính trồng hoa hồng.

Thế nhưng trồng hoa công nghệ cao không đơn giản, phải đầu tư hệ thống phun tưới hiện đại. Kỹ thuật chăm sóc hoa cũng kỳ công hơn. Khó khăn là vậy nhưng ông Păng Ting Sin không ngại, một lần nữa ông lại lọ mọ đi học hỏi kinh nghiệm của những người đã trồng trước đó và đăng ký tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức để đem kỹ thuật về áp dụng vào vườn nhà mình.

Một thời gian thử nghiệm, sau vài lần thất bại vườn hoa hồng của ông cũng bắt đầu bung nở những bông hoa rực rỡ. Thu nhập từ hoa hồng dần ổn định, ông Sin quyết định chuyển hết diện tích trồng rau trước đây sang trồng hoa hồng trong nhà kính.

Một lần nữa ông lại vấp phải khó khăn lớn đó là chi phí để đầu tư hệ thống nhà kính khá cao. Sau nhiều trăn trở ông quyết định cầm cố sổ đất đi vay 500 triệu đồng từ ngân hàng về đầu tư trồng hoa.

Với quyết tâm cao cùng với sự cần cù, chịu khó học hỏi, ông đã khẳng định được quyết định của mình là đúng đắn, khi giờ đây gần 1ha hoa hồng trồng trong nhà kính cho doanh thu lên đến một tỷ đồng, trừ hết chi phí mỗi năm ông Sin thu lãi về khoảng 300- 400 triệu đồng. Mức thu nhập này với một gia đình người dân tộc thiểu số là điều ít ai dám nghĩ tới, nhưng ông Sin đã chứng minh là mình làm được.

“Thường thì cứ 2 ngày cắt hoa một lần, mỗi lần cắt trung bình khoảng 2.000 cành, tùy đơn hàng. Giá hoa hồng tôi hợp đồng với thương lái từ 900 đồng/cành (tuỳ từng thời điểm), mỗi tháng thu về cũng được khoảng 30- 40 triệu sau khi trừ hết chi phí”, ông Păng Ting Sin chia sẻ.

Vườn hoa hồng công nghệ cao không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Sin, mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên của địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Được biết, ngoài chăm sóc vườn hồng của gia đình, ông Păng Ting Sin còn hay đi dự các lớp tập huấn nông nghiệp, chia sẻ các kỹ thuật chăm sóc cho những hộ người dân tộc thiểu số muốn chuyển đổi canh tác cây trồng. Rất nhiều người, kể cả người Kinh đã đến vườn hồng của gia đình ông để tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật.

“Tôi muốn mọi người cùng làm, cùng nhau phát triển nhất là các hộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương này. Mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cố gắng sản xuất, không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Sin bộc bạch.

Công nhân đang thu hoạch hoa.

Về mô hình trồng hoa hồng trong nhà kính của lão nông người K’Ho này, ông Nguyễn Hồng Thủy- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, anh Păng Ting Sin là người dân tộc thiểu số đầu tiên của địa phương chuyển đổi cây trồng sang hướng nông nghiệp công nghệ cao và đã thành công.

“ Anh Păng Ting Sin còn là gương điển hình thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở địa phương, từ một gia đình thuộc hộ nghèo đến nay đã có một vườn hoa hồng cho thu nhập đáng mơ ước. Không những vậy anh cũng nhiệt tình giúp đỡ nhiều gia đình trong vùng đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển nâng cao thu nhập cá nhân. UBND huyện đã nhiều lần khen thưởng cho anh Sin vì có nhiều thành tích và đóng góp trong nông nghiệp cho địa phương”.

Được biết, ngoài là một nông dân sản xuất nông nghiệp giỏi, ông Păng Ting Sin còn đam mê cồng chiêng và muốn lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện ông có một điểm cồng chiêng thu hút hoảng 20 bạn trẻ tham gia, ngoài ra còn mang lại thu nhập thêm cho các bạn trẻ từ biểu diễn cồng chiêng. Đó cũng chính là tâm nguyện của ông Sin muốn giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Lang Biang cũng như đến với thành phố Đà Lạt mông mơ.


Bí quyết biến vùng cát trắng thành vựa tôm tiền tỷ Bí quyết biến vùng cát trắng thành vựa… Kim Bình - Xã trăm triệu đồng nhờ chuối tây Kim Bình - Xã trăm triệu đồng nhờ…