Thu lợi lớn từ các cây trồng mới
Tận dụng lợi thế ưu đãi của thiên nhiên, người nông dân đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây mới vào trồng, góp phần đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng sung túc.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, từ vụ thu năm 2009, HTXDVNN Nghĩa Thắng đã xây dựng mô hình trồng cây ngô ngọt Thái Lan với diện tích 5 sào tại khu bãi màu ven sông Ninh Cơ.
Đồng chí Kim Thiên Tứ, Chủ nhiệm HTX, cho biết:
“Chúng tôi mạnh dạn thực hiện mô hình này với mong muốn chuyển đổi dần diện tích trồng ngô tẻ dùng cho chăn nuôi kém hiệu quả kinh tế sang trồng ngô ngọt làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Chúng tôi chọn khu bãi màu ven sông Ninh Cơ làm mô hình điểm để nông dân có thể tận mắt thấy, tin tưởng mà thay đổi làm theo”.
Ngay từ vụ đầu tiên, hiệu quả kinh tế mà cây ngô ngọt mang lại đã được khẳng định. Năng suất ngô ngọt đạt 500 kg/sào, hạch toán kinh tế sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi sào cho thu lãi cao hơn ngô tẻ từ 300 - 400 nghìn đồng.
Không những thế, cây ngô ngọt có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nhiều so với cây ngô tẻ, từ 30 - 40 ngày.
Ngoài ra, còn tiết kiệm được công lao động vì nông dân chỉ việc thu hoạch bắp rồi bán luôn cho đơn vị chế biến. Từ mô hình trồng thử nghiệm, các hộ nông dân ở Nghĩa Thắng đã chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô tẻ sang trồng ngô ngọt.
Hằng năm, toàn xã trồng 25 - 30ha cây ngô ngọt, chiếm hơn 50% tổng diện tích vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ. Anh Bùi Văn Sơn, xóm 6, cho biết: ngô ngọt là giống cây dễ trồng, bắp to, vị ngọt mát.
Ngô giống được ngâm ủ và gieo trong bầu, sau khi cây đạt từ 1 - 2 lá thật mới đem ra trồng.
Cây ngô ngọt có chiều cao từ 2 - 2,2m, vị trí đóng bắp thấp, khả năng chống chịu với thời tiết, sâu bệnh tố
t. Ở xã Nghĩa Thắng mỗi năm có thể trồng được 2 vụ: vụ xuân trồng từ ngày 10 đến 15-1 âm lịch; vụ thu trồng từ 28-7 đến 5-8 âm lịch, sau 65 - 70 ngày thì cho thu hoạch. Năng suất trung bình đạt từ 5 - 6 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể cho năng suất 6 - 7 tạ/sào.
Vụ thu năm nay, gia đình anh Sơn đã trồng 1,5 mẫu, dự kiến sau khi trừ chi phí lãi hơn 25 triệu đồng.
Cùng với hộ anh Sơn, gia đình ông Nguyễn Văn Phước ở xóm 7 cũng mở rộng diện tích lên 2,5 mẫu; ông Nguyễn Văn Toài, xóm 7, trồng 1,5 mẫu.
Chủ nhiệm HTX cho biết thêm:
Để đầu ra sản phẩm thuận lợi, giúp bà con yên tâm khi mở rộng diện tích, HTX chủ động ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ toàn bộ sản phẩm ngô ngọt với Cty TNHH Thanh An (Ninh Bình). Giống ngô được Cty cung ứng; HTX chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng trước phân bón cho nông dân.
Doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 4.000 đồng/kg ngô ngọt.
Với mức giá này mỗi sào ngô ngọt cũng mang lại thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng.
Ngoài ra, cây ngô ngọt sau khi thu hoạch được ủ làm phân xanh phục vụ sản xuất các vụ tiếp theo, giảm chi phí các loại phân bón trong quá trình chăm sóc, giải phóng đất nhanh hơn ngô lai.
Hiện, người trồng ngô Nghĩa Thắng đang phấn khởi chăm sóc cho vụ ngô mới.
Do được cán bộ HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đến nay toàn bộ diện tích ngô ngọt ở vùng đất bãi đều sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất cao.
Đây là cơ sở để xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ngô ngọt trên toàn bộ vùng đất bãi, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Mô hình trồng cây đinh lăng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO của gia đình ông Nguyễn Huy Hoàng, xóm 7, xã Nghĩa Thắng.
Ngoài cây ngô, cây đinh lăng cũng đang được xem là nhân tố thúc đẩy “nền kinh tế xanh” của Nghĩa Thắng khi được xác định là vùng nguyên liệu cho các Cty dược phẩm.
Cây đinh lăng còn được gọi là “sâm đồng bằng”, là vị thuốc nam có tính năng chống dị ứng, giải độc thức ăn, chống mệt mỏi...
Cây đinh lăng đã được trồng nhiều năm trên đồng đất xã Nghĩa Thắng, nhưng trong 5 năm trở lại đây, diện tích trồng đinh lăng ngày càng được mở rộng do hiệu quả kinh tế, giá trị lao động của nông dân tăng lên rõ rệt so với các cây trồng khác.
Nhiều hộ cải tạo vườn tạp, tận dụng đất chuyển đổi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng với quy mô lớn. Điển hình như hộ: ông Vũ Văn An ở xóm 7 trồng 1 mẫu, ông Nguyễn Văn Bằng ở xóm 4 trồng 9 sào, ông Nguyễn Văn Hưng, xóm 7, trồng 6 sào đinh lăng…
Thu nhập từ trồng đinh lăng cũng ngày càng tăng lên. Đối với các hộ mới trồng đinh lăng, sau 3 năm tỉa cành bán giống, bán gốc thì mỗi sào cho thu nhập 50 triệu đồng; nếu để sau 5 năm thì mỗi sào sẽ cho trên 70 triệu đồng.
Với giá bán như hiện nay là 47 nghìn đồng/kg thân và cành, 80 nghìn đồng/kg gốc rễ, người trồng thu nhập khá hơn hẳn trồng lúa, vì vậy nhiều hộ trên địa bàn xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng.
Đến nay, diện tích đinh lăng đã và đang cho thu hoạch của xã lên tới 25ha, diện tích trồng mới là 10ha. HTXDVNN Nghĩa Thắng đã đứng ra ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây đinh lăng với Cty CP Traphaco.
Để trồng và thu hái cây đinh lăng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO, mỗi năm Cty CP Traphaco mở 2 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hái cây thuốc cho các hộ dân trồng đinh lăng trên địa bàn xã.
Hiện, Cty CP Traphaco đang phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng đinh lăng ở Nghĩa Thắng với mục tiêu cung cấp nguồn dược liệu lâu dài, đảm bảo về chất lượng, ổn định về số lượng nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, xóm 7, cho biết: Cây đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt.
Cùng một diện tích nhưng cây đinh lăng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác. Sau hơn 2 năm trồng 1 sào đinh lăng, gia đình ông Hoàng đã tỉa cành, bán được hơn 10 triệu đồng.
Khi HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Cty CP Traphaco, gia đình ông cũng yên tâm mở rộng diện tích trồng đinh lăng lên trên 3 sào.
Việc đưa các cây trồng mới vào sản xuất là một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của xã Nghĩa Thắng phát triển, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.
Thời gian tới, xã Nghĩa Thắng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cải tạo vườn tạp sang trồng cây đinh lăng, chuyển cây trồng khác ở vùng đất bãi sang trồng cây ngô ngọt nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ