Thử nghiệm nuôi tôm trong bể xi măng tại Indonesia
Tại Batam, Indonesia, tôm giống nuôi trong bể xi măng ở mật độ 300 PL/m² có tăng trưởng hàng ngày đạt kết quả tốt nhất sau 75 ngày.
Chi tiết thử nghiệm
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của mật độ và chất lượng nước lên hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng. Nghiên cứu được thực hiện tại trang trại Batam Dae Seng Indonesia ở Batam, huyện đảo Riau, Indonesia. Nguồn cung tôm post (PL8, trọng lượng 0,03 – 0,05 g) từ trại giống PT Suri Tani Pemuka, Anyer, West Java. Tôm được tập cho quen với môi trường và ương bằng hệ thống trong nhà suốt 14 ngày đến khi đạt cỡ thả nuôi vào bể. Lúc bắt đầu thử nghiệm, ấu trùng tôm (Pl20-22) được thả vào 32 bể xi măng trong nhà có kích thước 8x8x1 m ở 4 mật độ khác nhau: 300, 400, 500 và 600 PL/ m². Thời gian nuôi thử nghiệm 75 ngày. Các bể được đổ đầy nước có độ mặn 30 – 33‰. Sục khí cơ học với bánh xe quạt nước 0,5 HP (Minipadd). Trao đổi nước 5 – 10% suốt quá trình nuôi 75 ngày.
Quản lý thức ăn
Tôm trong tất cả các bể được cho ăn khẩu phần giống nhau (33 – 35% protein thô, 5% lipid thô; Indonesia Evergreen Agriculture, Lampung Selatan) suốt thử nghiệm tăng trưởng. Khối lượng thức ăn được sử dụng trong thử nghiệm này được tính toán dựa vào trọng lượng tăng trưởng kỳ vọng 1 g/tuần, tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) 1,4 và tỷ lệ chết hàng tuần 3% suốt giai đoạn tăng trưởng. Trong thử nghiệm, tôm được cho ăn 6 lần/ngày và khẩu phần hàng ngày được điều chỉnh dựa vào tỷ trọng cơ thể tôm sau giải phẫu hàng tuần.
Đánh giá tăng trưởng và chất lượng nước
Hàng tuần, tôm được lấy mẫu bằng lưới (0,5 m đường kính và mắt lưới 1 cm), khoảng 20 – 30 con/bể. Chất lượng nước (DO, pH, nhiệt độ, độ mặn, tổng chất rắn hòa tan, độ dẫn điện và khả năng khử các chất ôxy hóa) được kiểm soát 4 lần/ngày vào lúc 6h – 7h; 14h – 15h; 17h – 18h và 23h – 24h bằng cảm biến đo chất lượng nước (Aqua Troll 500, In-Situ Inc., USA) và được quản lý bởi ứng dụng AquaEasy Smart Aquaculture (BOSCH, Singapore). Đĩa Secchi theo dõi độ trong của nước sẽ ghi lại các chỉ số 1 lần/tuần.
Ammonia nitrogen (NH3-N) được phân tích bằng tia cực tím 1 lần/tuần. Nitrite nitrogen (NO2-N) và nitrate nitrogen (NO3-N) được phân tích bằng dụng cụ đo màu HACH DR890 2 lần/tuần. Cuối thử nghiệm nuôi tăng trưởng, tôm được thu hoạch toàn bộ, đếm số lượng, cân trọng lượng để tính sinh khối cuối, trọng lượng cuối, tỷ lệ tăng trưởng (%GW), FCR, tỷ lệ sống (SR) và tỷ lệ ăn chủ động (VFI).
Toàn bộ thông số tăng trưởng được phân tích bằng phương pháp phân tích phương sai ANOVA để xác định sự khác nhau quan trọng giữa các nhóm thử nghiệm. Tiếp đến là so sánh nhiều nhóm bằng phương pháp Tukey để xác định sự khác nhau giữa các nhóm thử nghiệm. Toàn bộ phân tích thống kê được tiến hành bằng hệ thống SAS (V9.4 SAS Institute, USA).
Hiệu suất tăng trưởng và mật độ
Suốt thử nghiệm nuôi tăng trưởng, nồng độ DO, pH, tổng chất rắn hòa tan, khả năng khử các chất ôxy hóa, độ mặn và nhiệt độ đều nằm trong khoảng hỗ trợ tăng trưởng tối ưu cho tôm (Boyd and Tucker; 1992). Nồng độ ammonia dao động 0,22±0,09; 0,21±0,12; 0,30±0,24 và 0,29±0,44 với mật độ 300 PL/m²; 400 PL/m²; 500 PL/m² và 600 PL/m². Trong khi đó, thông số NO2-N và NO3-N có xu hướng tăng nồng độ khi mật độ tôm cao hơn.
Các kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, TTCT phát triển nhanh hơn khi được nuôi ở mật độ thấp hơn. Tôm đạt được mức tăng trưởng lý tưởng 0,17 ± 0,02 g/ngày ở mật độ 300 PL/m². Điều này tương tự nghiên cứu của Krummenauer et al (2011), mật độ 300 con/m² cho hiệu suất tăng trưởng tốt hơn so với mật độ 450 con/m² với tốc độ tăng trưởng riêng 0,12 ± 0,02 g/ngày, sử dụng hệ thống siêu thâm canh trong 70 m² bể trải bạt HDPE và 1 m³ nước. Mật độ cũng ảnh hưởng lớn đến sức chứa của bể và quan trọng là hiệu suất tăng trưởng tối ưu và tình trạng sức khỏe của tôm suốt giai đoạn nuôi với điều kiện không xuất hiện dịch bệnh trong thời gian này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ