Thu nhập cao từ ba ba giống
Có mặt tại Tổ hợp tác (THT) nuôi ba ba giống Vĩnh Hòa Bình (ở ấp 4), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của các thành viên nơi đây khi nhắc đến con ba ba giống, loài đang cho nguồn thu nhập khá cao của người dân. Bên chiếc thau đựng nhiều con ba ba giống chuẩn bị giao cho thương lái, ông Nguyễn Văn Đẹt, Tổ trưởng THT nuôi ba ba giống Vĩnh Hòa Bình, vui vẻ cho biết: “Tôi nuôi ba ba giống gần 10 năm, riêng chỉ có năm nay là giá đạt mức kỷ lục. Hiện thương lái đến tận nhà mua ba ba giống loại 10 ngày tuổi có giá 3.500 đồng/con, tăng 1.500 đồng/con so với cùng kỳ năm ngoái”.
Theo nhận định của ông Đẹt cũng như các thành viên trong THT, những năm gần đây, phong trào nuôi ba ba đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Đông, miền Trung vì có đầu ra ổn định, giúp không ít nông dân làm giàu. Chính vì vậy, nguồn con giống luôn hút hàng, giá tăng mạnh, nhất là vào thời điểm bắt đầu thả nuôi như lúc này. Hiện tại, THT Vĩnh Hòa Bình có 9 thành viên tham gia nuôi ba ba giống, với diện tích mặt nước gần 1ha (mỗi hộ có từ 600 - 1.000m2), hàng năm cung ứng ra thị trường trên 500.000 con ba ba giống nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng gia đình ông Đẹt có diện tích nuôi 600m2, với số lượng 2.000 con ba ba bố mẹ, mỗi tháng gia đình ông bán ra thị trường từ 10.000 - 15.000 con ba ba giống, với mức giá hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông có được nguồn lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Mặc dù nguồn lợi nhuận từ nuôi ba ba giống khá hấp dẫn, nhưng để có được con ba ba giống bán không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi người nuôi cần có kỹ thuật tốt. Được biết, mỗi con ba ba bố mẹ sinh sản từ 10-30 trứng/lần nên số lượng trứng mỗi lần ấp rất lớn, người nuôi phải kiên trì và cẩn thận khi lấy các ổ trứng trong cát, sau đó xếp gọn vào hộp xốp chờ nở. Ba ba bố mẹ thường đẻ liên tục 8 tháng (từ tháng 1 đến tháng 8), sau đó ngưng 4 tháng. Trong quá trình nuôi đòi hỏi bà con phải đảm bảo giữ nguồn nước hợp vệ sinh, cho ăn đầy đủ, nhất là trong giai đoạn sinh sản.
Vị Bình là xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lãnh đạo xã không ngừng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Qua đây, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, một trong số đó có mô hình nuôi ba ba giống đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, toàn xã có 25 hộ nuôi ba ba giống và nuôi thương phẩm, với diện tích mặt nước khoảng 4ha. Để giúp người nuôi có những kiến thức, kỹ thuật, thời gian qua, lãnh đạo xã đã phối hợp với ngành chức năng huyện Vị Thủy mở các lớp tập huấn, trao đổi khoa học kỹ thuật cho nông dân, bên cạnh đó còn tìm những mô hình tương tự để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng thực tế tại ao nuôi của gia đình. Đặc biệt, năm 2012, địa phương đã thành lập THT nuôi ba ba giống Vĩnh Hòa Bình, qua đây nhằm tập hợp người nuôi lại để có được số lượng ba ba giống nhiều cung cấp cho các hợp đồng lớn, tránh tình trạng bán lẻ tẻ bị thương lái ép giá, đồng thời mua thức ăn với giá rẻ, giảm chi phí chăn nuôi, tăng lợi nhuận.
Ông Đinh Chí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, thông tin: “Với những hiệu quả của mô hình nuôi ba ba đem lại, nhất là ba ba giống, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người nuôi về mặt kỹ thuật, đồng thời vận động những hộ có điều kiện nhân rộng mô hình nhằm giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ngoài việc độc canh cây lúa”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ