Thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ ốc hương
Từng là thợ mộc giỏi, lại có xưởng sản xuất đồ gỗ khá có tiếng, nhưng 6 năm gắn bó với nghề, kinh tế gia đình anh Lê Châu cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Năm 2004, nhận thấy vùng biển xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản, anh Lê Châu đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm, ốc hương cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Vụ ốc hương bội thu đầu năm 2021 của anh Lê Châu. Ảnh: Huyền Hương
Dưới cái nắng gắt của buổi chiều hè tháng 6, dẫn chúng tôi thăm quan khu hồ nuôi ốc hương của gia đình, anh Châu cho biết, năm 1998, xưởng mộc là thu nhập chính của gia đình, nhưng khi đó trong vùng cũng có nhiều xưởng mộc như anh nên việc làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn, kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu không có để tích lũy. Năm 2004, nhận thấy vùng đất nơi đây có tiềm năng phát triển nghề NTTS lại được gia đình ủng hộ, anh đã mạnh dạn thuê hơn 1 ha đất ven biển để xây dựng hồ nuôi tôm.
Theo anh Châu, khoảng gần 10 năm về trước nơi đây được coi là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm trong hồ lót bạt trên cát. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác đã khá lên rất nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, chất lượng con giống không được bảo đảm, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi khó kiểm soát, giá cả bấp bênh, vì vậy nhiều hồ nuôi bị bỏ hoang hoặc cho thuê…, sau nhiều năm như vậy thì con tôm không thể “trụ” được với vùng đất này.
Trong lúc loay hoay tìm đối tượng nuôi mới thay thế cho con tôm, đầu năm 2017, anh Châu đọc được thông tin “nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít rủi ro” trên mạng internet, thì quyết định vào vùng nuôi ốc hương của tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Được biết, ốc hương sống ở độ mặn thích hợp từ 30 – 35‰; nhiệt độ từ 26 – 280C; hàm lượng ôxy hòa tan từ 4 – 6 mg/l; pH thích hợp là 6 – 9.
Để có được kỹ thuật nuôi ốc hương, năm 2018, anh Châu làm đơn xin Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộ Đức) đầu tư mô hình nuôi ghép ốc hương với hải sâm trên diện tích 2.500 m2, thả nuôi 2.500 con hải sâm (mật độ 1 con/m2) và 1 kg ốc hương (tương đương với 35 vạn con). Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật cộng với kinh nghiệm học hỏi trong thời gian qua, bước đầu mô hình đã đạt kết quả tốt, từ đó anh tiếp tục cải tạo 5 hồ nuôi cũ (khoảng 1 ha), đồng thời, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị cần thiết, khoan thêm nhiều giếng… Vụ nuôi đó, anh đã thả 1 triệu con ốc hương giống, sau hơn 7 tháng nuôi, anh thu về được gần 15 tấn ốc, với giá bán năm đó 285.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi hơn 2 tỷ đồng.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năm 2020 anh đã đầu tư thêm 4 hồ, nâng tổng số hồ nuôi ốc hương của gia đình lên 10 hồ (gần 2 ha), trong đó 8 hồ đã thả nuôi với 2 triệu con giống. Anh Châu cho biết: “Loài ốc này rất thích môi trường nước mới và sạch sẽ nên phải thay nước hằng ngày, thức ăn của ốc hương chủ yếu là tôm, cá tươi, nhưng phải chú ý tránh không để ốc hương ăn phải thức ăn bị ướp urê, ốc sẽ bật đầu nổi lên mặt nước và chết; chỉ cho ăn vừa đủ không cho ăn quá no, tránh tình trạng thúc, ép ốc ảnh hưởng đến sức khỏe của ốc và dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước ao nuôi. Vì ốc hương rất dễ hao hụt trong thời gian đầu, vậy nên khi thả giống, không nên thả với mật độ quá thưa sẽ ảnh hưởng đến năng suất sau này”.
Chỉ tay ra 2 hồ nuôi đã chuẩn bị nước sẵn sàng, anh Châu chia sẻ, khi ốc được 2 tháng thì tiến hành san thưa và sàng lọc cho đồng đều kích cỡ, đó là kinh nghiệm của anh trong mấy năm qua, cũng chính vì thế mà khi thương lái vào hồ nuôi ốc hương của anh bắt mẫu đều rất thích, ốc có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng… Thành công nối tiếp thành công, vụ ốc năm nay anh Châu lại trúng lớn, vì được mùa lại được giá. Với 8 hồ nuôi, anh thu về hơn 27 tấn và giá bán cao kỷ lục 380.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí anh mang về hơn 7 tỷ đồng tiền lãi.
Vừa làm kinh tế giỏi, anh Lê Châu còn là một tấm gương tiêu biểu và có những đóng góp tích cực cho địa phương. Từ những thành công trong việc chuyển đổi nghề nuôi, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động có thu nhập ổn định, cùng đó, bản thân cũng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm nuôi ốc hương của mình cho những hộ xung quanh.
Sau khi đi tham quan khu hồ nuôi của anh Châu, có thể cảm nhận được có một “kho báu” hàng chục tỷ dưới đáy hồ. Thành công trong nghề nuôi ốc hương, hứa hẹn sẽ giúp khu vực ven biển xã Đức Phong, huyện Mộ Đức khôi phục lại nghề nuôi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ