Tin nông nghiệp Thu nhập ổn định nhờ chuyển từ đất lúa lên làm vườn

Thu nhập ổn định nhờ chuyển từ đất lúa lên làm vườn

Tác giả Khắc Việt, ngày đăng 16/09/2019

Thu nhập ổn định nhờ chuyển từ đất lúa lên làm vườn

Hàng trăm gốc cam xoàn đang trĩu quả to tròn, tàng lá phủ rợp cả khu vườn của anh Nguyễn Văn Năng, khu vực Quy Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt là thành quả sau 6  năm chuyển từ đất lúa lên làm vườn. Với 1ha trồng cam xoàn, anh Năng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Gần 1 tháng nữa, anh Năng thu hoạch khoảng hơn 10 tấn cam và gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Hiện nay, vườn cam xoàn có diện tích 1ha của anh Năng được trồng thẳng tắp, trĩu quả, tàng lá xum xuê. Anh Năng phấn khởi khoe: "Vườn cam mới 6 năm tuổi. Năm 2018, vườn cam cho hơn 10 tấn trái, bán với giá 22.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, gia đình tôi còn lời gần 150 triệu đồng. Nhờ cây cam xoàn, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện".

Năm 2013, anh Năng tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở Đồng Tháp và nhận thấy vườn cam xoàn của nhiều nông dân nơi đây phát triển xanh tốt, trái xum xuê. Qua trao đổi kinh nghiệm, anh nhận thấy cam xoàn là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế khá cao nên anh đặt mua cây giống về trồng. Anh đã cải tạo 1ha đất ruộng lên vườn để trồng cam. Qua hơn 1 năm chăm sóc, vườn cam xoàn phát triển xanh tốt.

Để vườn cam đạt hiệu quả, anh Năng mày mò học hỏi kỹ thuật, rồi tham gia các lớp tập huấn về phòng, trị bệnh trên cây cam... Nhờ kiên trì học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, anh đã thành công trong việc điều trị, khống chế các loại dịch bệnh trên cây cam xoàn. Sau 3 năm, vườn cam nhà anh luôn tươi tốt, trái nhiều, cho thu nhập cao.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam xoàn, anh Năng hào hứng giới thiệu: "Cam xoàn có thể cho trái 2 vụ/năm. Hiện tại, vườn cam nhà tôi gần 1 tháng nữa sẽ thu hoạch hơn 10 tấn cam. Nếu giá ở mức 20.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng". Theo anh Năng, ưu điểm của cam xoàn là vỏ mỏng, trái tròn, ít hột, thơm ngon và có vị ngọt thanh so với các loại cam khác nên thị trường rất ổn định.

Nhắc đến kỹ thuật trồng giống cam xoàn, anh Năng chia sẻ: "Phải lựa chọn nguồn giống sạch bệnh và chất lượng, sử dụng kết hợp giữa phân hữu cơ và phân hóa học, bờ phải cao và thông thoáng hạn chế ngập úng; để cam cho nhiều trái, phải khắc gốc trước khi ra hoa".

Theo anh Năng, cam xoàn ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu trái rất cao. Để cam có trái to, bán được giá cao, anh bón phân, phun thuốc từ lúc cây mới ra hoa, tỉa những cành kém hiệu quả để cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ cần mẫn chăm sóc, vườn cam của anh lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Anh Năng, chia sẻ: "Giống cam này rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và khả năng kháng bệnh vàng lá gân xanh cao so với các loại cam khác. Nhờ đó, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao…". Anh Năng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn cam của gia đình. Với kinh nghiệm của bản thân anh Năng làm đúng theo các quy trình nên vườn cam cho trái sớm vụ, bán được giá cao.

Trước đây, gia đình anh Năng làm ruộng. Thu nhập không cao, gia đình anh chuyển sang cho thuê đất nhưng cũng chẳng dư dả. Vì vậy, anh Năng quyết định đầu tư làm vườn. Cũng nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng, cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá. Hiện tại, ngoài 1ha cam xoàn đang cho thu hoạch, anh Năng tiếp tục chuyển đổi 1ha đất ruộng lên vườn để trồng thanh nhãn Bạc Liêu. Đến nay, vườn nhãn của anh Năng được trồng gần 8 tháng và phát triển xanh tốt...


Trồng hành tím trong nhà lưới, hướng đi bền vững Trồng hành tím trong nhà lưới, hướng đi… Chanh không hạt được giá cao Chanh không hạt được giá cao