Tin nông nghiệp Thu nhập ổn định nhờ nuôi heo rừng

Thu nhập ổn định nhờ nuôi heo rừng

Tác giả Duy Tân, ngày đăng 21/03/2018

Thu nhập ổn định nhờ nuôi heo rừng

Nắm bắt xu hướng tiêu thụ thực phẩm sạch, ông Nguyễn Văn Rô (58 tuổi, ngụ P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đã đầu tư nuôi đàn heo rừng hơn 50 con, mỗi năm thu lời trên 100 triệu đồng.

Đàn heo rừng của ông Rô phát triển khỏe mạnh trong môi trường bán hoang dã. Ảnh: Duy Tân

Nuôi theo mô hình bán hoang dã

Ông Rô kể năm 2007, ông được đi tham quan một trang trại nuôi heo rừng quy mô lớn trên địa bàn. Sau khi tìm hiểu, thấy mô hình này dễ thực hiện, cho thu nhập khá, ông quyết định tận dụng 200 m2 vườn tạp sau nhà, mua 5 con heo rừng giống về nuôi thử. Sau một tháng, đàn heo lớn nhanh, không bị bệnh, ít tốn chi phí thức ăn, công chăm sóc nên ông mua thêm 30 con heo giống để tăng đàn. “Do là loài hoang dã nên đa phần heo rừng tự phối giống, sinh sản. So với các loại vật nuôi khác, nuôi heo rừng khỏe hơn rất nhiều”, ông Rô nói.

Để tích lũy kinh nghiệm, ông Rô chịu khó học hỏi cách nuôi heo rừng từ những người đi trước, tham khảo thêm thông tin trên sách, báo. Nhờ đó, ngay từ lứa đầu tiên, đàn heo phát triển tốt, heo mẹ đẻ sai, con giống khỏe mạnh. Ông xuất bán lứa heo này, chỉ giữ lại 1 con heo nọc và 8 con heo nái làm giống. Hiện trang trại của ông luôn duy trì đàn heo trên 50 con để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Rô cho biết muốn nuôi heo rừng thành công phải hiểu được tập tính ăn ở, sinh sản của chúng. Chuồng heo rừng được chia làm 2 khu: khu nền đất có rào lưới B40 dành cho heo thịt; còn heo đẻ sẽ có khu chuồng riêng, tránh tình trạng heo con bị cắn chết. Heo rừng nên nuôi theo dạng bán hoang dã, khu chuồng nhất định phải có bãi sình, bùn để heo tắm; nền đắp đất sét cho heo đào xới. Chuồng heo gần với môi trường tự nhiên, không gian rộng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại dễ dàng. Đặc biệt phải cách xa khu dân cư, đường sá vì heo rừng rất sợ tiếng ồn.

Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên

Heo rừng dễ nuôi, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên như chuối cây, lục bình, cỏ, rau muống trộn với cơm cặn… nên rất tiết kiệm chi phí. Không lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng vì sẽ làm ảnh hưởng chất lượng thịt. Heo rừng có sức đề kháng cao, rất ít khi bị bệnh. Khi heo rừng mắc bệnh tiêu chảy, chỉ cần mở cửa chuồng cho heo đi tìm các loại cỏ cây ăn để tự chữa trị.

Heo rừng nuôi từ 6 - 7 tháng đạt trọng lượng khoảng 10 - 20 kg là có thể xuất bán. Heo rừng mắn đẻ, mỗi năm đẻ 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 6 - 7 con, cá biệt có lứa 9 - 10 con. Heo con từ 1,5 - 2 tháng tuổi đã cứng cáp, biết ăn thì bắt đầu cai sữa, tách bầy làm giống. Sau 20 ngày, heo mẹ lại tiếp tục lên giống.

Trước đây với ông Rô, nuôi heo rừng chỉ là nghề phụ, tranh thủ những lúc nông nhàn, nhưng hiện nay đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Hiện heo hơi và heo giống được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng. “Thời điểm này, người tiêu dùng đang hướng tới lựa chọn các loại thực phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ heo rừng rất lớn. Nông dân có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên để nuôi heo rừng, từ đó thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác”, ông Rô nói


Kỹ thuật trồng hoa hồng tú cầu để bàn làm việc đẹp ấn tượng Kỹ thuật trồng hoa hồng tú cầu để… Vài kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây nhót ra nhiều trái vô cùng đơn giản Vài kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây nhót…