Mô hình kinh tế Thủ Phủ Dê Núi

Thủ Phủ Dê Núi

Ngày đăng 25/02/2015

Thủ Phủ Dê Núi

Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.

Dê… thương hiệu

Từ trung tâm TP Hà Tĩnh vượt ngàn hơn 55km mới đến “thủ phủ” nuôi dê núi ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Bà Lê Thị Huệ (53 tuổi, ở thôn Trung Tiến) cho biết, gia đình đang nuôi 15 con dê (1 đực, 14 cái), cho thu nhập hàng năm 35-40 triệu đồng. Nuôi dê núi dễ hơn nuôi heo, trâu, bò, nhưng phải kiên trì. Ai có tính tình nóng nảy thì không nuôi được.

Nó đau bụng mình không biết cách chữa là chết hết cả đàn. Ban đầu mỗi gia đình mua một vài con dê cái, sau đó mượn “dê cụ” (dê đực giống) về giao phối, rồi mỗi năm dê cái sinh nở hai lần, mỗi lần sinh từ 2 đến 3 con, cứ thế theo từng năm phát triển thành đàn dê lớn. Ngày trước nuôi dê núi ở Sơn Tiến chủ yếu là chăn thả trên các khe Cò, khe Hổ Giong, Hổ Bằng, Hổ Đá Tròng, Hổ Vàng Tim, rú Vạc, núi Thiên Nhẫn, núi Ao Tròn, núi Bát... nhưng nay cách nuôi cũng đa dạng hơn.

Hộ nào có đàn dê đông đúc thì sáng lùa dê lên núi, tối lùa về, còn phần lớn nuôi nhốt hoặc chăn dắt, thả ngoài cánh đồng cao. Rồi trồng các loại cây ăn lá như mít, giới, chuối, ngô, rau ngót, chè, xoan, bưởi, chanh, lòng đỏ, thầu đâu, táo, cỏ VO6 (cỏ Mỹ)… và nhiều cây có mủ khác để đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ cho dê.

Dê núi là động vật đoàn kết và sinh hoạt ăn, ngủ theo đàn. Dê rất sợ mưa, cứ trời sắp nổi dông, nếu ăn ở gần, dê sẽ chạy về nhà, dê thả núi thì chui vào hang động trú ẩn. Dê không sợ rắn và chẳng lúc nào lạc đàn. Nhưng dê lại sợ... sên vắt. Chỉ cần một con sên bám vào đốt là dê lăn đùng ra chết, chủ không kịp trở tay. Để nuôi dê có sức khỏe và sinh sản tốt phải biết ba điều kiêng: kiêng tắm, kiêng thức ăn ngấm nước mưa, kiêng chăn thả dê ở những vùng núi rừng có sên vắt…

Mặt hàng dê núi Sơn Tiến hiện nay đang “lên ngôi”, nuôi ít tốn kém, bán được giá cao, dê cái chỉ nuôi khoảng 3,5 đến 4 tháng là có thể bán cho chủ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh Nghệ An, Hà Nội… về tận nơi mua. Dê núi Sơn Tiến chỉ thích ăn lá cây, không ăn tinh bột nên người dân ở đây không ai mua cám hoặc bất kỳ chất tăng trọng nào về cho dê ăn. Chính vì vậy từ bao đời nay, thương hiệu dê núi Sơn Tiến không thể nhầm lẫn với bất cứ thứ thịt dê nào khác trong cả nước.

Dê giúp dân thoát nghèo

Nói đến người nuôi dê núi “mát tay” nhất ở xã Sơn Tiến, trước đây phải kể đến gia đình đình ông Nguyễn Ky (ở xóm Thịnh Hòa). Đều đặn hàng năm đàn dê núi của ông Ky luôn có từ 25-30 con, lúc cao điểm 40-45 con. Dê núi chuyên chăn thả trên núi, trong hang động, lúc nào có khách tới nhà hỏi mua, ông Ky mới đi lùa về bán.

Ông Ky được người dân trong và ngoài xã nể phục vì luôn biết chia sẻ và cảm thông với những người có hoàn cảnh nghèo khó, khi gia đình nào trong ngoài xã muốn nuôi dê, ông sẵn sàng cho họ tới dắt dê về nuôi, khi nào có tiền thì trả sau. Nhờ ông Ky nên mô hình gia đình nuôi dê núi nhân rộng ra cả làng, cả xã. dê giống của ông Ky cứ thế sinh tồn và phát triển mãi tới bây giờ.

Ông Nguyễn Khắc Việt, Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến, phấn khởi: “Không biết nghề nuôi dê núi ở nơi đây hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng các thế hệ người dân Sơn Tiến khi lớn lên đều kế tục truyền thống nuôi dê núi và đến nay hầu như nhà nào cũng nuôi dê, nhà ít nuôi 2 đến 4 con, nhà nhiều 10 đến hơn 20 con.

Hiện tổng đàn dê trên 1.800 con, trong đó chủ yếu là dê cái nuôi lấy thịt bán. Tiền bán dê, mỗi hộ ít cũng thu về trên dưới 10 triệu đồng, nhiều khoảng 50-60 triệu đồng/năm, đó là chưa kể khoản tiền phối giống 50.000-100.000 đồng/lần từ “dê cụ”. Tuy xã chưa giàu, nhưng nhờ nghề phụ nuôi dê nên người dân đã có thêm của ăn, của để dành, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, đời sống mọi mặt đang đi lên rõ rệt”.

Năm 2012, xã Sơn Tiến và xã Sơn Thủy đã được Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng mô hình “Chăn nuôi dê Bách Thảo sinh sản” (giống dê được hình thành từ việc tạp giao giữa dê cỏ và các giống dê nhập ngoại) với số lượng 78 con cái và 2 con đực, có 15 hộ/xã tham gia. Theo đánh giá, đến nay đàn dê đang thích nghi dần với điều kiện thời tiết của địa phương, bình quân tăng trọng khoảng 2,5 - 3kg/con/tháng…

Theo UBND xã Sơn Tiến, nuôi dê núi cùng với nuôi hươu, trâu bò, gia cầm…đang từng bước giúp Sơn Tiến phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân nâng lên rõ nét, góp phần nâng cao mức thu ngân sách của xã năm 2014 lên gần 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 13,5 - 17,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,25%, hộ cận nghèo 14%...

Khách thập phương mỗi khi có dịp lên huyện miền núi Hương Sơn đều “đòi” thưởng thức cho bằng được món thịt dê núi. Chính sở thích này đã góp phần khuyến khích phong trào nuôi dê phát triển mạnh và trở thành thương hiệu hiếm có ở vùng Bắc miền Trung.


Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi Ngân Hàng Dê Ngân Hàng Dê