Thu tiền tỷ từ nghề chế biến bong bóng cá tra xuất khẩu
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đang ăn nên làm ra nhờ chế biến mặt hàng từ phế phẩm bong bóng cá tra. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán lượng hàng bong bóng cá phơi khô xuất khẩu càng gia tăng.
Ông Trần Văn Ngây giới thiệu quy trình chế biến bong bóng cá tra
Ông Trần Văn Ngây, 48 tuổi, chủ cơ sở Ngây ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã sản xuất mặt hàng bong bóng cá phơi khô mang lại hiệu quả vô cùng phấn khởi. Từ những phụ phẩm không có gì đáng giá nhưng với bàn tay khéo léo, cần cù và tinh thần sáng tạo của người chế biến, cơ sở Ngây đã tạo ra một loài thực phẩm cao cấp “bong bóng cá” có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Ngây cho biết, cơ sở ông bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Gần 10 năm gắn bó với nghề, ông đã tích lũy nhiều vốn liếng và kinh nghiệm. Nhờ vậy mà cơ sở ngày một phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị và chủ động tìm đối tác ký hợp đồng thu mua phế phẩm và hợp đồng tiêu thụ. Nhờ năng động và nắm bắt nhu cầu của thị trường nên chất lượng sản phẩm của ông làm ra ngày càng nâng cao được nhiều khách hàng tin cậy.
Hiện nay, bình quân mỗi tuần cơ sở ông thu mua 2,5 tấn bong bóng cá tươi với giá 38.000 đ/kg từ các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh trong và ngoài tỉnh. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, bình quân cứ 5kg bong bóng cá tươi sẽ cho ra 1kg bong bóng khô. Giá bán hiện nay là 210.000 đ/kg bong bóng thành phẩm.
Ông Ngây cho biết, quá trình chế biến bong bóng cá rất công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải nắm vững kỹ thuật, từ khâu lột bỏ mỡ, rửa sạch, lộn ngược bong bóng cho đến công đoạn ướp muối sao cho thật sạch và trắng trong. Công đoạn quan trọng nhất là nong bong bóng cá vào ống cao su và phơi khô. Nếu gặp những hôm trời mưa phải xử lý bằng lò sấy.
Sau khi phơi khô, sản phẩm được bảo quan trong một môi trường nhiệt độ thích hợp. Ông Ngây cho biết bong bóng cá sau khi thành phẩm được chuyển lên TP Hồ Chí Minh để xuất qua Thái Lan và Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Ngoài lợi nhuận gia đình, cơ sở chế biến bong bóng cá còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương (lúc cao điểm lên đến 30 người). Hầu hết người làm công đều được tính thù lao theo sản phẩm với giá 6.000 đ/kg bong bóng tươi. Một người làm giỏi mỗi ngày có thể hơn 20kg. Ngoài ra ông còn đóng góp cho địa phương xây cất nhà tình thương và các hoạt động xã hội khác.
Bong bóng cá thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu
Về hiệu quả, ông Ngây cho biết, trước đây hai năm lợi nhuận rất cao. Nay đã giảm dần vì giá nguyên liệu tăng gấp rưỡi, giá điện nước cũng tăng, trong khi giá bán ra vẫn như cũ. Do vậy mà trong năm 2017 doanh thu chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng, trừ hết các chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng.
Từ kết quả đó, ông đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh An Giang “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh An Giang “Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua SXKD giỏi”.
Ông Ngây chia sẻ, tuy làm ăn có hiệu quả nhưng muốn sản xuất được bền vững, các chủ cơ sở phải thường xuyên ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thủy sản để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, cơ sở còn phải quan tâm đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, khách hàng mới tin tưởng và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ