Mô hình kinh tế Thua Lỗ Kéo Dài, Người Chăn Nuôi Cần Trợ Giúp

Thua Lỗ Kéo Dài, Người Chăn Nuôi Cần Trợ Giúp

Ngày đăng 13/05/2013

Thua Lỗ Kéo Dài, Người Chăn Nuôi Cần Trợ Giúp

Những tháng đầu năm nay, người chăn nuôi một lần nữa lại lao đao vì giá thịt lợn, thịt gia cầm giảm mạnh, sản phẩm bán ra không đủ bù chi. Trên cả nước, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục "treo" chuồng hoặc giảm đàn. Nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm 2013 và đầu năm 2014 hiện hữu rõ nếu không kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực nhằm vực dậy ngành chăn nuôi.

Giá thịt giảm, người chăn nuôi lỗ nặng

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, thời gian gần đây, giá bán các loại thịt lợn, thịt gia cầm đều đồng loạt giảm mạnh dưới mức giá thành, làm cho người chăn nuôi thua lỗ. Nhiều nhất là các tỉnh phía nam, hiện thịt lợn siêu nạc xuất bán tại trại chỉ từ 34 đến 36 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất 40 đến 46 nghìn đồng/kg (tùy theo công nghệ chăn nuôi); trung bình mỗi kg lỗ sáu nghìn đồng.

Gà công nghiệp giá khoảng 18 đến 20 nghìn đồng/kg; trong khi giá thành 32 nghìn đồng, như vậy mỗi kg lỗ trung bình 11 đến 12 nghìn đồng. Ở các tỉnh phía bắc, giá có cao hơn nhưng loại lợn siêu nạc cũng chỉ bán được từ 40 đến 41 nghìn đồng/kg, còn một kg gà công nghiệp có giá 26 nghìn đồng, tức lỗ khoảng sáu nghìn đồng. Ngay cả gà đồi Yên Thế hiện chỉ bán với giá 52 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 58 nghìn đồng.

Với giá bán nói trên, PGS, TS Nguyễn Ðăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tính toán: Riêng trong tháng 4, trung bình cả nước lỗ khoảng 2.150 tỷ đồng; trong đó chăn nuôi lợn lỗ 1.700 tỷ, chăn nuôi gia cầm lỗ khoảng 450 tỷ đồng. Phân tích về thực trạng này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, từ năm 2012 đến đầu năm 2013, ngành chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhất là chăn nuôi lợn, do giá quá thấp. Mặc dù theo thống kê quý I, tổng đàn và sản lượng thịt lợn, gia cầm giảm 2 đến 3% so với cùng kỳ năm trước. Song, các sản phẩm chăn nuôi vẫn dư thừa, không tiêu thụ được do sức mua thấp, dẫn đến cung vượt cầu.

Thêm vào đó, người chăn nuôi luôn phải đối mặt nguy cơ dịch bệnh, chi phí đầu vào đứng ở mức cao, cùng với tình trạng "khát" vốn đầu tư sản xuất làm người chăn nuôi điêu đứng. Khảo sát một số trang trại ở các tỉnh phía bắc, mới thấy hết nỗi lo lắng của người dân khi giá bán liên tục giảm. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Thủy, chủ một trang trại chăn nuôi lớn (600 con lợn nái siêu nạc, với tổng đàn 5.000 con lợn) ở khu Ðồng Chan (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) buồn rầu kể: "Với 500 đến 600 con lợn thịt xuất chuồng, chỉ tính riêng tiền cám, thuốc thú y, chưa kể tiền nhân công, tiền điện, trong tháng vừa rồi tôi đã bị lỗ 150 triệu đồng. Suốt 7 đến 8 tháng qua, tháng nào cũng cố xoay xở vài trăm triệu đồng bù thêm để duy trì đàn lợn và trả lãi ngân hàng". Ðến nay, gia đình chị đã vay ngân hàng hơn bốn tỷ đồng cộng với tổng số vốn gần 40 tỷ đồng đầu tư vào trang trại, cho nên mặc dù thị trường chưa được cải thiện nhưng chị vẫn cố cầm cự và mong được tiếp tục vay vốn tín dụng trung và dài hạn để duy trì sản xuất.

Giá lợn thương phẩm rớt kéo theo giá con giống cũng giảm mạnh, làm nhiều cơ sở sản xuất con giống gặp khó khăn. Tại Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), Phó Giám đốc Lê Thế Tuấn cho biết, hiện sức mua lợn giống giảm 70% so với năm ngoái. Ở thời điểm này, trung tâm vẫn còn hơn 10 nghìn con (cả lợn nái giống lẫn lợn con giống và lợn thịt) chưa bán được.

Cấp thiết giải "cơn khát" vốn

Nhận định về nguy cơ thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Nguyễn Ðăng Vang cho rằng, vấn đề đáng báo động hiện nay là đàn lợn nái đang giảm nghiêm trọng. Tại một số tỉnh chăn nuôi trọng điểm ở khu vực Ðông Nam Bộ như Ðồng Nai, Bình Dương..., đàn lợn nái giảm đáng kể và phần lớn các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng ở khu vực này đều "treo" chuồng. "Ðiều đó có nghĩa, tính theo chu kỳ nuôi thì sau sáu đến bảy tháng nữa, nguy cơ thiếu thịt lợn sẽ xảy ra, và đỉnh điểm của sự thiếu nguồn cung thực phẩm sẽ là 15 tháng tới .

Vì vậy, chúng ta cần thực hiện ngay các giải pháp điều tiết sản xuất và thị trường từ bây giờ"- PGS, TS Nguyễn Ðăng Vang cảnh báo. Ðể khắc phục, các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương cần thống kê ngay từng tháng mức tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của các nhà máy, xem sản lượng thức ăn sụt giảm nhiều nhất ở giai đoạn chăn nuôi nào; đồng thời ba tháng một lần, cần thống kê tổng đàn lợn nái và đàn gia cầm. Từ đó mới có thể dự báo nhu cầu cũng như cảnh báo việc thiếu hoặc thừa để thông báo giá cả chính xác cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Tiếp đến, Nhà nước cần dành một khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người chăn nuôi. Ðây là giải pháp hết sức cấp thiết, vì trên thực tế, mặc dù thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1149/TTg-KTN, ngày 8-8-2012), Ngân hàng Nhà nước đã giao năm ngân hàng thương mại thực hiện việc giãn nợ nhiều nhất 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi...

Tuy nhiên thời gian qua, hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi chưa được hưởng quyền lợi theo đúng tinh thần của văn bản này. Khó tiếp cận hoặc phải vay với lãi suất cao, chủ yếu để trả lãi và đáo hạn những khoản vay trước đó khiến người chăn nuôi luôn trong tình trạng "khát" vốn. Có cùng quan điểm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương kiến nghị tiếp tục triển khai chính sách về tín dụng hỗ trợ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhưng cho phép được kéo dài thêm hai năm nữa và điều chỉnh mức lãi suất xuống (có thể chỉ là 7 đến 8%).

Như vậy, mới có thể giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, duy trì quy mô đàn tối thiểu và hy vọng khi có thị trường sẽ có đủ cơ số thực phẩm tung ra, thu hồi vốn, bù lại lỗ trong thời gian qua. Ông cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần duy trì quy mô sản xuất nhất định, chứ không nên bỏ cuộc trong thời điểm này. Ðồng thời cần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm và các loại thực phẩm giá rẻ qua các tỉnh biên giới phía bắc. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương nghiên cứu, có những giải pháp kịp thời khai thông thị trường, kích cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước, đồng thời giảm chi phí qua các khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ để bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi và người tiêu dùng không bị thiệt vì giá cao.

Ðối với người chăn nuôi, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, cần tìm mọi cách giảm mức thấp nhất chi phí đầu vào để hạ giá thành. Thí dụ, sử dụng tiết kiệm hoặc tự phối trộn thức ăn; thay vì sử dụng thức ăn hỗn hợp, người chăn nuôi nên chuyển sang hình thức pha trộn hoặc mua thức ăn công nghiệp đậm đặc về pha trộn với nguyên liệu giá rẻ như thóc, gạo. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai ngay việc tái cơ cấu, tổ chức ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm làm sao để người chăn nuôi tiếp cận được gần nhất với người tiêu dùng.

Như vậy chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ phải vào hợp tác xã, liên kết lại sẽ mua được thức ăn rẻ, bớt đi những đầu mối thu mua nhỏ lẻ và tránh bị tư thương ép giá. Nhà nước cần tăng cường công tác dự tính, dự báo về cung cầu thực phẩm trong và ngoài nước, để người chăn nuôi có định hướng rõ trong đầu tư, xác định quy mô chăn nuôi và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra. Từ đó, gắn kết được các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi chăn nuôi bền vững, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và ổn định thị trường.


Hiệu Quả Của Công Nghệ Sinh Thái Và Bảo Tồn Ong Mật Hiệu Quả Của Công Nghệ Sinh Thái Và… Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Gia Cầm Theo Hướng An Toàn Sinh Học Ở Bắc Ninh Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Gia Cầm Theo Hướng…