Thua Lỗ Vì Tôm Thẻ Chân Trắng
Năm nay, sau 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thua lỗ, nhiều nông dân ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thả nuôi tiếp vụ thứ 3 với hy vọng gỡ vốn, nhưng tôm lại tiếp tục chết…
Tôm chết triền miên
Những ngày này, về vùng đìa các thôn: Phú Hữu, Tân Đảo, Ngọc Diêm (xã Ninh Ích), đến đâu, chúng tôi cũng nghe nông dân thở dài khi nói đến con tôm.
Đã mấy năm nay, ông Nguyễn Hùng cùng người nhà từ Thừa Thiên Huế vào thôn Tân Đảo thuê 1ha đìa để thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua 2 vụ nuôi từ đầu năm đến nay, ông không hiểu vì sao tôm cứ thả được khoảng 20 - 30 ngày là bắt đầu bỏ ăn, lờ đờ và chết dần.
Ông Hùng buồn rầu: “2 vụ, gia đình tôi thả nuôi tổng cộng 100 vạn con giống. Tôm cứ thả được 25 - 35 ngày là bắt đầu bỏ ăn, dạt vào quanh đìa. Tôi kiểm tra thấy tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân và chết rất nhanh, chỉ 2 - 3 ngày mà chết trắng cả đìa. Tính ra, 2 vụ này, gia đình tôi thua lỗ hơn 70 triệu đồng, chủ yếu là tiền giống, thức ăn, công cải tạo đìa”.
Các hộ nuôi tôm tại vùng đìa thôn Phú Hữu cũng rơi vào tình cảnh tương tự ông Hùng. Tôm thẻ chân trắng được người dân thả nuôi 2 vụ này đều bị chết đến 80 - 90%; những hộ thả nuôi đến lần thứ 3, tôm cũng bị chết yểu.
Ông Trần Văn Tý - hộ nuôi tôm chia sẻ: “Đầu tháng 7, gia đình tôi đã thả nuôi tôm vụ 2 với 120 vạn con giống. Tôm nuôi được 30 ngày thì bắt đầu chết, 3 - 4 ngày sau thì chết sạch. Tính ra, tôi lỗ đến 80 triệu đồng. Trước đó, vụ 1, do thời tiết thất thường và dịch bệnh nên gần 100 triệu đồng của gia đình tôi cũng “bốc hơi” theo tôm”.
Được biết, mới đây, ông Tý đã vay hơn 30 triệu đồng để thả nuôi tiếp hơn 50 vạn con tôm giống với mong muốn gỡ lại 2 vụ nuôi thua lỗ. Điều khiến ông Tý lo lắng là không biết tôm vụ 3 sẽ như thế nào. Chính vì vậy, gia đình ông không dám đầu tư nhiều vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Ninh Ích, trung bình 1 vụ, nông dân trên địa bàn xã đã thả nuôi hơn 150ha tôm thẻ chân trắng. Riêng vụ 1 năm nay, diện tích bị thiệt hại lên đến 80%, tỷ lệ tôm chết gần 90%. Vụ 2, nông dân thả tôm từ đầu tháng 7 đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại cũng rất lớn.
Ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, người nuôi tôm ở xã Ninh Ích đứng ngồi không yên vì tôm chết liên tục. Tính ra 6 vụ nuôi, may mắn lắm mới có lãi được 2 vụ, còn 4 vụ bị thua lỗ.
Năm nay, trong số hơn 40 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương, chỉ vài hộ nuôi có lãi; số còn lại đều bị thiệt hại nặng do tôm nuôi chậm lớn, bị chết sớm nên bán chẳng được bao nhiêu tiền. Hiện nay, người nuôi đang mua giống để thả tiếp vụ 3 với hy vọng gỡ lại ít vốn nhưng chưa biết sẽ thế nào...”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do thời gian nuôi ngắn nên tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi được nhiều người dân ở xã Ninh Ích lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình vẫn nuôi một cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm chứ không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và các nhà khoa học. Bên cạnh môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm thì ý thức giữ gìn môi trường chung của người dân còn thấp.
Quan sát tại các con mương dẫn nước vào ra đìa tôm, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, khi hộ này thải nước ra thì hộ khác lại lấy nước vào. Vì vậy, nếu bệnh xảy ra sẽ rất dễ bùng phát, lây lan nhanh.
Chất lượng con giống cũng là điều đáng nói. Ông Trần Văn Tý cho biết: “Sau nhiều vụ thua lỗ, người nuôi không còn tiền để đầu tư. Vì vậy, chúng tôi thường mua con giống giá rẻ hơn so với giống của các công ty chuyên cung cấp tôm giống có uy tín”.
Tôm giống của các công ty đã qua kiểm dịch gắt gao nên sạch bệnh, thả nuôi sẽ yên tâm hơn, tuy nhiên giá con giống cao đến hơn 1 triệu đồng/1 vạn con giống. Còn với tôm giống giá chỉ 300.000 đồng/1 vạn con mà các hộ nêu trên đã mua để nuôi thì chắc chắn là giống trôi nổi, không được kiểm dịch nên chất lượng không đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Đây có thể là nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt, làm người nuôi thua lỗ nặng trong thời gian qua. Bởi chúng tôi được biết, một số hộ mua giống từ các công ty có uy tín để nuôi đều có lãi.
Theo ông Phạm Thúc, diễn biến thời tiết thất thường thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị giảm sức đề kháng. Bên cạnh đó, người nuôi vẫn chưa tuân thủ đúng các quy trình, lịch thời vụ mà ngành chức năng đã khuyến cáo.
Khi đìa có tôm bị chết, người nuôi không xử lý mà lại xả ra môi trường nên dịch bệnh lây lan, thậm chí có đìa khi tôm nuôi bị chết lại không xử lý mà tiếp tục mua tôm giống về thả tiếp. “Chúng tôi đang khuyến cáo người dân nên tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật nuôi tôm đã được hướng dẫn, tuân thủ việc xử lý đìa khi có tôm bị dịch bệnh”, ông Thúc nói.
Thông tin từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, mùa nắng nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh, vi khuẩn trên tôm nuôi phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Do đó, việc chuẩn bị ao đìa nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy.
Để hạn chế những bệnh virus nguy hiểm trên tôm (đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử cơ và cơ quan tạo máu, đục cơ), người nuôi cần thực hiện xét nghiệm giống và kiểm dịch trước khi thả; cần duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m, tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc mưa lớn nhằm giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi; mật độ nuôi vừa phải, không nên nuôi dày để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ