Thừa Thiên Huế cấp chứng chỉ cho rừng trồng
Ông Hồ Đa Thê, Trưởng thôn Bến Ván, kiêm nhóm trưởng nhóm CCR Bến Ván (xã Lộc Bổn, Phú Lộc) và nhiều hộ tham gia nhóm rất phấn khởi kể ra một vài hiệu quả ban đầu khi rừng trồng của họ được cấp CCR. Lật cuốn sổ ghi chép, ông Thê so sánh cặn kẽ giá lô gỗ có CCR đầu tiên được khai thác.
Chỉ 2,94 ha rừng trồng của một số hộ tham gia nhóm CCR Bến Ván, nhưng số tiền bán được từ gỗ lấy ván là 1,067 tỷ đồng và gỗ dăm là 66 triệu đồng. So với gỗ thông thường bán ra bên ngoài, lãi ròng chênh lệch cao hơn 87 triệu đồng/ha. “Đấy chính là hiệu quả kinh tế minh chứng trước mắt”, ông Thê nói.
Phần lớn rừng trồng trên địa bàn tỉnh có chu kỳ khoảng 5 năm là đưa vào khai thác. Ở độ tuổi này cho năng suất từ 80 đến 90 tấn/ha. Tuy nhiên, một số lô rừng tham gia CCR ở xã Lộc Bổn có chu kỳ trồng 7 năm trở lên cho khối lượng khá cao. Đơn cử hộ ông Hồ Đắc Lực thu được 204,6 tấn/ha rừng trồng 8 năm tuổi.
Hộ ông Nguyễn Văn Đổng thu được 366 tấn/1,26 ha (tương đương 290 tấn/ha) rừng 8 năm tuổi. Qua trò chuyện, ông Hoàng Xuân Thành, thôn 4-KĐC Bến Ván cho biết, gia đình ông vừa khai thác 0,5 ha rừng có FSC (Hội đồng Quản trị rừng thế giới) 7 năm tuổi và bán với giá 140 triệu đồng, cao hơn vài chục triệu đồng so với giá gỗ rừng trồng tự do.
Theo ông Thành, nhiều hộ tuy diện tích chỉ 0,5 hoặc 1ha, nhưng nhờ chăm sóc kỹ, thực hiện chế độ tỉa thưa đúng kỹ thuật, nên trữ lượng gỗ cũng như lợi nhuận tăng cao. Gỗ có CCR nếu đường kính từ 10 - 15cm có giá 1,35 triệu đồng/tấn, đường kính trên 15cm có giá 1,75 triệu đồng/tấn và trên 25cm có giá hơn 2,3 triệu đồng/tấn.
Khảo sát thực tế quá trình tham gia CCR, ông Phạm Đình Văn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản, kiêm Phó Ban Quản lý Dự án WB3 tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh những điều kiện cấp CCR rất khắt khe và được giám sát nghiêm ngặt trong thời hạn tham gia CCR, nhưng lợi ích đem lại cho các hộ trồng rừng theo FSC và đơn vị thu mua gỗ có CCR lại rất lớn. Đó là hiệu quả kinh tế cao hơn, gỗ và các sản phẩm gỗ mộc được sản xuất từ gỗ rừng trồng có CCR được bán công khai trên thị trường các nước trên thế giới. Kèm theo đó là những lợi ích về mặt xã hội, về môi trường.
Hướng đến kinh doanh rừng bền vững
Thừa Thiên Huế có khoảng 94 nghìn ha rừng trồng. Nhiều diện tích trong số này đã được khai thác. Hiện, diện tích rừng trồng vẫn tiếp tục tăng bình quân mỗi năm khoảng 4.000ha, với sản lượng gỗ khai thác từ nguồn này bình quân gần 200 nghìn m3/năm, phục vụ đắc lực cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Song thực tế, gần như đến 90% gỗ này là gỗ nhỏ và được đưa vào sản xuất gỗ dăm, phần ít ỏi còn lại mới được đưa vào chế biến đồ mộc.
Đến nay, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đã được áp dụng. Điều này chắc chắn sẽ khiến nguồn nguyên liệu phục vụ hàng mộc gia dụng từ gỗ rừng tự nhiên sẽ khan hiếm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ cũng như xuất khẩu.
Nắm bắt xu hướng này, cũng như thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia về quản lý và phát triển rừng bền vững, theo ông Phạm Đình Văn, Dự án WB3 đang tiến đến mục tiêu cấp CCR cho từ 30% đến 40% trong tổng diện tích 13.689ha rừng trồng tham gia dự án.
Chỉ riêng việc đầu tư trồng rừng chất lượng, lấy gỗ lớn không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị rừng trồng mà còn là tiềm năng rất lớn phục vụ nhu cầu công nghiệp chế biến đồ gỗ, đáp ứng tiêu chí về môi trường bền vững.
Ông Lâm Quốc Dũng, cán bộ khuyến lâm Ban quản lý Dự án WB3 Thừa Thiên Huế cho rằng, từ khi xét cấp cho đến khai thác, rừng trồng theo FSC phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về xã hội và môi trường. Trong đó phải cam kết thực hiện quản lý rừng trồng theo FSC gồm 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải hoạt động theo quy chế của nhóm hộ...
Chính vì phải tuân thủ các quy định của FSC nên nhiều hộ trồng rừng còn quan ngại và chưa mặn mà tham gia nhóm CCR hoặc trong quá trình tham gia thì xin rút giữa chừng bởi nhiều lý do. Ông Hồ Đa Thê, nhóm trưởng nhóm CCR Bến Ván đơn cử vài trường hợp không thể trụ được đã xin rút khỏi nhóm CCR để khai thác gỗ trước thời hạn.
Ông Thê lý giải, thay vì lâu nay người dân vẫn quen trồng với chu kỳ từ 4,5 đến 5 năm là khai thác, nhưng khi vào nhóm CCR đòi hỏi thời gian khai thác phải từ 7 đến 10 năm, nên một số gia đình gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, ngoài việc sàng lọc thật kỹ hộ trồng rừng đủ tiêu chuẩn, triển vọng đăng ký CCR, nhóm CCR Bến Ván đã thành lập quỹ nhóm, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn hỗ trợ “lấy ngắn nuôi dài”, tránh tình trạng một số hộ xin rút giữa chừng, làm giảm diện tích cấp CCR.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ