Mô hình kinh tế Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao

Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao

Ngày đăng 05/12/2014

Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nuôi trồng thủy sản xen ghép trở thành mô hình thích ứng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lãi cao

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.

Rong câu làm giảm acid nền đáy ao, có tác dụng hấp thu một số chất nitơ vô cơ hòa tan, phospho, chlorophyII... và làm chuyển hóa nhanh quá trình khoáng hóa mùn đáy ao nuôi. Bốn tháng nuôi, trọng lượng tôm sú đạt bình quân 20g/con, tỷ lệ sống 62,7%, năng suất 1,86 tấn/ha, lãi 100 triệu đồng. Rong câu nuôi trồng từ tháng 8 đến 12-2014, hiện đang sinh trưởng tốt.

Tại xã Vinh Thanh (Phú Vang) mấy năm gần đây, nuôi trồng thủy sản không còn xảy ra dịch bệnh, thua lỗ như trước nhờ mô hình nuôi xen ghép. Hầu hết các hộ nuôi ở địa phương đều có lãi, một số hộ có diện tích nuôi lớn đã vươn lên làm giàu. Hộ ông Nguyễn Công Tin ở thôn 3 trước đây nợ nần chồng chất vì tôm thường bị dịch bệnh, thua lỗ triền miên.

Chỉ vài năm gần đây, hộ này không chỉ trả hết nợ mà còn trở thành hộ giàu tại địa phương. Sở hữu khoảng 4 ha mặt nước, mỗi năm ông Tin nuôi ba vụ tôm-cua-cá đều cho thu nhập từ một tỷ đồng trở lên, lãi ròng từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh - ông Đào Duy Phương cho biết, cùng với chuyển đổi sang nuôi xen ghép, địa phương đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống ao hồ, kênh mương xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường và quy hoạch ao nuôi hợp lý nên hạn chế tối đa dịch bệnh. 47 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản của xã đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi ha lãi 100 triệu đồng trở lên.

Từ khi vùng đầm phá ô nhiễm cách đây chừng 5 năm, tôm thường xuyên bị dịch bệnh, nhiều hộ nuôi thua lỗ triền miên, lãnh đạo xã Quảng Công (Quảng Điền) có chủ trương chuyển đổi sang nuôi xen ghép. Nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản trở thành mô hình cứu cánh cho nhiều hộ thoát cảnh nợ nần.

Ông Võ Văn Chương ở thôn 4, một trong những hộ tiên phong chuyển đổi mô hình nuôi xen ghép từ năm 2009, đến nay không chỉ trả hết nợ mà còn vươn lên khá giàu. Hai hồ nuôi xen ghép tôm - cá dìa (mỗi hồ 3.600m2) năm nào cũng lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Riêng năm nay, ông Chương thả nuôi bốn vạn con tôm giống, 6.000 con cá dìa cho thu nhập 230 triệu đồng, lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công - Võ Đông Thi cho biết, mấy năm gần đây tất các các hộ nuôi đều có lãi từ 50 triệu đến trên 100 triệu đồng. Yếu tố thành công là môi trường vùng nuôi thuận lợi, thủy sản ít xảy ra dịch bệnh. Các hộ nuôi tích lũy nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và xử lý kịp thời dịch bệnh.

Nhân rộng mô hình mới

Nuôi xen ghép cá đối mục với tôm, cua, cá kình, dìa và trồng thêm rong câu là mô hình mới, phù hợp với điều kiện nhiều vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi cá đối mục xen ghép ở vùng hạ triều ô nhiễm được Trung tâm KNLN tỉnh triển khai thí điểm trong năm 2014 tại các xã Phú Xuân, thị trấn Phú Đa, thị trấn Thuận An (Phú Vang), các xã Quảng An, Quảng Phước (Quảng Điền) và xã Lộc An (Phú Lộc) với diện tích 3ha, 6 hộ tham gia.

Sáu tháng nuôi, trọng lượng bình quân 482g/con, tỷ lệ sống 71,2%, năng suất 1,71 tấn/ha, lãi 55 - 60 triệu đồng/hộ. Từ hiệu quả bước đầu, nhiều hộ từng bước mở rộng diện tích nuôi cá đối mục xen ghép đến nay lên 20 ha.

Cá đối mục được xem là đối tượng phù hợp việc nuôi xen ghép vì đã nhân tạo thành công, trong khi một số loài cá dìa, nâu, kình... phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, không chủ động nguồn giống. Cá đối mục còn có khả năng làm sạch môi trường ao hồ, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, giảm chi phí đầu tư. Thức ăn chính của loài cá này là rong tảo tự nhiên ở đầm phá, phiêu sinh vật, tỏa tàn và mùn bã hữu cơ.

Đây cũng là đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, khả năng thích nghi với môi trường rất tốt nên hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Năm 2014, nhiều hộ nuôi cá đối mục xen ghép tôm, cua... lãi từ 40 - 60 triệu đồng/ha, một số hộ lãi cao từ 120 triệu đến 150 triệu đồng. Mô hình nuôi cá đối mục xen ghép với các đối tượng khác đang được các địa phương quan tâm nhân rộng.

Trung tâm KNLN còn thực hiện thành công nhiều mô hình mới, như nuôi lươn đồng, ươm cua khay, thâm canh cá lóc... Diện tích mô hình nuôi thủy sản xen ghép trên địa bàn tỉnh đến nay mở rộng gần 3.000 ha, chỉ có 61,41 ha bị dịch bệnh (so với năm 2010 gần 1.000 ha), bình quân mỗi ha lãi 50 triệu đồng...

Năm 2015, Trung tâm KNLN tỉnh tiếp tục triển khai khoảng 20 mô hình nuôi xen ghép trình diễn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân. Quá trình mở rộng diện tích gắn với quy hoạch, định hướng sản xuất phù hợp, nâng cao năng lực xử lý môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh. Trung tâm KNLN tỉnh phối hợp với các địa phương, người dân tìm hiểu thị trường tiêu thụ, liên kết với các lái buôn nhằm ổn định giá cả sản phẩm.

Nguồn bài viết: http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=40&newsid=2-18-50936


Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Ven Cửa Sông Tiền Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Ven Cửa… Lối Đi Nào Cho Ngành Cá Tra? Lối Đi Nào Cho Ngành Cá Tra?