Mô hình kinh tế Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm

Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm

Ngày đăng 20/08/2015

Thức ăn chăn nuôi không bị nhiễm chất cấm

Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện có hàng trăm công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (cám), cung cấp cấp khoảng 1/3 sản lượng cám của cả nước. Qua khảo sát, các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất cám tại Đồng Nai đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về sản xuất, không có chuyện đấu trộn chất cấm vào cám để bán cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Duy Linh - Giám đốc Truyền thông Công ty C.P Việt Nam - khẳng định, thức ăn chăn nuôi không có nhiễm độc, mà do ham lợi nên một số lái heo chủ động khuyến khích bà con chăn nuôi trộn “chất tạo nạc” để heo có cơ bắp nhiều, bán được giá cao. Sử dụng chất tạo nạc là DN tự giết mình, vì thế không có công ty sản xuất cám nào dám sử dụng. Riêng C.P Việt Nam không sử dụng chất cấm trong cám và buộc các nhà cung cấp nguyên liệu cam kết không đưa các chất cấm vào nguyên liệu để bán cho C.P. “Ngoài sản xuất cám, C.P còn phát triển chăn nuôi trang trại. Để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, an toàn, công ty có sự kiểm tra nghiêm ngặt trong quá trình chăn nuôi và kiểm tra heo trong quá trình xuất bán” - ông Linh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Long - chủ DNTN Long An TP.Biên Hòa - bức xúc: Công ty nào trộn chất cấm vào cám công nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao, vì nếu bị phát hiện người chăn nuôi sẽ tẩy chay. Ông Long thừa nhận, có thực trạng một số hộ chăn nuôi vì hám lợi khi heo nuôi đến tầm 80kg sẽ dùng chất tạo nạc (khoảng 4 triệu đồng/kg), có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi sử dụng chất này, heo lớn nhanh, tiêu mỡ và tạo nạc, giá cao hơn nuôi thông thường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo hiện có hơn 1,5 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm trên 67,5% tổng đàn với 2.188 trang trại; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 32,5%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hầu hết các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn đến nay đã chuyển đổi mô hình sản xuất công nghiệp khép kín (truy xuất và quản lý nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn, kiểm soát thú y…).

Đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Tiến Đại Phát (xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho hay, mặc dù có rộ thông tin cám tiêu thụ trên thị trường của các công ty không bảo đảm chất lượng, có chứa chất cấm nhưng sản lượng cám của công ty tiêu thụ vẫn không giảm vì người tiêu dùng đủ khôn ngoan để biết được đâu là sự thật.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, cần xử phạt nặng đối với người bán và người sử dụng chất cấm trong cám, bởi đây là hành vi làm hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và nên đưa hình phạt này vào Bộ Luật Hình sự.

Các DN sản xuất cám chăn nuôi tổng hợp kiến nghị cơ quan chức năng xử lý mạnh tay những đối tượng dùng chất cấm trong chăn nuôi và xử lý cả những kẻ truyền tin cám nhiễm độc gây thiệt hại cho DN và làm hoang mang người chăn nuôi.


Khá lên nhờ nuôi dê Boer Khá lên nhờ nuôi dê Boer Giá heo hơi ít biến động nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng Giá heo hơi ít biến động nhờ thị…