Mô hình kinh tế Thức Ăn Chăn Nuôi Thách Thức Cho Người Sản Xuất

Thức Ăn Chăn Nuôi Thách Thức Cho Người Sản Xuất

Ngày đăng 23/02/2014

Thức Ăn Chăn Nuôi Thách Thức Cho Người Sản Xuất

Vẫn không ngừng tay múc từng bát cám đổ vào máng cho đàn lợn chị Thanh ở xã Văn Lương, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa giãi bày: Giá cám bây giờ đắt quá, lãi thấp lắm, không có việc nên chúng em cứ phải nuôi, chứ trừ tiền giống, nhất là tiền mua thức ăn chẳng được bao nhiêu.

Năm nay giá lợn hơi lên cao hơn 40 ngàn đồng một kg, trừ đi mỗi tạ lợn còn thu được 4-5 trăm ngàn, chứ gặp năm giá xuống thấp có khi còn lỗ. Đây là một thực trạng với người chăn nuôi luôn phải đối mặt với tình hình giá thức ăn tăng cao.

Là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, trung bình mỗi năm tỉnh ta nuôi từ 750-800 ngàn con lợn, 10-12 triệu con gia cầm, 9,9 ngàn ha thủy sản, trong đó có khoảng một nửa nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp. Với số lợn gà ngan, vịt và cá như vậy hàng năm lượng thức ăn tiêu thụ khá lớn. Bình quân để có một kg thực phẩm hơi phải tiêu thụ từ 2-5 kg cám công nghiệp thường, 1,2-1,5 kg đậm đặc thì hàng năm sản lượng thức ăn nhập về lên tới cả mấy trăm ngàn tấn.

Quả thực đến nay chưa có thống kê đầy đủ về lượng thức ăn chăn nuôi phải nhập vào địa bàn, song có điều chắc chắn là hầu hết người chăn nuôi đã thay đổi sử dụng từ 50 đến 100% thức ăn bằng cám công nghiệp và tất cả đều du nhập từ ngoài vào. Theo kiểm tra của cơ quan chức năng hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần chục đầu mối nhập thức ăn chăn nuôi, song cơ sở bán lẻ tới hàng trăm.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, song cả nước đã có gần 60 nhà máy, trong đó ½ là của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Tuy chiếm 50% nhà máy nhưng lượng thức ăn tiêu thụ các nhà máy nước ngoài lại chiếm đến gần 70% thị phần.

Có một nghịch lý là nước xuất khẩu gạo sắn hàng đầu thế giới song thức ăn chăn nuôi gồm ngô, đậu tương chúng ta nhập 60-80%, còn lại khô dầu, bột xương, bột cá, vitamin làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập từ 90 đến 100%. Nước ngoài vừa chiếm lĩnh, chi phối thị trường, vừa phải nhập hầu hết nguyên liệu nên nhiều năm nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.

Nếu như năm 2010 giá một kg cám công nghiệp thường hỗn hợp chỉ ở mức 9-10 ngàn đồng/kg, 250-280 ngàn đồng bao 25 kg, thì hiện nay giá 11-13 ngàn đồng/kg trên 300 ngàn đồng. Các sản phẩm Cargill, con cò, Hi-Gro loại đậm đặc giá 19-20 ngàn đồng/kg, một bao 25 kg có giá 450-475 ngàn đồng; có loại 500-580 ngàn đồng/bao...

Trong khi đó giá thực phẩm lợn hơi, gia cầm lên xuống thất thường, có thời điểm như cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá một kg lợn hơi chỉ còn trên 30 ngàn đồng, nên nhiều nơi người sản xuất đóng cửa, bỏ trống chuồng. Cuối năm 2013, đầu 2014 giá cả nhích lên trên 40-45 ngàn đồng người nuôi có lãi đôi chút. Nếu so sánh giá thức ăn chăn nuôi với giá thực phẩm trong ba bốn năm qua có nghịch lý rất rõ là người sản xuất luôn bất lợi.

Cách đây hơn ba năm giá cám công nghiệp ở mức 9-10 ngàn đồng/kg, giá lợn hơi 35-40 ngàn đồng, hiện nay giá cám đã lên trên 12 ngàn giá lợn chỉ lên trên dưới 40 ngàn. Giá các loại thực phẩm khác như gà, cá lại còn giữ giá hoặc xuống thấp hơn thời điểm ba năm trước người nuôi càng thua lỗ. Nếu giá lợn ở mức như hiện nay mỗi tạ lợn nuôi xuất chuồng có lãi 4-5 trăm ngàn, còn xuống dưới 35 ngàn là hòa, thấp nữa là lỗ, sản xuất chỉ lấy công làm lãi.

Một hộ nuôi trên dưới 100 đầu lợn sau hơn ba tháng như hiện nay cũng chỉ thu về được bốn, năm triệu đồng, tính ra công lao động đạt hơn một triệu tháng. Đó là giá còn được, không thất bát, chẳng may gặp dịch bệnh coi như thua lỗ. Đây là một thách thức lớn với người chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề này các chuyên gia ngành cho biết: Khó khăn lớn nhất với chăn nuôi của ta hiện nay hầu hết vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo thành chuỗi giá trị kết nối giữa sản xuất lưu thông tiêu thụ, do vậy công đoạn nào biết công đoạn đó. Ngay trong sản xuất giữa cung ứng thức ăn với người chăn nuôi cũng bị cắt khúc, không tạo nên sự liên kết chi phối tương tác cùng có lợi.

Doanh nghiệp chế biến thức ăn chạy theo lợi nhuận, còn người chăn nuôi bị động, phụ thuộc nếu thị trường đầu ra có lợi thì hưởng, nhưng phần đa lãnh đủ mọi thua thiệt khi giá xuống thấp. Đây là vấn đề rất khó khăn với hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang cần cơ cấu, sắp xếp lại.

Để giải quyết vấn đề này trước hết cần sắp xếp lại chăn nuôi theo hướng thu gom, giảm dần quy mô nhỏ, lẻ, hướng tới chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhất là nuôi gia súc, gia cầm. Cơ sở nuôi có hợp đồng trọn khâu kết nối giữa sản xuất lưu thông tiêu dùng theo mô hình liên kết nhiều nhà lấy doanh nghiệp làm trụ cột. Có vậy mới khắc phục tình trạng chăn nuôi bị động, hiệu quả thấp.

Cùng với đó trên địa bàn cũng cần tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, đại lý chi nhánh phân phối thức ăn chăn nuôi hợp lý tạo thuận lợi cho người chăn nuôi được tiếp cận mua thức ăn giá rẻ, góp phần hạ giá thành sản xuất.

Trong chiến lược phát triển, tái cơ cấu đến năm 2020, ngành nông nghiệp và PTNT dự kiến thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi tại các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng với công suất khoảng 20 ngàn tấn. Hy vọng trong tương lai gần với việc đẩy mạnh sắp xếp lại sản xuất gắn với phát triển cơ sở hỗ trợ sẽ giúp cho chăn nuôi trên địa bàn tăng giá trị, hiệu quả.


Gia Cầm Bị Tiêu Hủy Được Hỗ Trợ Từ 10-35 Ngàn Đồng/con Gia Cầm Bị Tiêu Hủy Được Hỗ Trợ… Nhiều Bất Cập Trong Quản Lý Tôm Giống Ở Thừa Thiên Huế Nhiều Bất Cập Trong Quản Lý Tôm Giống…