Thuế chống phá giá của Mỹ không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo sơ bộ về quyết định xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã gây hoang mang cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, đây chưa phải là thông báo chính thức, các doanh nghiệp vẫn còn thời gian để nộp hồ sơ để Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra Việt Nam.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty thuỷ sản Bình An, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Còn 6 tháng chuẩn bị
Khi Mỹ công bố quyết định này, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có ý kiến cho rằng, đợt xem xét thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái ngược với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Đồng thời, mang tính áp đặt vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào Mỹ. Trong đó, mức thuế chống bán phá giá trong kỳ 13 là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với kỳ áp thuế lần thứ 12.
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn và tính biên độ phá giá đối với Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO) – Tiền Giang lên mức 2,39 USD/kg. Bộ Thương mại Mỹ đã cho rằng, GODACO không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ dữ liệu cần thiết cho Bộ Thương mại Mỹ để điều tra.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gò Đàng nhấn mạnh, đối với kỳ xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 13, Gò Đàng đã mời các luật sư từ Mỹ để chuẩn bị rất kỹ hồ sơ, chứng từ chi phí nhân công, xử lý môi trường, điện nước, giá thành nguyên liệu… để gửi cho Bộ Thương mại Mỹ, nhưng Bộ Thương mại Mỹ đã áp dụng các quy định bất hợp lý của Luật chống bán phá giá.
Hiện nay, Công ty Gò Đàng cùng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ như: Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty TNHH thủy sản Biển Đông, Công ty Hùng Hậu, Công ty Thực phẩm An Giang… chuẩn bị hồ sơ gửi sang Bộ Thương mại Mỹ để đề nghị xem xét lại thuế chống bán giá đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.
Dự kiến đến ngày 12/10/2017 sẽ kết thúc kỳ hạn nhận hồ sơ xem xét. Khi hoàn tất thủ tục này, đến tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm cá tra Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các vụ kiện về việc bán phá giá của cá tra Việt Nam diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn đang áp mức thuế đối với sản phẩm cá tra Việt Nam là 69 cent/kg.
Với mức thuế này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vẫn đang cầm cự được và hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường, chưa ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp bị áp thuế nói riêng.
Do đó, mọi việc liên quan đến con cá tra khi vào Mỹ vẫn còn trong giai đoạn chờ xem xét. Hầu hết các doanh nghiệp kỳ vọng Mỹ sẽ áp một mức thuế thấp để tạo điều kiện cho người tiêu dùng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra Việt Nam mà họ ưa chuộng.
Sẽ cán đích 1,7 tỷ USD vào cuối năm
Mặc dù cá tra Việt Nam vào Mỹ đang phải canh tranh gay gắt từ Hiệp hội cá nheo Mỹ, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có nhiều chiến lược để đẩy mạnh phát triển con cá tra trên thị trường thế giới. Không riêng tại thị trường Mỹ, các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, châu Âu cũng đang hướng đến lựa chọn sản phẩm cá tra Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sẵn. Do đó, ngành cá tra Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển mạnh.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản chia sẻ, người tiêu dùng Mỹ nói riêng và người tiêu dùng thế giới nói chung đang tăng nhu cầu sử dụng cá tra từ Việt Nam, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước lại có hạn. Vì vậy, đường đi của cá tra vẫn tiếp tục rộng mở.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra trong 9 tháng năm 2017 đạt hơn 1,3 tỷ USD, trong đó thị trường nhập khẩu cá tra mạnh nhất là Mỹ. Với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, đến cuối năm 2017, xuất khẩu cá tra có thể đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2016.
Tuy nhiên, để ngành cá tra dễ dàng cán đích xuất khẩu 1,7 tỷ USD năm 2017, thì chính các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đoàn kết hơn ở sân chơi thế giới. "Đối với thị trường Mỹ và Nhật Bản, vì yêu cầu của người tiêu dùng cao, đòi hỏi chất lượng và đa dạng sản phẩm nên sản phẩm cá tra tiêu thụ mạnh tại đây với giá cao, doanh nghiệp không phải cạnh tranh giảm giá, tiêu thụ hàng hóa.
Với những thị trường khác như Nga, Trung Quốc, Mexico… các doanh nghiệp cần đoàn kết hơn nữa trong việc niêm yết giá bán, tránh giảm giá bán, sẽ kéo theo giảm chất lượng, làm mất hình ảnh cá tra Việt Nam", bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạo, hiện tại các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hướng tới sản phẩm chất lượng cao để dễ dàng thâm nhập các thị trường "khó tính", cũng là giải pháp nâng cao giá trị của cá tra Việt Nam. Bởi khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường này, thì sản phẩm cá tra khẳng định thương hiệu dễ dàng và dễ cạnh tranh ở những thị trường khác.
Trên thực tế, việc nộp hồ sơ để Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam kỳ 13 là một bước ngoặt mở ra hướng đi cho cá tra Việt Nam. "Khi phía Mỹ công bố mức thuế hợp lý, sẽ tạo cơ hội hơn nữa cho con cá tra nói chung và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vào thị trường tiêu thụ mạnh mẽ dù khó tính này", ông Đạo cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ