Thùng Rác Sinh Học Xử Lý Rác Cây Thanh Long
Dự án “Thùng rác sinh học” của nhóm sinh viên Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đoạt giải Ứng dụng - Giải thưởng cao nhất của Cuộc thi Holcim Prize năm 2013 vừa được bàn giao cho người dân tại xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).
Trước đây, việc xử lý rác cây thanh long là mối lo của nhiều nông dân, vì nếu để xác cây thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu và ô nhiễm môi trường. Mô hình khép kín này được ứng dụng tại xã Hàm Thắng không những giải quyết được vấn đề xử lý rác cây thanh long mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 200 triệu đồng do Công ty Holcim Việt Nam tài trợ.
Mô hình “Thùng rác sinh học” là sự ứng dụng thành công mô hình “giun quế xử lý rác thải hữu cơ” cho thân cây thanh long để giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải là xác cây thanh long sau vụ thu hoạch. Ngoài ra, mô hình còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với việc phân giun được dùng để bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được cân kí bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Nói về dự án “Thùng rác sinh học”, ông Phan Tấn Trinh - Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Địa phương đánh giá cao dự án này. Qua thời gian ứng dụng thử, chúng tôi rất bất ngờ với kết quả đem lại.
Chi phí đầu tư ban đầu hợp lý và cách vận hành đơn giản giúp bà con nông dân dễ dàng triển khai tại vườn nhà mình. Trong thời gian thực hiện, các kỹ thuật viên đã hỗ trợ bà con triển khai mô hình. Hy vọng, khi đi vào triển khai trên diện rộng, kết quả sẽ thành công, mô hình này đem lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường cho địa phương”. Mô hình “Thùng rác sinh học” hiện đang được triển khai thực hiện tại 5 hộ gia đình nông dân tại xã Hàm Thắng.
Các hộ tham gia ứng dụng thử mô hình đều phấn khởi cho hay: “Mô hình không chỉ giúp xử lý được các cành bỏ của cây thanh long, hạn chế việc vứt bỏ cành thanh long ra kênh mương làm ô nhiễm môi trường mà còn mang lại “hiệu quả kép”, lượng giun quế sau khi thu hoạch chúng tôi dùng làm thức ăn để nuôi gà, còn phân giun dùng để bón cho cây trồng”.
Được biết, Cuộc thi Holcim Prize lần đầu tiên được Công ty TNHH Holcim Việt Nam triển khai năm 2009 nhằm mục đích tạo ra sân chơi cho sinh viên nghiên cứu ứng dụng các ý tưởng phục vụ phát triển bền vững xoay quanh 3 lĩnh vực: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và xây dựng bền vững với tổng giá trị giải thưởng lên đến 600 triệu đồng.
Đến nay, giải thưởng này đã thu hút hàng trăm đề tài của các bạn sinh viên đến từ 7 trường đại học hàng đầu Việt Nam (Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc Hà Nội,…). Điểm chung của các đề tài tham dự đều hướng tới các vùng nông thôn, giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân địa phương.
Các đề tài đoạt giải đặc biệt của Cuộc thi Holcim Prize những năm trước đều đã và được triển khai thực tế, bao gồm dự án “Thu gom và xử lý thuốc bảo vệ thực vật”, năm 2009; dự án “Nhà vệ sinh nổi”, năm 2010; dự án “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển”, năm 2011; dự án “Mô hình tưới phun sử dụng năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận”, năm 2012 và dự án “Thùng rác sinh học tại Bình Thuận”, năm 2013.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ