Thuốc bảo vệ thực vật là con dao hai lưỡi
Theo thói quen canh tác, sau khi pha thuốc để phun xịt, nông dân không thu gom vỏ chai, bao bì tập trung lại để xử lý mà thường vứt trực tiếp trên đồng ruộng.
Cứ thế, vỏ bao bì lẫn vào trong đất tăng dần theo thời gian canh tác.
Hơn nửa đời người gắn bó với cây lúa, đối với ông Hồ Văn Thành, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, lượng thuốc còn lại trong vật đựng rất ít sẽ không đủ để gây hại đến môi trường sống, một phần cũng do thói quen sử dụng “tiện tay” nên vứt đi.
Ông Thành bộc bạch: “Chúng tôi cũng làm theo khuyến cáo của ngành chức năng là phải thu gom lại để xử lý, nhưng đôi lúc quên nên quăng luôn tại ruộng.
Cũng có người gom lại rồi tiêu hủy, hoặc không ít trường hợp còn mang ra sông bỏ để khỏi ô nhiễm gần nhà”.
Cách làm được một số bà con cho là “cẩn thận” đó vốn dĩ chỉ là di chuyển vỏ chai, bao bì thuốc từ nơi này đến nơi khác để vứt, chứ không có biện pháp tiêu hủy.
Kết quả là chúng vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên.
Theo thói quen, nhiều nông dân tiện tay vứt chai thuốc sau khi sử dụng.
Một yếu tố khác làm tăng mức độ ô nhiễm trên đồng ruộng là vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, khiến lượng thuốc tồn đọng trong đất nhiều.
Chia sẻ biện pháp canh tác áp dụng lâu nay, anh Phạm Minh Trường, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết:
“Tôi làm ruộng cũng được một thời gian, nên cứ theo kinh nghiệm mà canh tác thôi, khi phát hiện có sâu hay bướm thì tìm thuốc phun liền để ngăn chặn bệnh tấn công nhanh.
Có lúc tôi phải pha các loại thuốc lại phun để diệt nhiều sâu bệnh cùng tấn công.
Thuốc này không hiệu quả thì đổi sang thuốc khác, phun đến khi hết bệnh trên lúa thì ngưng”.
Theo nghiên cứu bước đầu của ngành chuyên môn, khi nông dân phun xịt trên đồng ruộng, chỉ có khoảng 30% độ hữu hiệu của thuốc bám dính trên cây trồng, 70% còn lại sẽ rơi xuống bề mặt của đất, nước nhưng rất dễ phân hủy; trong đó, lưu lượng thuốc không hữu hiệu tồn đọng trong bao bì lại chiếm từ 10-15% trọng lượng, tỷ lệ này tuy nhỏ nhưng khó phân hủy nhất.
Ước tính mỗi năm Hậu Giang sử dụng ít nhất khoảng 680 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, như vậy lượng thuốc tồn đọng trong bao bì cũng khoảng 68 tấn.
Nếu thải vào môi trường tự nhiên, nhất là môi trường đất, nước trong thời gian lâu dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.
Không những làm ô nhiễm môi trường, mà còn gây ra tình trạng thoái hóa đất.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức cho người dân, kết hợp với việc xây dựng những hố thu gom chai nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tập trung để thay đổi thói quen của bà con; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, nhưng qua quá trình khảo sát, mỗi năm ngành chỉ thu về chưa đầy 500kg vỏ chai, bao bì.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết khó xử lý nhất là bao bì đựng thuốc; khi nằm trong môi trường đất và nước, gần như chúng không phân hủy.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì lượng thuốc hóa học tồn đọng trong tự nhiên ngày càng tăng lên.
Về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bẻ gãy sự cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của thủy sinh vật và nhất là gây ra tình trạng suy thoái đất.
“Để gắn sản xuất nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường sống, bà con cần thay đổi thói quen sử dụng, thu gom ngay sau khi phun để tiêu hủy.
Bên cạnh đó, phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, chỉ dùng khi thực sự cần thiết và sử dụng có chọn lọc; tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách) để giúp cây trồng phát triển tốt, nông dân cũng tiết kiệm được chi phí vật tư nông nghiệp”, ông Trần Ngọc Thể khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ