Thuốc rau, đau người
Những dòng thuốc BVTV thế hệ mới đã giảm đáng kể độ gây độc hại cho người sử dụng. Trong ảnh: Thuốc Prevathon có thời gian cách ly ngắn, chỉ từ 1 đến 3 ngày tùy loại nông sản.
6 giờ chiều, chợ Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã thưa bóng người.
Ông Ngô Trường Quế không khó khăn để đưa gần 30kg rau bồ ngót bằng xe máy đến số 44 Đặng Văn Ngữ, nơi đóng “bản doanh” của Cửa hàng Nông sản Hòa Vang, bên hông chợ.
Ông là Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
Cả vùng rau có diện tích trên 7ha, riêng ông làm được 3 sào.
Làm rau thì lâu đời rồi, ông bảo, nhưng làm cho “bài bản” thì mới hồi tháng 7 năm ngoái, khi Dự án QSEAP được triển khai ở Hòa Vang.
Múp míp không hẳn là tốt
“Bài bản” theo cách nói của ông Quế nghĩa là làm ăn có khoa học kỹ thuật chứ không phải theo “kiểu nông dân” như trước.
Chị Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT Hòa Vang, Chủ nhiệm CLB Sản xuất và tiêu thụ rau Hòa Vang, vừa giúp ông Quế nhập rau vào cửa hàng, vừa giải thích cho chúng tôi cái “bài bản” đó.
Tháng 7-2014, Dự án QSEAP được triển khai với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA trên diện tích 55ha tại 5 vùng rau chuyên canh trên địa bàn Hòa Vang gồm Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn và Hòa Khương (có 2 vùng sản xuất rau).
Thông qua các lớp tập huấn của dự án, nông dân được trang bị các kiến thức cơ bản về sản xuất rau an toàn theo Tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, đặc biệt là các sản phẩm về rau củ quả tươi.
Cửa hàng Nông sản Hòa Vang bên chợ Cẩm Lệ mới mở được hơn 4 tháng nay, sau khi CLB được thành lập, bán rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại nấm, gạo quê, trứng gà, các loại nông sản khác.
Mỗi tuần 4 ngày (Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư), cửa hàng cung cấp rau củ quả cho Công ty TNHH Đắc Vinh - doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho các nhà hàng, khách sạn, trường học… trên địa bàn thành phố.
Mỗi ngày cửa hàng nhập bình quân 200 – 250kg rau, có ngày cao điểm lên tới 300kg, với chất lượng đạt yêu cầu, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên sản phẩm.
Điều này là khả tín, bởi ngoài hướng dẫn nông dân về an toàn khi sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách), chị Hạnh còn “khoèo” thêm một câu:
“Con cháu, người thân trong nhà chú/anh/chị đang ăn rau do Đắc Vinh cung cấp mà rau thì do chú/anh/chị trồng, nên làm cái chi cũng phải liệu chừng đó”.
Ông Quế phụ với chị nhân viên cửa hàng nhúng gốc mấy chục bó rau bồ ngót vào nước để giữ độ tươi.
Ông bảo, đây là loại rau sạch đúng nghĩa, bởi nó hiếm khi bị sâu bệnh, chủ yếu chỉ bị rầy vào mùa nắng; nếu mùa trước bị rầy, thu hoạch cắt sạch xong đến nửa tháng sau thu hoạch lại thì chuyện “rầy rà” không còn nữa.
Một cô gái khác đến từ vùng rau Hòa Nhơn nhập rau dền đỏ.
Chị Hạnh với tay lấy một bó, giải thích:
Dền đỏ là loại rau “hảo sâu” lắm, theo cách nói nông dân nghĩa là sâu rất “ghiền”. Nhưng các vùng rau ở Hòa Vang được khuyến khích là bắt được con nào thì bắt chứ cương quyết không dùng thuốc diệt sâu.
Ngó lá sần sùi là vậy, chen lẫn một vài lá thủng vì bị sâu ăn, nhưng người tiêu dùng thông minh lại thích mua loại này. Chừ thì ai cũng ngại khi thấy các loại rau củ quả ra chợ mà cứ xanh mơn mởn, múp míp.
Rau do các thành viên CLB trồng nếu để trong tủ lạnh cả tuần cũng không hư hoại, nếu để ngoài trời khoảng 3 ngày thì chỉ khô dần chứ không bị nhũn (chỗ bó bằng bẹ chuối) như rau bán ngoài chợ.
Theo kinh nghiệm của chị Hạnh, rau, cải bị nhũn là do bón quá nhiều đạm như phân bón gốc (u-rê) hay phân bón phun qua lá.
Ví như cây cải mỡ, đạm nhiều làm cho cây phát triển to cao, mượt, cọng cải mập, lá mỏng. Nếu thấy cải bị nhũn ngay chỗ bó bằng bẹ chuối thì đúng là cải bị “thúc” quá nhiều đạm, ăn vào sẽ không tốt.
Ông Ngô Trường Quế: Xử lý đất cho tốt để nuôi cây rau khỏe, không bệnh, không dùng đến thuốc.
Ngon và lành
Có mấy người dừng xe máy trước cửa hàng hỏi mua cải. Ông Quế cảm thấy vui vì sản phẩm của nông dân Hòa Vang ngày càng có uy tín.
Ông kể, hôm 26-9 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV – Sở NN&PTNT Đà Nẵng về mở lớp tập huấn lần thứ tư cho nông dân hai thôn Yến Nê và Cẩm Nê, xã Hòa Tiến. Nhờ đó, ông biết thêm cách xử lý đất cho tốt để nuôi cây rau khỏe, không bệnh, không dùng đến thuốc.
Nông dân giờ đã nắm rõ 3 đường thâm nhập của thuốc BVTV vào cơ thể con người: mũi (hô hấp), miệng (ăn uống), da (tiếp xúc).
Kiến thức cơ bản này đã góp phần giảm thiểu các ca cấp cứu ngộ độc cấp tính thuốc BVTV. Họ giờ không còn coi thường mạng sống của mình. Biết cách phun như thế nào. Những dòng thuốc thế hệ mới đã giảm đáng kể độ gây độc hại cho người sử dụng.
Thêm vào đó, chu kỳ trồng rau giờ tối đa chỉ 25 ngày nên không sử dụng nhiều thuốc BVTV.
Từng nghe một kỹ sư nông nghiệp (đề nghị giấu tên, hiện là chủ hai cửa hàng thuốc BVTV ở Hòa Vang) đã có 11 năm làm việc cho hai công ty trong nước và nước ngoài hoạt động khắp miền Trung – Tây Nguyên, kể rằng hồi anh mới đi làm, hầu hết các thuốc BVTV đều có mùi hôi đặc trưng, hít thở một lát là dễ bị dị ứng.
Anh bảo, do hồi đó cực quá nên nông dân cứ nhắm mắt làm liều, thuốc có hôi tới mức chi cũng “rước” về, miễn chặn đứng được sâu bệnh cho cây nông nghiệp là tốt.
Giờ thì thuốc đã giảm mùi hôi đến mức thấp nhất, thời gian cách ly không dài, sản phẩm nông nghiệp an toàn hơn.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đà Nẵng phân tích thêm rằng,
Đà Nẵng là nơi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nên thuốc dùng cho cây trồng nông nghiệp nói chung, cây rau nói riêng không nhiều. So với thuốc có gốc hóa học, thuốc gốc sinh học ít độc cho người, không gây tác hại môi trường và có thời gian phân hủy nhanh.
Tuy nhiên giá thuốc sinh học cao gấp rưỡi, thậm chí có loại gấp đôi thuốc hóa học nên nông dân ít dùng.
Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Hạ, Trưởng phòng Thanh tra của Chi cục, nông dân ít dùng thuốc sinh học còn vì tâm lý. Thuốc sinh học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, phun vào sẽ ngấm từ từ khiến cho sâu đổ bệnh, bỏ ăn rồi sau đó mới chết.
Trong khi đó thuốc hóa học phun giây trước là giây sau sâu giãy đành đạch lăn đùng ra chết ngay.
Nông dân ưng nhất cái vụ “trực quan” này nên mấy cũng cứ hóa học mà mua. T
hêm vào đó, cây trồng ở Đà Nẵng còn quá “bình dân”, quanh đi quẩn lại cũng chỉ rau muống, mồng tơi, dưa leo, đọt bí... giá trị thương phẩm không cao nên cứ thuốc gì thấp giá thì dùng.
Trong khi đó, nông dân Đà Lạt sẵn sàng “chi mạnh” để mua các loại thuốc BVTV gốc sinh học để trị bệnh cho các nông sản “quý tộc” đặc hữu như su lơ, củ dền, ớt chuông, cà chua bi…
Nói cho cùng, ông Hạ khẳng định, việc sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn Đà Nẵng đang ở mức an toàn.
Hằng năm khi tới mùa thu hoạch, cán bộ thanh tra lấy mẫu ngẫu nhiên (không báo trước), như tháng 7 vừa rồi, lấy 24 mẫu trên các vùng chuyên canh rau trên toàn thành phố nhưng không phát hiện mẫu nào có dư lượng thuốc BVTV.
Theo số liệu thống kê của Chi cục, Đà Nẵng hiện có gần 140ha đất trồng rau củ quả các loại (trong đó riêng Hòa Vang đã chiếm hơn một nửa với 85ha), hằng năm sản xuất trên 9.000 tấn sản phẩm.
Ngày lại ngày, các loại rau “made in Danang” tỏa đi các chợ trong thành phố và nuôi sống con người. Dùng thuốc cho rau không đúng cách sẽ làm con người đổ bệnh.
Để người tiêu dùng có bữa ăn ngon và lành, chị Hạnh cho biết, Phòng NN&PTNT đã đề xuất và được UBND huyện đồng ý chủ trương mua một máy kiểm tra các dư lượng thuốc BVTT tồn đọng trong rau củ quả ở Hòa Vang trước khi xuất bán.
Nhìn chung tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thuốc BVTV vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng trong năm 2015 có giảm hơn so với những năm trước.
Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc paraquat lại có xu hướng tăng lên. Paraquat là hóa chất trừ cỏ rất độc, có nhiều tên thương phẩm khác nhau, thường gặp là Grammoxone.
Khi phát hiện bệnh nhân ngộ độc, cần gây nôn cho bệnh nhân càng nhanh càng tốt.
Nếu bệnh nhân tiếp xúc qua mắt, da... cần rửa da, rửa mắt liên tục với nhiều nước trong 15 phút, sau đó đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nếu nhà quá xa cơ sở y tế, sau khi bệnh nhân nôn, có thể pha nước cho bệnh nhân uống ngay một trong các “thuốc” sau để hấp phụ paraquat rồi khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Đất sét (nếu không có thì dùng đất thường); Than hoạt tính: 1g/kg thể trọng/lần; Fuller’s earth (đất sét tẩy trắng, đất tẩy màu) 1 - 2g/kg thể trọng/lần.
TS.BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ