Tin nông nghiệp Thuốc trị sâu bệnh cho rau củ có thể... nếm bằng miệng

Thuốc trị sâu bệnh cho rau củ có thể... nếm bằng miệng

Tác giả Hồng Thủy, ngày đăng 30/12/2015

Thuốc trị sâu bệnh cho rau củ có thể... nếm bằng miệng

Đó chính cách làm độc đáo của ông Ngô Duy Hợp, 55 tuổi, chủ cơ sở rau sạch Bàu Trúc, phường Tân Thiện, TX Đồng Xoài, Bình Phước.

Chế phẩm dinh dưỡng và trị sâu bệnh cho rau của ông Hợp đều an toàn, có thể dùng tay khuấy, và… nếm bằng miệng.

Rau sạch toàn diện

Là một cán bộ chuyên ngành rau của Trạm BVTV huyện Đồng Phú (Bình Phước), ông Hợp có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trồng rau trên địa bàn tỉnh.

Ông trăn trở khi chứng kiến phương pháp canh tác thiếu an toàn của người dân, vì sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, phân hóa học.

Ông ấp ủ làm một mô hình trồng rau an toàn, không dùng thuốc hóa học.

Trong một lần đi tham quan mô hình trồng rau thủy canh của anh Hoàng Phú Hội ở huyện Bù Gia Mập, ông Hợp đã bị cuốn hút với cách trồng rau an toàn trong nhà kính.

Năm 2013, ông quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích hơn 3.000m2 để trồng rau an toàn.

Ông Hợp cho biết, hệ thống nhà màng của ông có thể điều chỉnh độ ẩm bên trong.

Khi nhiệt độ lên cao sẽ bật hệ thống phun sương và quạt đối lưu để làm mát, đồng thời giảm độ ẩm.

Nếu trời quá nắng, màng cản quang sẽ tự động kéo ra và khi có mưa, lớp màng cũng ngăn không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính.

Sử dụng hệ thống này có thể tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí SX.

Nhưng, cái độc đáo nhất trong mô hình rau sạch của ông Hợp không phải là nhà màng, mà là chế phẩm sinh học trị sâu bệnh được chế từ các loại rau củ quả bỏ đi như hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam.

Ông Hợp kể: “Hơn 2 năm về trước tôi được một người bạn giới thiệu về phương pháp sử dụng men sinh học E.M để ủ các loại hành, tỏi, ớt… thành thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cho rau.

Sau 2 năm thử nghiệm trên cây cao su, điều, đến tháng 7.2014 tôi quyết định hướng tới trồng rau sạch theo phương pháp này.

“Rau không giống như các loại cây thực phẩm khác, chỉ tưới nước và bón phân là xong.

Muốn rau phát triển tốt người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ chăm sóc, trồng nhiều loại để đảm bảo nguồn thu ổn định, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Ngoài ra, với đặc tính là cây ngắn ngày, mẫn cảm với thời tiết, nhất là vào mùa mưa, nên phải thường xuyên quan sát, theo dõi, phát hiện và bắt đúng bệnh để có biện pháp, xử lý kịp thời”, ông Hợp chia sẻ.

Chế phẩm men sinh học E.M là phương pháp SX theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn và nấm men) sống cộng sinh trong cùng một môi trường có hiệu quả tác động như bổ sung vi sinh vật cho đất; cải thiện môi trường, tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sâu hại trong đất; tăng năng suất, chất lượng vườn rau, đặc biệt an toàn cho người lao động”.

Sẵn sàng chuyển giao

Để thực hiện phòng trừ sâu bệnh và tăng cường chất dinh dưỡng, từ khâu làm đất cần tăng tỷ lệ tỏi trong hỗn hợp lên men để tăng sức đề kháng cho rau sau này.

Theo ông Hợp, tỏi vốn có chất đề kháng tự nhiên cao, do đó tỏi có thể phòng ngừa sâu bệnh và tăng cường dinh dưỡng cho đất.

Khi rau đã lớn, ông sử dụng công thức 50cc hỗn hợp chế phẩm sinh học E.M đã được ủ lên men với các loại củ, quả hòa trong 20 lít nước, phun cho 1 sào rau.

Nếu rau bị sâu bệnh, ông sẽ tăng số lượng các loại như hành, ớt, tỏi, sả, gừng… có tính khử trùng để diệt trừ sâu bệnh.

Trung bình mỗi tuần, ông phun cho vườn rau từ 1 đến 2 lần.

“Sử dụng phương pháp này không những diệt trừ sâu bệnh hại rau mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường.

Vườn rau của gia đình tôi vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí SX và nhân công lao động.

Nếu ai quan tâm, tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật”, ông Hợp nói.

Theo ông Hợp, cách làm loại thuốc này rất đơn giản, trước hết, mua chế phẩm men sinh học E.M ngoài thị trường về.

Sau đó, đổ nước vào khoảng ½ thùng có nắp đậy, bỏ các loại như hành, tỏi, ớt, vỏ cam, quýt… vào thùng rồi đổ chế phẩm lên men sinh học E.M vào (tùy liều lượng người sử dụng), trộn đều, đậy nắp kín, ủ khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được.

Tùy theo mức độ sâu bệnh nhiều hay ít mà bổ sung thêm số lượng hành, ớt, tỏi… vào thùng ủ phù hợp.

Đây là các loại quả, rau có tính khử trùng, tăng sức đề kháng, ngăn chặn sâu rầy sinh sôi rất cao.

Cần lưu ý là phải lọc sạch bã, nếu không sẽ không thể phun được.

“Tất nhiên, làm gì cũng cần có kinh nghiệm để ngâm, ủ, pha chế đúng liều lượng, nếu không có thể hiệu quả sẽ không cao.

Về kinh nghiệm, nếu ai cần, tôi sẵn sàng đến trao đổi trực tiếp và miễn phí”, ông Hợp cho biết.

Nói về phương pháp trị sâu bệnh cho rau độc đáo của ông Hợp, chị Lộc Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thiện cho biết, trên địa bàn phường có 84 hộ trồng rau, trong đó phương pháp trồng rau trong nhà kính và sử dụng thuốc trừ sâu từ hành, tỏi, ớt… chỉ có duy nhất ông Ngô Duy Hợp sử dụng.

Đây là phương pháp mới, nhưng đã cho thấy hiệu quả và lợi ích cao, rất cần triển khai rộng.

“Loại thuốc trừ sâu chế từ hành, tỏi, ớt của ông Hợp khá độc đáo, nó tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây sự ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng, ngăn cản đẻ trứng, giảm khả năng sinh sản.

Điều quan trọng hơn là chế phẩm sinh học này không ảnh hưởng đến môi trường, không để lại dư lượng trên cây trồng.

Mô hình này cần được nhân rộng", ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Phước.


Bón phân Văn Điển cho lúa vụ xuân Bón phân Văn Điển cho lúa vụ xuân Thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua gốc cây dương xỉ Thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua…