Mô hình kinh tế Thương Hiệu Tiêu Quảng Trị Được Bảo Hộ

Thương Hiệu Tiêu Quảng Trị Được Bảo Hộ

Ngày đăng 28/04/2014

Thương Hiệu Tiêu Quảng Trị Được Bảo Hộ

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa 2 miền khí hậu mùa đông lạnh, khô ở phía Bắc và nóng ẩm quanh năm ở phía Nam, Quảng Trị có khí hậu khắc nghiệt biến động mạnh theo mùa nhưng lại được thừa hưởng một chế độ bức xạ dồi dào do độ cao mặt trời và độ dài ban ngày quyết định.

Đặc điểm thổ nhưỡng cũng khá đặc thù với sản phẩm phong hóa của quá trình phun trào tạo nên những vùng đất đỏ bazan đặc trưng. Sự đa dạng của địa hình đã hình thành nên những tiểu vùng khí hậu. Tất cả những điều kiện tự nhiên ấy cùng với trình độ thâm canh của nông dân ngày một nâng cao đã hình thành cho Quảng Trị một nền nông nghiệp đa dạng và phong phú, trong đó có cây tiêu.

Từ lâu, vùng Cùa (Cam Lộ), Gio Linh, Vĩnh Linh được biết đến với sản phẩm tiêu đặc trưng có chất lượng nổi tiếng. Sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị nói chung có những đặc điểm riêng về chất lượng khác với sản phẩm hạt tiêu trong nước và trên thế giới. Tiêu Quảng Trị có hạt nhỏ tròn đều, vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Trên thương trường, tiêu Quảng Trị đã trở thành một thương hiệu “bất thành văn” bởi chất lượng không thể lẫn lộn của nó từ hàng trăm năm nay.

Năm 1776, Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục rằng: “...Các kho của phủ chúa luôn chứa đựng các mặt hàng quý hiếm của Đàng Trong để xuất khẩu ra cảng Thanh Hà như: vàng, trầm hương, yến sào, đường, mía, ngà voi, đồi mồi, đường phèn, đường cát, đậu xanh, nước mắm, muối, vải trắng, chiếu, giấy, sừng tê, ngà voi, gỗ mun, lá buôn, chuông đồ.... đặc biệt là đặc sản hồ tiêu ở huyện Minh Linh” (Minh Linh xưa, được phỏng đoán tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía Bắc Quảng Trị hiện nay).

Với những đặc điểm về điều kiện đất đai, địa hình và khí hậu khắc nghiệt làm cho hạt tiêu Quảng Trị săn chắc. Cây tiêu được trồng trên cây choái sống, người trồng tiêu chỉ sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, chăm sóc theo lối truyền thống nên đã tạo ra cho hồ tiêu Quảng Trị một tính chất khác biệt. Tiêu có độ khô cao, tiêu cay hơn và thơm hơn những nơi khác. Mỗi lần xuất khẩu ra nước ngoài, “vàng đen” Quảng Trị rất được bạn hàng ưa chuộng, mua với giá cao hơn các nơi khác 1,5 lần.

Trong định hướng phát triển của tỉnh, cây tiêu được xác định là một trong những cây trồng hàng hóa chủ lực nhằm phát triển KT-XH và xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người dân. Tuy nhiên, cùng với chất lượng, sản phẩm tiêu Quảng Trị muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới thì phải có thương hiệu uy tín.

Bởi việc xây dựng thương hiệu không chỉ làm tăng giá trị nông sản mà còn gắn kết trách nhiệm của từng khâu sản xuất ra sản phẩm. Hơn nữa, trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, việc tạo ra thương hiệu uy tín và đăng ký thương hiệu là điều tối quan trọng để tránh sự gian lận.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu Quảng Trị còn tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển hồ tiêu, tăng thu nhập cho người dân. Ý thức được tầm quan trọng đó, từ năm 2008- 2010, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã xây dựng dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu hạt của tỉnh Quảng Trị” và xây dựng các điều kiện để quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý cho vùng địa lý đã được xác lập quyền.

Dự án được tiến hành rất kỹ lưỡng, khoa học, đã tiến hành khảo sát, điều tra vùng trồng tiêu để khoanh định vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý; xây dựng cơ sở khoa học xác định vùng địa danh tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” được bảo hộ; nghiên cứu xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của tiêu Quảng Trị, về điều kiện tự nhiên, con người quyết định đến chất lượng tiêu Quảng Trị; xác định vùng để xây dựng chỉ dẫn địa lý; xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu hạt; xây dựng các phương tiện, điều kiện để quản lý, giới thiệu, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” dùng cho sản phẩm tiêu hạt; xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý...

Từ mô hình quản lý gốc tiến hành nhân rộng về quy mô, diện tích đối với các vùng có đủ điều kiện đảm bảo các yêu cầu về chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” và thiết lập mô hình mẫu về xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại sản phẩm cùng loại.

Để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tiêu Quảng Trị được giới hạn trong vùng địa lý trồng tiêu đặc thù của tỉnh. Dự án đã tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý điểm cho vùng tiêu của huyện Vĩnh Linh, nơi có vùng trồng tiêu quy mô lớn và tập trung có sản lượng tiêu lớn, chất lượng tốt, từ đây làm mô hình mẫu cho các huyện còn lại trong tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 ha hồ tiêu, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá, trong đó riêng huyện Vĩnh Linh có 1.028 ha. Năng suất bình quân đạt hơn 1,5 tấn/ha. Quy mô này hiện đang phát triển theo từng năm vì quỹ đất còn lớn và các yếu tố liên quan cơ bản về khí hậu, thổ nhưỡng, con người..., rất phù hợp cho khả năng phát triển của cây tiêu.

Ông Nguyễn Hữu Du, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị, cho biết: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Quảng Trị không chỉ chứng minh cho chất lượng tiêu của một vùng mà còn có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định chất lượng của một trong những mặt hàng nông sản hàng đầu của Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Đây cũng là động lực khuyến khích người dân ý thức hơn nữa trong sản xuất và quan tâm đến chất lượng của sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng tiêu, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu từ chính cây đặc sản truyền thống của vùng”.

Kết quả thực hiện dự án đã khẳng định danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm tiêu do tính chất đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người với phong tục, tập quán canh tác vùng trồng tiêu Quảng Trị quyết định. Việc trồng, thu hoạch và chế biến tiêu nơi đây là nét đặc thù riêng mà nơi khác không thể có đã tạo nên một vườn tiêu đa dạng về sinh thái.

Dự án đã xác định vùng đặc thù, xây dựng bản đồ chất lượng đất đai vùng trồng tiêu và xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Quảng Trị. Dự án đã xây dựng các điều kiện để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị”. Hệ thống nhận diện thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu hạt với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính chất pháp lý cũng được xây dựng.

Biểu tượng chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” của sản phẩm tiêu với các hình ảnh cách điệu, màu sắc, từ ngữ thể hiện một cách sinh động và dễ nhận biết nhất. Kết quả xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ danh tiếng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút được sự quan tâm đặc biệt của thị trường. Sản phẩm được đăng ký thương hiệu như là một sự đảm bảo và là một công cụ quảng bá hữu hiệu.

Vì thế cùng với sự đầu tư phát triển sản xuất thì việc đăng ký thương hiệu càng làm tăng thêm giá trị nông sản và nhiều tác động tích cực về mặt xã hội. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong hoàn cảnh của nền kinh tế hội nhập quốc tế.


Huyện Chợ Gạo Trồng 1.450 Ha Ca Cao Huyện Chợ Gạo Trồng 1.450 Ha Ca Cao Nông Dân Miền Trung Được Mùa Lúa Vụ Đông Xuân Nông Dân Miền Trung Được Mùa Lúa Vụ…