Thương lái tranh mua lúa tại ruộng, nông dân lời khá
Theo nhận định và dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với các hợp đồng xuất khẩu gạo mới được ký kết, cộng với tình hình tiêu thụ lúa đông xuân đang thuận lợi, nhiều khả năng sẽ không cần triển khai chính sách thu mua tạm trữ lúa đông xuân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như những năm trước.
Để đánh giá thực tế của khả năng này, phóng viên Dân Việt đã tìm hiểu tình hình tại các địa phương.
Thương lái tranh mua lúa tại ruộng
Nông dân xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân. Theo người dân nơi đây, lượng lúa thu hoạch được các thương lái tranh mua tại ruộng với giá từ 4.400-4.700 đồng/kg, cao hơn từ 200-300 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và cao hơn khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước (do chính sách tạm trữ tác động nên lúc này giá lúa đã tăng đáng kể - PV). Với mức giá trên, người dân rất phấn khởi vì có thể thu lời từ 10-15 triệu đồng/ha.
Lão nông Lê Hoàng Tiến ngụ ở xã Vị Trung cho biết: “Do thời tiết thay đổi thất thường, lúa nhà tôi bệnh nhiều nên so với vụ đông xuân năm trước, 5.000m2 lúa OM 5451 có thể giảm năng suất trên 0,5 tấn, tức chỉ đạt gần 4 tấn. Thế nhưng, bù lại với mức giá thị trường hiện nay thì tôi vẫn lời từ 1-1,5 triệu/1.000m2 (công)”.
Còn bà Lê Thị Hải ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy) vui mừng cho biết: “Giá lúa đang tăng nên các thương lái tranh mua, một số hộ nơi đây còn tổ chức mua về trữ lại tại nhà, chờ giá cao hơn bán ra thu tiền chênh lệch. Cũng nhờ vậy mà 1ha lúa IR50404 của tôi bán được nhanh với giá 4.600 đồng/kg, thu lời được trên 15 triệu đồng”.
Về việc thu hoạch lúa đông xuân, ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phấn khởi thông tin: “Tuy trên địa bàn tỉnh có đến 1.000ha lúa bị giảm năng suất (giảm khoảng 1 tấn/ha) vì ảnh hưởng bởi hạn, mặn, nhưng bù lại giá ở mức cao và đang có chiều hướng tăng”. Cũng theo ông Đời, tín hiệu giá lúa hiện nay rất đáng mừng cho người dân tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả vựa lúa miền Tây nói chung trong tình cảnh đại hạn, nhiễm mặn như hiện nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng như Hậu Giang, sau Tết Nguyên đán, ngoài các thương lái tại địa phương, các doanh nghiệp cũng đã tranh thủ “ra quân” thu mua lúa gạo vì theo dự đoán sản lượng lúa đông xuân – loại lúa có chất lượng cao nhất trong năm bị sụt giảm lớn, trong khi đó nhu cầu ngoài nước đang rất cần.
“Sau tết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc thu mua lúa của bà con nông dân. Mặc dù năng suất bình quân giảm từ 300-400kg/ha (bị ảnh hưởng hạn, mặn nhẹ hơn các địa phương khác, kéo theo năng suất giảm ít) nhưng bù lại giá cả tăng” – ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long nói.
Không cần tạm trữ
Khi hỏi về chính sách tạm trữ lúa như đã từng triển khai ở vụ đông xuân 2014-2015 trước đó, hầu hết người dân các địa phương vùng ĐBSCL đều cho rằng không cần thiết bởi giá lúa đã ở mức cao, người dân đang có lời. Nhiều người dân còn nhận định rằng, chính sách tạm trữ chỉ có tác dụng làm cho doanh nghiệp có thêm động lực thu mua khi giá đang ở mức thấp, từ đó có thể giúp giá nhích lên vài trăm đồng/kg, còn với giá hiện nay thì sẽ không có tác dụng.
“Ngành nông nghiệp tỉnh không đề xuất lên Bộ NNPTNT về việc tam trữ vì giá lúa đang nằm trên giá sàn theo Nghị định số 109/2010 và đang có chiều hướng tốt cho nông dân. Việc mua bán giữa doanh nghiệp, thương lái và người dân đang gặp nhiều thuận lợi, không xảy ra tình trạng tồn đọng, lúa không bán được”.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long
Ông Lê Văn Đời cho biết, đến nay, ông vẫn chưa nghe thông tin gì từ Bộ NNPTNT liên quan đến việc triển khai tạm trữ. Đồng thời, ông Đời cũng phân tích: “Nếu thấy giá quá thấp, Bộ NNPTNT mới can thiệp, đề xuất cho tạm trữ nhưng hiện giá vẫn tốt. Hơn nữa, chính sách này vẫn không phải là yếu tố bền vững và chỉ nên triển khai trong một thời điểm nhất định nào đó mang tính giải pháp tạm thời”.
Còn theo ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ thì toàn thành phố đã thu hoạch được gần 57.000ha lúa đông xuân, chiếm khoảng 70% diện tích gieo sạ nên địa phương này không nhất thiết cần đến chính sách tạm trữ. “Dự kiến 2 tuần đầu tháng 3 này, Cần Thơ sẽ cơ bản thu hoạch xong. Các vấn đề có liên quan trong khâu thu hoạch, đặc biệt là việc vận chuyển, thu mua đang diễn ra nhộn nhịp, chưa có vướng mắc gì lớn. Chúng tôi sẽ chủ động theo dõi để kịp thời hỗ trợ bà con khi cần thiết” – bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ