Thủy sản Việt: qua góc nhìn chuyên gia
2017 là một năm chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành thủy sản toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt luôn nỗ lực nắm bắt cơ hội và vượt mọi thách thức để tiếp bước trên con đường phát triển bền vững.
Cần có sự đầu tư thích hợp hơn cho nuôi biển tại Việt Nam Ảnh: Xuân Trường
Đón cơ hội RCEP
Chris Loew, Biên tập viên Seafoodsources
Khi tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố sẽ thoái lui TPP, thì một vài đối tác thương mại của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương lại trông chờ vào một hiệp định khác - được coi là “thế thân” của TPP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định này mang một màu sắc và hơi thở hoàn toàn khác TPP ở chỗ, sẽ tập trung xóa bỏ rào cản thuế quan và rào cản thương mại trong dịch vụ, đầu tư nhưng lại không can thiệp quá sâu vào bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn lao động và môi trường; đảm bảo tự do cạnh tranh trong mua bán công, đồng thời hạn chế các doanh nghiệp công.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á sẽ là những nước được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định RCEP. Điều hấp dẫn nhất chính là cơ hội tiếp cận rộng mở thông qua thỏa thuận thương mại tự do với thị trường khổng lồ Trung Quốc mà vẫn có thể tránh được việc gia tăng chi phí. Với riêng mặt hàng thủy sản, chắc chắn tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và có thể kích thích cả quá trình xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến tại Trung Quốc quay lại Việt Nam.
Đầu tư cho nuôi biển
TS Antonio Garza de Yta, Ủy ban Quốc gia về Khai thác và nuôi trồng thủy sản (CONAPESCA), Mexico
Thách thức lớn nhất của nghề nuôi cá ngoài khơi tại Việt Nam và toàn Đông Nam Á nói chung là vấn đề an ninh vì thường xuyên bị trộm cắp. Tiếp đó là nâng cao nhận thức về giá trị của việc chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ngoài khơi và cuối cùng là nguồn cung con giống chất lượng. Không như giống cá nước ngọt được sản xuất trong thời gian không quá 1 năm, cá biển lại cần tối thiểu 2 - 3 năm. Nguồn thức ăn nuôi con giống theo từng giai đoạn cũng khác nhau, đòi hỏi người sản xuất thức ăn phải có trình độ cao. Tuy nhiên, tại Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu Chính phủ đầu tư để phát triển công nghệ sản xuất con giống, nhưng sau đó chuyển giao lại cho các doanh nghiệp tự sản xuất và cạnh tranh nhau nên nguồn cung con giống khá dồi dào và đa dạng. Đây cũng là bài học cho các nước Đông Nam Á để giải quyết bài toán con giống.
Mặt khác, khi phát triển nghề nuôi cá ngoài khơi nên hướng đến thị trường xuất khẩu. Đó là lý do tại sao chính phủ, nhà đầu tư và các thành phần khác hoạt động trong ngành này đều phải tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường trước khi có ý định xây dựng nghề nuôi cá biển ngoài khơi quy mô lớn.
Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm
GS Linda Bui, Đại học Louisiana, Mỹ
Hằng năm lại có 1.000 acre đường bờ biển tại Việt Nam bị xói mòn nên Việt Nam đã chú trọng Nuôi trồng thủy sản trong ao nhân tạo hơn là chỉ tập trung bảo tồn nguồn thủy sản ven bờ. Tại Việt Nam, nghề Nuôi trồng thủy sản phát triển rất nhanh và mạnh, với tốc độ như vậy, nó đã vượt xa nghề khai thác thủy sản từ rất lâu. Trước kia, chính hoạt động nuôi tôm là một trong những nhân tố gây xói mòn bờ biển bởi các trại nuôi đã chặt phá rừng ngập mặn để mở rộng diện tích. Cũng từ đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính giúp người nuôi tôm tái trồng rừng ngập mặn. Nếu ngư dân giữ lại 60% diện tích rừng ngập mặn trong khu nuôi tôm, họ sẽ đủ tiêu chuẩn được cấp chứng nhận sinh thái; đồng nghĩa giá bán tôm sinh thái trên thị trường sẽ cao hơn hẳn sản phẩm tôm nuôi thông thường. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch giúp các trại nuôi tôm sinh lãi nhiều hơn bằng cách khuyến khích họ nuôi các loài thủy hải sản khác như cá seabass và cá rô phi.
Lựa chọn giải pháp dinh dưỡng
TS Pedro Encarnacao, Chuyên gia nuôi trồng thủy sản, Biomin
Nhiều người nuôi thủy sản tại Việt Nam vẫn cho rằng, phụ gia thức ăn là những chi phí phụ và tốn kém; tuy nhiên, đây lại chính là công cụ hữu ích tạo ra các công thức thức ăn linh hoạt và góp phần cải thiện hiệu quả của thức ăn. Ngoài ra, người nông dân vẫn còn “quá nặng nề” về giá thức ăn, còn hãng sản xuất thức ăn chỉ tập trung tạo ra các sản phẩm rẻ tiền để đánh vào tâm lý người nuôi. Nhưng điều mà cả người nuôi và công ty sản xuất thức ăn cần chú trọng chính là tính hiệu quả và đầu ra. Đó không đơn thuần là giá thức ăn mà đó là chi phí sản xuất. Khi đặt câu hỏi “để sản xuất được 1 kg cá, tôi cần phải chi bao nhiêu?” người nuôi phải tính toán chi phí sản xuất vượt lên giá thức ăn, đó sẽ là tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ tăng trưởng và môi trường. Tóm lại, tất cả đều chung một mục đích cuối cùng là tính lợi nhuận; đây chính là “kinh tế dinh dưỡng” - nghĩa là cần phải tìm kiếm giải pháp dinh dưỡng tối ưu để tối đa lợi nhuận.
Nuôi trồng thủy sản rủi ro hơn các loại gia súc, gia cầm vì có quá nhiều đối tượng nuôi. Một khi đã lựa chọn được giải pháp dinh dưỡng, người nuôi cần phải khoanh vùng được đối tượng tiềm năng; hiện, tôm, cá rô phi và cá da trơn đang được coi là các đối tượng nuôi phổ biến, lợi nhuận cao. Cuối cùng, cần phải giảm rủi ro dịch bệnh bằng cách phát triển kỹ năng quản lý trại nuôi.
Ngành tôm cần đổi mới
Mike Urch, Biên tập viên Seafoodsources
Nhiều chuyên gia từng nhận định, nếu ngành công nghiệp tôm nuôi của Việt Nam không thay đổi cách thức hoạt động sớm, thì sẽ phải đối mặt sự sụp đổ và lại phải chờ đợi sự giải cứu từ phía Chính phủ bằng các gói hỗ trợ tài chính. Các thách thức của ngành tôm chính là những rào cản thương mại mới, sự thay đổi tiêu cực của thời tiết và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Các quốc gia nhập khẩu tôm không ngừng xây dựng hàng rào cản kỹ thuật ngày một khắt khe hơn để ngăn chặn dòng chảy của sản phẩm tôm bệnh và tôm chứa tồn dư kháng sinh vào thị trường của họ. Đây chính là mối đe dọa lớn nhất với hệ thống xuất khẩu tôm hiện nay của Việt Nam.
Australia, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Brazil và Mexico đã đồng loạt tuyên bố chỉ mua sản phẩm tôm đạt Chứng nhận sạch bệnh theo bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); hoặc những sản phẩm được công nhận sạch bệnh bởi các tổ chức, cơ quan do OIE ủy quyền. Đáp ứng được những tiêu chuẩn này không đơn giản trong khoảng thời gian ngắn.
Nắm bắt cơ hội từ thị trường Trung Quốc
TS Yang Yong, Giám đốc Tập đoàn Công nghệ sinh học Nutriera Quangdong, Trung Quốc
Mức tiêu thụ thủy sản tại Trung Quốc luôn cao hơn các sản phẩm thịt với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 4%/năm. Sức hấp dẫn không chỉ nằm ở dân số khổng lồ 1,4 tỷ người mà còn ở mức lương tăng đều hàng năm cùng thu nhập sau thuế tăng hơn 8%. Đây chính là cơ hội cho các hãng chế biến thủy sản Việt Nam nhưng cũng đi kèm thách thức về thủ tục hải quan và thiếu thông tin thị trường.
Bên cạnh chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ thì gần đây người dân Trung Quốc lại chuộng hình thức mua bán qua chợ thương mại điện tử hơn; cùng đó, họ cũng ngày càng quan tâm đến chất lượng, an toàn và sức khỏe. Do đó, danh tiếng của sản phẩm cực kỳ quan trọng. Người tiêu dùng dẵn sàng trả giá sản phẩm thủy sản cao hơn nếu đó là sản phẩm uy tín về chất lượng và sự an toàn. Nếu chất lượng thịt cá tra (hương vị) và chất dinh dưỡng có thể được cải thiện để tạo sự khác biệt với cá rô phi và các loại cá thịt trắng khác, chắc chắn cá tra sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc với giá bán cao hơn. Và sẽ là điểm cộng cho sản phẩm này nếu như các hãng chế biến sử dụng những loại thức ăn có khả năng làm tăng hàm lượng omega-3 trong sản phẩm cá tra.
Không để ngành cá tra chịu thua thiệt
TS Carson Roper, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA)
Cá tra của Việt Nam được nuôi tại 8 tỉnh, thành trọng điểm, với sản lượng trung bình khoảng 312 tấn/ha/vụ. Hầu hết các sản phẩm đều đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Hiện nay, 80% diện tích nuôi cá tra đều được quản lý bởi công ty có hệ thống sản xuất khép kín từ trại giống, nuôi thương phẩm, thức ăn viên ép đùn đến chế biến tại nhà máy. Sản xuất được quản lý bởi các cấp lãnh đạo có chuyên môn, năng lực theo những quy định nghiêm ngặt xuyên suốt chuỗi cung ứng. Nhiều trang trại đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP. Thế nhưng, thật đáng tiếc là vẫn có trường hợp một số lô hàng bị trả về vì có tồn dư kháng sinh.
Khó khăn lớn của ngành cá tra hiện nay là thiếu sức mạnh truyền thông đủ khả năng ứng phó trước những thông tin bôi nhọ hình ảnh như tại Tây Ban Nha vừa qua. Các hãng xuất khẩu cũng cần phải khẳng định với người mua rằng cá tra không thể bán rẻ mãi được. Nhưng khi người tiêu dùng ngày càng khó tính và đòi hỏi các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh khắt khe nhất, thì ngành cá tra Việt cũng cần phải sản xuất theo một hệ thống tiêu chuẩn giống nhau. Doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các hiệp hội để xây dựng thương hiệu và tạo chuỗi cung ứng toàn cầu cho sản phẩm cá tra cũng như đầu tư sâu hơn cho R&D từ kỹ thuật nuôi, chế biến tới nghiên cứu thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ