Mô hình kinh tế Tích Cực Tái Canh Và... Giảm Diện Tích Cà Phê

Tích Cực Tái Canh Và... Giảm Diện Tích Cà Phê

Ngày đăng 07/08/2013

Tích Cực Tái Canh Và... Giảm Diện Tích Cà Phê

Đứng thứ 2 về sản lượng cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Giải pháp đang được hướng tới là giảm diện tích trồng mới, tập trung tái canh vườn cà phê già cỗi...

Nhiều mối “đe dọa”

Liên tiếp 2 năm liền, cà phê Tây Nguyên phải đối mặt với hạn hán khốc liệt. Trong năm 2012, Tây Nguyên có đến hơn 410ha cà phê bị mất trắng, gần 50.000ha bị giảm năng suất trên 20%, hơn 36.000ha bị ảnh hưởng đến năng suất từ 3-5% do hạn hán. Trong đó, Đăk Lăk - vùng trọng điểm cà phê của Tây Nguyên có đến gần 28.000ha bị giảm năng suất trên 20%.

Mùa khô năm 2012 tại các tỉnh Tây Nguyên kéo dài khiến mực nước ngầm giảm mạnh. Năm 2013, Tây Nguyên lại tiếp tục đối diện với đợt hạn khốc liệt nhất trong nhiều năm qua. Tính đến tháng 6, toàn vùng đã có hơn 340ha cà phê bị mất trắng, gần 40.000ha khác bị ảnh hưởng nặng do hạn hán.

Bất lợi như vậy, nhưng trong niên vụ 2012-2013, diện tích cà phê vẫn tiếp tục tăng thêm hơn 25.000ha. So với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NNPTNT, đến nay diện tích cà phê cả nước đã vượt đến trên 120.000ha. Đáng báo động, rất nhiều nông dân trồng cà phê trên vùng thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Theo khảo sát, hầu hết diện tích cà phê bị mất trắng trong những năm qua chủ yếu được trồng trên vùng đất có thành phần cát pha, giữ nước rất kém.

Theo Bộ NNPTNT, ảnh hưởng của khí hậu khiến năng suất cà phê đang giảm một cách đáng kể. Niên vụ 2012-2013, sản lượng cà phê có tăng lên (do diện tích cà phê kinh doanh tăng) nhưng hầu hết năng suất của nhiều địa phương bị giảm xuống. Bình quân cả nước, năng suất cà phê giảm so với niên vụ trước đến 0,7 tạ/ha. Cùng với đó, tình trạng cây cà phê già cỗi cũng đang là mối “đe dọa” rất lớn đến chất lượng, sản lượng.

Trong tổng số hơn 622ha cà phê đang sản xuất của cả nước, có khoảng 86.000ha đã trên 20 năm (chiếm 15%) và khoảng 140.000 ha từ 15- 20 năm (chiếm 25%). Hầu hết diện tích này có năng suất thấp, đặc biệt đối với cà phê trên 20 tuổi, năng suất chỉ đạt hơn 19 tạ/ha.

Khẩn trương tái canh

Theo Bộ NNPTNT xác định, để đảm bảo sản xuất bền vững, có hiệu quả thì cần phải từng bước giảm diện tích cà phê. Theo đó, đến năm 2020 giảm xuống còn 500.000ha, năm 2030 giảm thêm 20.000ha. Theo đó, các địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê; loại bỏ những diện tích ít thích hợp và không thích hợp. Cùng với đó, công tác chế biến phải được chú trọng bằng cách đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến với công nghệ hiện đại; đưa các sản phẩm từ cà phê ra thị trường với chất lượng tốt nhất.

Ngân hàng NNPTNT đã cam kết đầu tư 12.000 tỷ đồng cho chương trình tái canh cà phê. Tuy nhiên để nguồn vốn này đến được tay nông dân cũng như việc tái canh đạt hiệu quả cao thì các tỉnh cần phải nhanh chóng khảo sát, quy hoạch diện tích cần tái canh.

Bên cạnh đó, vấn đề trọng tâm hiện nay đó là tái canh vườn cà phê già cỗi. Lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, từ nay đến năm 2020, tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, diện tích cà phê cần tái canh lên đến 200.000ha. Từ năm 2010 đến nay đã có trên 3.000ha cà phê được tái canh, tuy nhiên có khoảng 10% diện tích cây tái canh bị chết phải thay bằng cây trồng khác. Để tránh suy giảm sản lượng cà phê trong thời gian tới thì việc tái canh phải được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm chỉ thực hiện chừng 15-20% diện tích.


Trồng Chanh Không Hạt Cho Trái Quanh Năm Trồng Chanh Không Hạt Cho Trái Quanh Năm Người Nuôi Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Người Nuôi Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông…