Tin nông nghiệp Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa làm vừa băn khoăn

Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa làm vừa băn khoăn

Tác giả Lương Kết, ngày đăng 04/11/2016

Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa làm vừa băn khoăn

“Với cách làm thời gian vừa qua, chúng tôi thấy đầu tư cho nông nghiệp ít nhưng lãng phí, thất thoát ở nhiều dự án, nhất là các dự án về nạo vét sông ngòi, kênh mương, xây dựng hồ đập... Đây là nguyên nhân chung cho việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng gây nợ đọng lớn trong xây dựng cơ bản" - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh nhận định.

Ngày 3.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường cho ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Nhiều ĐB đã phát biểu đưa ra giải pháp để phát triển nông nghiệp.

Phải hiểu được lợi ích của tích tụ ruộng đất

Trong ảnh: Theo các đại biểu Quốc hội, nông dân vẫn chưa yên tâm đầu tư, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.   Ảnh: T.C.T.C

Nhà nước cần có cơ chế động viên và hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội. Gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực trên phạm vi cả nước". ĐBQH Nguyễn Thị Thanh

Dành gần toàn bộ thời gian nói về vấn đề nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng: Sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng kinh tế nông nghiệp và đời sống gần 70% cư dân nông thôn còn rất nhiều khó khăn. Dư địa của ngành nông nghiệp còn rất lớn nhưng chưa thấy động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong nhóm giải pháp ĐB Thanh đã nhấn mạnh, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất để sản xuất lớn đang diễn ra đúng hướng nhưng thiếu những định hướng và hành lang pháp lý của Nhà nước, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và người dân. "Điều này hạn chế thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cũng như phát huy lợi thế nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp. Không ít người nông dân kém nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư ở các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng để phòng cơ" - ĐB Thanh cho hay.

Theo ĐB Thanh trong công tác tuyên truyền, phải làm sao để cán bộ và người dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ, tập trung ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng đề cập đến giải pháp cho nông nghiệp, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, nên lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình sản xuất vừa tập trung, vừa phân tán. "Lĩnh vực khó cần tập trung đó là giống, quy trình công nghệ, vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm là do doanh nghiệp thực hiện. Còn người nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất phân tán. Việc này sẽ giải quyết được sản phẩm vừa đồng nhất về giống, về chất lượng và có một số lượng đủ lớn để tham gia thị trường" - ĐB Gia nói.

Kiến nghị nhiều, chậm tháo gỡ

Nói về kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, ĐB Triệu Tài Vinh  - Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh lựa chọn khâu kế hoạch chứ không quá ưu tiên vào tư liệu sản xuất và công cụ sản xuất. Một mặt vẫn tiếp tục triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới theo luật, qua đó đã hình thành các hợp tác xã dược liệu, các hợp tác xã dịch vụ tổng hợp. "Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo hợp tác xã toàn thôn... Chúng tôi cơ cấu lại tổ chức nhất thể hóa các chức danh của thôn, đồng thời vốn hóa tài nguyên, cơ sở vật chất thôn để tiếp cận tín dụng cho phát triển thôn, bản. Chúng tôi gọi mô hình này là mô hình hợp tác xã có hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp" - ĐB Vinh cho hay.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho hay: Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp luôn có tư duy đầu tư thủy lợi cho nông nghiệp, sản xuất lúa gạo và trồng trọt mà chưa quan tâm đến thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản. Trong khi dư địa phát triển kinh tế thủy sản còn rất lớn.

"Đầu tư cho lĩnh vực này còn rất hạn chế, đặc biệt thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản. Qua theo dõi các diễn đàn thảo luận của Quốc hội khóa XIII, tôi thấy có nhiều ý kiến của ĐBQH về lợi thế so sánh của kinh tế thủy sản so với kinh tế nông nghiệp, nhất là vấn đề đầu tư cho thủy lợi, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long, nơi có trên 80% diện tích và sản lượng thủy sản được sản xuất phục vụ cho xuất khẩu với 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, nhưng cho đến nay vấn đề về thủy lợi chưa được tháo gỡ" - ĐB Thu bày tỏ.

Phát biểu theo hướng tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho biết, vừa qua nhà nước có việc bỏ thuế giá trị gia tăng cho một số ngành, trong đó có ngành thức ăn chăn nuôi, ngành phân bón. Tuy nhiên, hiện ngành vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp lại bị thiệt thòi.

ĐB Nghĩa phân tích, những doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất, trong đó có một số nhà đầu tư nước ngoài rất lớn thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Từ đó dẫn tới việc, những doanh nghiệp đi nhập khẩu những mặt hàng trên thì không bị ảnh hưởng, trong khi những người đầu tư, tổ chức  sản xuất trong nước những mặt hàng trên lại bị ảnh hưởng. Vấn đề này Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế cũng như Hiệp hội Phân bón, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đã kiến nghị từ tháng 5.2015 khi Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhưng không được chấp nhận. "Người ta chỉ kiến nghị bây giờ anh đừng có đưa họ vào diện miễn thuế mà đưa vào thuế giá trị gia tăng 0% thì như thế những đối tượng này sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào" - ĐB Nghĩa nói. 


Bán 1 tạ sắn, mua được tô phở Bán 1 tạ sắn, mua được tô phở Vựa lúa Tây Nam Bộ vấp nỗi lo cơ chế, chính sách Vựa lúa Tây Nam Bộ vấp nỗi lo…